Chuyển hướng chiến lược
LSO - Trước kia, xây dựng nông thôn mới xác định lấy nông dân làm chủ thể, xã làm địa bàn, thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện, vai trò của chủ thể đã và đang phát huy tích cực, nhưng địa bàn xã vẫn còn khá chung chung. Hướng chuyển chiến lược trong quan điểm chỉ đạo của tỉnh hiện nay là lấy thôn làm địa bàn.
LSO – Trước kia, xây dựng nông thôn mới xác định lấy nông dân làm chủ thể, xã làm địa bàn, thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện, vai trò của chủ thể đã và đang phát huy tích cực, nhưng địa bàn xã vẫn còn khá chung chung. Hướng chuyển chiến lược trong quan điểm chỉ đạo của tỉnh hiện nay là lấy thôn làm địa bàn.
Nhân dân thôn Cò Nàn, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc bê tông hóa đường giao thông nội thôn
Trong đợt kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng nông thôn mới tại Lạng Sơn, Cố vấn Ban chỉ đạo Trung ương Lê Huy Ngọ khẳng định: xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ mỗi người dân, xác định nhiệm vụ của mỗi chủ thể là tích cực phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất tinh thần và tham gia củng cố hạ tầng nông thôn. Nhiều người dân trong thôn cùng chung tay xây dựng sẽ tạo ra thôn nông thôn mới và nhiều thôn nông thôn mới sẽ hình thành nên xã nông thôn mới. Quan điểm rất logic và như vậy nhiệm vụ đặt ra cũng rất cụ thể cho xã, thôn và mỗi người dân, tạo nên “ba mũi giáp công xây dựng nông thôn mới”. Thực tế trong quá trình triển khai thực hiện, nếu lấy địa bàn xã làm trung tâm thì vẫn rất rộng và chưa cụ thể, nhưng chuyển hướng về địa bàn thôn thì mỗi công việc trở nên cụ thể và sát thực với người dân hơn.
Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Thường trực xây dựng nông thôn mới của tỉnh cho biết: trong cuộc sơ kết 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc tổ chức tại Lào Cai vừa qua, không chỉ riêng Lạng Sơn, mà rất nhiều đại biểu cũng cảm nhận được cần phải chuyển hướng lấy thôn làm địa bàn triển khai thực hiện. Như vậy nhiệm vụ chủ yếu của cấp xã là xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch, đồng thời tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư của nhà nước để xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Mặt khác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các thôn triển khai và chỉ đạo các tổ chức đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát động các phong trào thi đua trong từng thôn.
Cấp thôn, hiểu rõ nguyện vọng của nhân dân, nhu cầu thực tiễn của thôn mình, qua đó phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn và các đoàn thể trong thôn tổ chức vận động nhân dân tham gia phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, môi trường nông thôn bám sát theo quy hoạch của xã. Về vấn đề này, anh Hà Văn Toàn, Trưởng thôn Cò Nàn, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc cho biết: trong 3 năm qua, hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, dựa vào quy hoạch chung của xã, thôn Cò Nàn đã làm được rất nhiều việc, trong đó điển hình nhất là bê tông hóa hoàn toàn đường trục chính, tổ chức cứng hóa đường nội thôn và hiện nay đang tiếp tục hoàn tất đường trục phụ liên thôn để vận chuyển nông sản. Trong đó mọi việc đều do người dân trong thôn bàn bạc, triển khai, xã có trách nhiệm xem xét những công trình đó có phù hợp với quy hoạch hay không và làm kế hoạch, đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ xi măng.
Trong cuộc họp thường kỳ tháng 10 UBND tỉnh vừa qua, rất nhiều vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội được các đại biểu bàn thảo, trong đó nông thôn mới là một trong những nội dung trọng yếu. Đồng chí Vy Văn Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới khẳng định: để đạt được xã nông thôn mới thì các thôn trong đó phải là thôn nông thôn mới, thôn đạt nông thôn mới cơ bản phải thực hiện hầu hết các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia, như vậy xác định lấy thôn làm địa bàn là hướng đi đúng.
Hội nghị sơ kết 3 năm xây dựng nông thôn mới khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã kết luận: các tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình phức tạp, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, các xã có diện tích lớn, các thôn, bản ở cách xa nhau, vì vậy cần có cơ chế chính sách phù hợp với đặc điểm của vùng và từng địa phương; trong xây dựng nông thôn mới cần xác định địa bàn thôn, bản là địa bàn chủ yếu, quan trọng và phải ưu tiên để thực hiện trước các tiêu chí trên địa bàn thôn, như: đường giao thông, thủy lợi, nhà ở dân cư, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, trường học, môi trường. Hướng chuyển chiến lược này đang được Ban chỉ đạo tỉnh quán triệt để tổ chức triển khai thực hiện.
Bài, ảnh: Vũ Lê Minh
Ý kiến ()