Chuyện giàu - nghèo ở vựa lúa lớn
Nông dân HTX Tân Phong huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thu hoạch chôm chôm. ( Ảnh: TRUNG CHÁNH )Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất cả nước với sản lượng vừa chiếm tỷ trọng lớn nhất, vừa tăng trưởng nhanh nhất, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu lương thực; nhưng thu nhập người trồng lúa vẫn ở mức thấp. Hơn nữa, chênh lệch thu nhập và mức phân hóa giàu - nghèo tại đây còn khá cao.Theo số liệu thống kê năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBSCL ở mức cao: 12,6%, chỉ thấp hơn các tỉnh vùng miền núi phía bắc và Tây Nguyên. Các tỉnh thuần nông trong vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 15 đến 17% như Đồng Tháp và Hậu Giang, các tỉnh đông đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng như Trà Vinh và Sóc Trăng có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 22 đến 23%. Tại ĐBSCL, thu nhập bình quân một người/tháng của nhóm hộ giàu nhất vào thời điểm năm 2010 gấp 7,5 lần thu nhập của nhóm hộ nghèo nhất (năm 2012 là 6,8...
Nông dân HTX Tân Phong huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thu hoạch chôm chôm. ( Ảnh: TRUNG CHÁNH ) |
Theo số liệu thống kê năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBSCL ở mức cao: 12,6%, chỉ thấp hơn các tỉnh vùng miền núi phía bắc và Tây Nguyên. Các tỉnh thuần nông trong vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 15 đến 17% như Đồng Tháp và Hậu Giang, các tỉnh đông đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng như Trà Vinh và Sóc Trăng có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 22 đến 23%. Tại ĐBSCL, thu nhập bình quân một người/tháng của nhóm hộ giàu nhất vào thời điểm năm 2010 gấp 7,5 lần thu nhập của nhóm hộ nghèo nhất (năm 2012 là 6,8 lần), cho thấy chênh lệch thu nhập và mức độ phân hóa giàu – nghèo khá cao tại ĐBSCL. Tình trạng hàng hóa nông sản không bán được, hoặc bị ép giá diễn ra thường xuyên khiến nông dân phải liên tục thay đổi loại cây trồng, hoặc thay đổi mục đích sử dụng đất. Do chậm áp dụng những biện pháp canh tác mới, khả năng tích lũy thấp, cho nên nhiều hộ nông dân đời sống gặp khó khăn. Tất cả chi phí hằng ngày đổ vào mảnh ruộng, cộng với tâm lý ỷ lại, cầm cố, sang bán đất đai, rồi vay mượn nợ nần nhưng làm ăn thất bại đã khiến nhiều gia đình trở nên trắng tay, phải đi làm thuê, làm mướn, bổ sung vào danh sách hộ nghèo. Khả năng để nông dân nghèo mua, hoặc chuộc lại đất gốc rất hiếm vì giá đất ngày càng tăng mà thu nhập của gia đình họ lại quá thấp.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, có hai lý do tác động gay gắt đến phân hóa giàu – nghèo tại nông thôn Tây Nam Bộ:
Thứ nhất, khi sản xuất lúa và thủy sản hàng hóa tăng mạnh đã kích thích việc tích tụ ruộng đất về những hộ có vốn, có kinh nghiệm và kỹ thuật. Đồng thời với xu hướng tích tụ ruộng đất thì xu hướng số hộ không có đất hoặc ít đất ngày càng đông. Tại những vùng nuôi trồng thủy sản (tôm sú, cá ba sa, cá tra) sự phân hóa giàu nghèo đã diễn ra khá gay gắt giữa hộ không đất và ít đất với hộ có nhiều đất và có điều kiện để nuôi trồng thủy sản.
Thứ hai, quá trình đô thị hóa ở khu vực ngoại thành, đáng chú ý là việc quy hoạch xây dựng tràn lan các khu dân cư, khu đô thị mới ở vùng ven đã lấn chiếm không nhỏ diện tích đất nông nghiệp, làm thay đổi đột ngột tính chất nghề nghiệp của người dân tại địa phương, trong khi chưa tính đến những giải pháp hữu hiệu giúp hộ dân chuyển đổi ngành nghề, trước mắt chỉ mới giải quyết chi phí đền bù cho những hộ nông dân thuộc diện di dời. Liên quan đến các dự án xây dựng khu dân cư ở các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy (TP Cần Thơ), phần lớn hộ nông dân sau khi nhận tiền đền bù không thể xác định được công việc mới của mình, chỉ còn cách chạy xe “ôm” kiếm sống qua ngày. Ở trong căn nhà tái định cư, không nghề nghiệp, sau khi tiêu xài hết tiền đền bù thì bán nhà và trở thành dân nghèo thành thị, đời sống càng khó khăn hơn trước. Ngoại trừ một số hộ được nhận tiền đền bù và chế độ ưu đãi mua nhà khu tái định cư đã bán căn nhà này, dùng tiền bán nhà mua đất ruộng ở nông thôn và dùng tiền đền bù để đầu tư vào sản xuất thì còn của ăn, của để. Đô thị hóa là một tất yếu phát triển không gian thành phố nhưng phải đặt trong tầm kiểm soát của chính quyền địa phương với quy hoạch sử dụng đất hợp lý, không thể quy hoạch khu dân cư một cách tràn lan từ việc chuyển đổi đất mục đích sử dụng đất nông nghiệp, gây hệ lụy đến đời sống dân cư nông thôn.
Về những vùng nông thôn có sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ trồng trọt sang nuôi trồng thủy sản diễn ra trên diện rộng, nhất là tại các vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số như Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, tình trạng mất đất do sang nhượng, cầm cố đất đai diễn ra khá phổ biến. Bán đất xong, hộ dân nghèo ít đất hoặc không còn đất sản xuất chỉ còn cách bán sức lao động để nuôi gia đình, hoặc làm mướn tại các vuông tôm, ao cá. Khoảng một năm nay, có đến hai phần ba diện tích nuôi tôm ở Sóc Trăng bị dịch bệnh, nhiều chủ vuông tôm thua lỗ, phải “treo” ao; việc nuôi cá tra cũng thất bại, tìm được nơi bán đã khó, chủ doanh nghiệp lại nợ tiền hộ nuôi cá, lãi suất ngân hàng thì ở mức cao; các nhà máy giảm công suất chế biến, bớt công nhân… đã làm gia tăng đáng kể tình trạng thất nghiệp của lao động nông thôn.
Giúp hộ nông dân nghèo, nhất là bà con dân tộc thiểu số nghèo chuộc lại đất ruộng đã mang đi cầm cố, giải quyết đất sản xuất kết hợp với đào tạo nghề và giải quyết việc làm đang được một số tỉnh trong vùng ĐBSCL như Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng… mạnh dạn thực hiện, cũng chính là giải quyết tận gốc chênh lệch giàu – nghèo tại nông thôn. Mới đây, chính quyền huyện Mỹ Xuyên đã triển khai mua đất cấp cho 80 hộ dân tộc thiểu số ở xã Đại Tâm và Tham Đôn. Điều cần tính đến là mô hình liên kết sản xuất, nhất là liên kết nuôi trồng thủy sản giữa hộ nghèo có đất với hộ có vốn và có kỹ thuật sản xuất nhằm hạn chế phần nào tình trạng bán đất hoặc cho thuê mướn đất đai đang diễn ra như hiện nay. Để nông dân ít đất sử dụng có hiệu quả diện tích đất nhỏ bé của mình cần sự giúp đỡ chu đáo về kỹ thuật và tìm được đầu ra cho sản phẩm của các cấp, ngành.
Bí thư Huyện ủy Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) Lâm Văn Mẫn cho biết: Muốn chuyển đổi nghề cho số lao động nông nhàn thì phải đào tạo nghề. Có rất nhiều lớp dạy nghề mở tại địa phương dành cho đối tượng con em nông dân nghèo, nhưng rất ít người đi học. Bởi vì thanh niên là lao động chính, nếu học nghề tập trung sẽ không có thu nhập để nuôi sống gia đình. Gia đình không có vốn tạo dựng ban đầu cho con cái là trở ngại lớn nhất cho người nghèo học nghề. Sẽ giải quyết được khúc mắc này nếu các doanh nghiệp mở lớp đào tạo nghề tại chỗ cho lao động phổ thông theo kiểu vừa học, vừa làm để có thu nhập.
Thâm nhập miệt vườn, sông nước Cửu Long, cùng chung một con đường, chung một bờ đê, chung một con kênh, xuất phát điểm gần như tương đồng, cùng hưởng lợi từ các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước, nhưng sự chênh lệch thu nhập ngày càng lớn. Chứng tỏ công tác xóa đói, giảm nghèo là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, nhưng việc triển khai tại cơ sở còn chưa sâu sát thực tế, mang nặng tính bình quân. Sẽ xác thực và hiệu quả hơn khi xác định đối tượng nghèo cụ thể để có giải pháp phù hợp giúp họ thoát nghèo, hơn là xác định xã nghèo một cách chung chung, dẫn tới việc đầu tư của Nhà nước bị dàn trải, lãng phí và người hưởng lợi nhiều nhất chưa chắc là hộ nông dân nghèo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()