Chuyên gia: Trung Quốc không đủ khả năng đe dọa tàu sân bay Mỹ
Lý do lớn nhất giúp Mỹ tự tin trước những đe dọa chính là muôn vàn khó khăn mà Trung Quốc sẽ gặp phải để tìm ra và theo dõi các tàu sân bay Mỹ.
Theo Đài RFI, vào lúc sức mạnh của Hải quân Mỹ rõ ràng là dựa trên lực lượng tàu sân bay hùng hậu, các thành phần “diều hâu” Trung Quốc thường đưa ra lập luận là chỉ cần phá hủy một hoặc hai tàu sân bay Mỹ là đủ để làm Washington lùi bước.
Đối với các thành phần này, Bắc Kinh hiện đã có các phương tiện tối tân như các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình hiện đại để tấn công và đánh chìm tàu sân bay Mỹ.
Vấn đề nói thì đơn giản, nhưng thực hiện không phải là điều dễ dàng, thậm chí còn bất khả thi, như nhận định của chuyên gia phân tích quốc phòng Loren Thompson trên tờ báo Mỹ Forbes số ra ngày 9/8 trong bài mang tựa đề “Tại sao Trung Quốc không thể đánh được tàu sân bay Mỹ.”
Theo ông Thompson, Hải quân Mỹ dường như không mấy lo lắng, thậm chí Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân mãn nhiệm, còn cho rằng Mỹ bây giờ còn “ít có khả năng bị tấn công hơn” so với thời kỳ kể từ Thế chiến thứ 2 đến nay.
Có hai lý do giải thích thái độ tự tin của Hải quân Mỹ: Trước hết vì Mỹ đã đầu tư rất mạnh vào những công nghệ mới nhằm củng cố hệ thống phòng thủ của các nhóm tàu sân bay tấn công, đồng thời cũng đã thay đổi chiến thuật tác chiến tại khu vực gần Trung Quốc.
Thế nhưng, lý do lớn nhất giúp Mỹ tự tin chính là muôn vàn khó khăn mà Trung Quốc sẽ gặp phải để tìm ra và theo dõi các tàu sân bay Mỹ.
Thứ nhất là trở ngại về mặt địa dư. Khu vực phía Tây Thái Bình Dương, nơi hoạt động của hàng không mẫu hạm Mỹ, là một vùng mênh mông, rất dễ cho các con tàu ẩn mình khi tác chiến.
Riêng Biển Đông đã rộng hơn 3,6 triệu km2, và đấy chỉ là một trong 4 vùng biển mà phi cơ xuất phát từ tàu sân bay Mỹ có thể tấn công vào Trung Quốc .
Thứ hai là trở ngại trong quá tình tấn công. Ngoài khó khăn trong việc phát hiện kẻ địch, Trung Quốc cần vượt qua nhiều trở ngại khác để có thể tấn công được một tàu sân bay Mỹ .
Sau khi tìm ra tàu sân bay, sau đó phải xác định được tọa độ vị trí con tàu, thiết lập một bản đồ theo dõi hành trình liên tục chuyển động của nó; rồi đưa con tàu vào tầm ngắm chính xác của những loại vũ khí cụ thể.
Chưa hết, Trung Quốc còn phải xuyên thủng hàng rào phòng thủ nhiều lớp của tàu sân bay Mỹ mới có thể tiếp cận được mục tiêu; và cuối cùng còn phải đánh giá xem thiệt hại gây ra có đủ để khiến đối phương ngừng hoạt động hay chưa.
Hải quân Mỹ gọi đây là một “quá trình tiêu diệt – kill chain,” với mỗi bước phải được hoàn thành theo thứ tự, chỉ cần một sai sót trong một công đoạn là toàn bộ quá trình sẽ thất bại. Dĩ nhiên Mỹ và các đối tác có nhiều kế hoạch nhằm gây gián đoạn từng bước một trong quá trình tiêu diệt đó.
Thứ ba là hiệu năng của radar và vệ tinh Trung Quốc còn khiêm tốn./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()