Chuyên gia Singapore: Việt Nam cần cải cách để tận dụng cơ hội CPTPP
Để được hưởng lợi lớn hơn từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được 11 quốc gia thành viên ký kết chính thức tại Chile hôm 8/3, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách ở một số lĩnh vực.
Đây là nhận định của tiến sỹ Hoe Ee Khor, Chuyên gia kinh tế trưởng, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN 3 (AMRO) tại Singapore.
Tiến sỹ Hoe Ee Khor cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – tiền thân của CPTPP mang lại nhiều lợi ích hơn khi có sự tham gia của Mỹ vì nó chiếm tới 38% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) và 26% thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, trên thực tế, CPTPP vẫn là một thỏa thuận rất quan trọng với 11 thành viên còn lại, trong đó có Việt Nam, khi quy mô thị trường của hiệp định này vào khoảng 500 triệu dân, vẫn chiếm hơn 13% GDP và 15% thương mại toàn cầu.
Theo ông, trong số 5 nền kinh tế châu Á là thành viên của CPTPP gồm: Brunei, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Việt Nam, một số nền kinh tế đã nhận được nhiều lợi ích từ việc tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đơn cử như Việt Nam đã nhận được dòng vốn FDI vào ngành may mặc và các ngành sản xuất khác với mong muốn tiếp cận thị trường rộng lớn hơn theo thỏa thuận này.
Khi CPTPP đi vào thực thi ở giai đoạn sau, sẽ có nhiều dòng đầu tư tăng lên. Theo đó, tăng trưởng FDI vào Việt Nam có thể đạt hơn 2% vào năm 2025 và hơn 6% năm 2030. Các quốc gia khác ở châu Á, như Malaysia và Nhật Bản, cũng sẽ có những bước tăng trưởng tương tự.
Dẫn các số liệu gần đây, tiến sỹ Hoe Ee Khor cho biết kim ngạch xuất khẩu đối với các thành viên CPTPP chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới trong 5 năm qua.
Trong 11 thành viên CPTPP, Nhật Bản và Singapore là hai trong số các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Như vậy, Việt Nam sẽ vẫn hưởng lợi lớn từ CPTPP trong việc tăng cường tiếp cận thị trường cũng như thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn.
Mặc dù đã có một số điều khoản bị đình chỉ so với TPP ban đầu, song CPTPP vẫn là một “hiệp định thương mại thế kỷ 21” với tiêu chuẩn cao, hướng tới mục tiêu không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa mà còn bao trùm nhiều điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mở rộng, trong đó có các vấn đề phi thuế quan như quy tắc xuất xứ, cạnh tranh, tiêu chuẩn lao động, quyền sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp, cùng các vấn đề xuyên suốt như tuân thủ quy định, các tiêu chuẩn an toàn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Tiến sỹ Hoe Ee Khor cho rằng để được hưởng lợi từ CPTPP và các điều khoản của nó, các nền kinh tế thành viên sẽ phải cam kết thực hiện các quy định của mình, kéo theo việc tiến hành tái cơ cấu. Đây cũng là lý do một số nước coi CPTPP là động lực thúc đẩy cải cách trong nước.
Vì vậy, Việt Nam cũng đẩy mạnh cải cách ở một số lĩnh vực trong đó có cải cách doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, tiêu chuẩn lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đây được coi là một động lực bên ngoài thúc đẩy cải cách trong nước rất cần thiết, không chỉ giúp Việt Nam thu được lợi ích từ CPTPP mà còn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh trong dài hạn./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()