Chuyên gia Séc đánh giá cao công tác tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai tại Hà Nội đã trở thành tâm điểm của báo chí truyền thông Cộng hòa Séc với những đánh giá tích cực về công tác tổ chức của Việt Nam.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai tại Hà Nội đã trở thành tâm điểm của báo chí truyền thông Cộng hòa Séc với những đánh giá tích cực về công tác tổ chức của Việt Nam cũng như kết quả của hội nghị sẽ mở ra triển vọng cho tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Phóng viên TTXVN tại Séc đã phỏng vấn tiến sỹ Takashi Hosoda, chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á-Thái Bình Dương, giảng viên Đại học Tổng hợp Charles – Cộng hòa Séc.
Tiến sỹ Hosoda đánh giá cao công tác tổ chức hội nghị của Việt Nam, nhất là về đảm bảo an ninh và lễ tân – hậu cần vì Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội đã diễn ra tốt đẹp, không có sự cố.
Đảm bảo an ninh và lễ tân-hậu cần luôn là thách thức lớn đối với việc tổ chức những sự kiện quốc tế quan trọng, nhất là khi Việt Nam chỉ có thời gian rất ngắn cho việc chuẩn bị tổ chức hội nghị.
Việc tổ chức thành công hội nghị đã khẳng định Việt Nam có đủ khả năng tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, đồng thời nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới, nhất là về ngoại giao và an ninh.
Theo ông Hosoda, thông qua việc tổ chức thành công hội nghị cũng như các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao của Việt Nam với Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, quan hệ Việt Nam-Mỹ, Việt Nam-Triều Tiên được nâng lên tầm cao mới, nhất là việc Mỹ và Triều Tiên đã thể hiện sự coi trọng và tin tưởng vào mối quan hệ với Việt Nam.
Điều này cho thấy, Việt Nam có thể đóng vai trò tích cực trong tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Về nguyên nhân hai bên không đạt được thỏa thuận tại hội nghị, tiến sĩ Hosoda cho rằng cả Mỹ và Triều Tiên đều kỳ vọng vào việc có thể đạt được một thỏa thuận cơ bản.
Tuy nhiên, thực tế hai bên có lý do chiến lược để không nhanh chóng phi hạt nhân hóa vì về cơ bản kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore, Triều Tiên đã không tiến hành thử hạt nhân và Mỹ cũng không tiến hành tập trận quân sự quanh Bán đảo Triều Tiên.
Đây là yếu tố quan trọng giúp ổn định tình tình Bán đảo Triều Tiên như hiện nay. Do đó, Mỹ và Triều Tiên cần có lộ trình dài hơn cho tiến trình phi hạt nhân hóa.
Về triển vọng tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, tiến sỹ Hosoda nhận định mặc dù hai bên không đạt được thỏa thuận tại hội nghị, song giá trị quan trọng nhất lại là tạo động lực để Mỹ và Triều Tiên tiếp tục đối thoại trong tương lai vì cả Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã xây dựng được mối quan hệ thiện chí cá nhân.
Điều này tạo nền tảng để giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình thông qua đối thoại, góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tiến sỹ Hosoda cho rằng tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là một quá trình rất khó khăn, lâu dài và để thúc đẩy tiến trình này một cách hiệu quả cần phải có lộ trình với những bước đi cụ thể, trong đó điều quan trọng nhất là thiện chí từ Mỹ và Triều Tiên.
Thứ nhất, 2 nước cần tiếp tục duy trì đối thoại để có thể đạt được thỏa thuận cụ thể mang tính định hướng về vấn đề phi hạt nhân hóa. Thứ hai, cơ chế đàm phán sáu bên với sự tham gia của Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga sẽ giúp cụ thể hóa điều kiện cho vấn đề phi hạt nhân hóa. Thứ ba, Cơ quan Năng lương nguyên tử quốc tế (IAEA) đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát và kiểm chứng tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Về khả năng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ -Triều Tiên lần thứ 3, tiến sỹ Hosoda cho rằng khó có thể tiến hành ngay vì Tổng thống Mỹ Donald Trump cần ưu tiên các vấn đề đối nội cũng như các vấn đề quốc tế khác, nhất là những vấn đề như thương mại Mỹ-Trung Quốc, Syria…
Tuy nhiên, tiến sỹ Hosoda vẫn hy vọng với thiện chí đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, nhiều khả năng vào thời đểm không xa hai bên sẽ tiến hành Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3.
Ý kiến ()