Chuyên gia kỳ vọng giảm lãi suất điều hành sẽ thúc đẩy tăng trưởng
Chuyên gia nhận định giảm lãi suất sẽ kích cầu tín dụng, qua đó giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng nhiều hơn để đưa vào sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 2 trong vòng chưa đầy một tháng, với mức giảm từ 0,3%-0,5%, của Ngân hàng Nhà nước được các chuyên gia đánh giá là tín hiệu tích cực để các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay vốn đang ở mức cao.
Táo bạo nhưng hợp lý
Lý giải về động thái này, Ngân hàng Nhà nước cho biết việc liên tiếp giảm lãi suất điều là do thị trường tiền tệ thời gian qua ổn định, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế. Lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh và mạnh…
Trong khi đó, các chuyên gia đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm lãi suất điều hành là một bước đi nhanh và mạnh mẽ, phát đi thông điệp rằng cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đang muốn khơi thông dòng vốn giá rẻ hơn, hợp lý hơn ra thị trường.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Econimica VietNam nhận định: “Việc giảm lần thứ hai này mạnh mẽ hơn lần trước, thậm chí là giảm cả trần lãi suất huy động. Điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã gửi đi một tín hiệu tiếp tục mục tiêu hỗ trợ cho quá trình phục hồi của nền kinh tế trong năm nay.”
Cùng quan điểm, ông Trương Thái Đạt-Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán (DSC) cũng nhận định ở lần điều chỉnh thứ 2 này, Ngân hàng Nhà nước cuối cùng đã tác động đến lãi suất tái cấp vốn, một phần không nhỏ tới từ khả năng lãi suất điều hành của Fed đã tiệm cận về mức đỉnh 2023. Ở lần điều chỉnh trước, Ngân hàng Nhà nước đón đầu giảm các mức lãi suất trừ lãi tái cấp vốn đề phòng trường hợp Fed không giảm tốc độ tăng lãi suất.
“Đây là động thái để ổn định tỷ giá cũng như chuẩn bị cho tương lai, vừa là tiếp tục đẩy mạnh chủ trương hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp,” ông Đạt nhấn mạnh.
Ông Hoàng Công Tuấn, kinh tế trưởng Công ty Cổ phần chứng khoán MB (MBS) cũng nhận định: “Động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là một động thái táo bạo nhưng hợp lý trong bối cảnh GDP quý 1/2023 ở mức tương đối thấp so với nhiều năm. Trong khi đó, nhiều khả năng Fed đảo chiều chính sách tiền tệ. Vì vậy, chúng tôi cho rằng động thái của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là bước đón đầu, đi trước xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất toàn cầu.”
Một lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận giảm lãi suất là hết sức cần thiết vì mặt bằng lãi suất hiện đang cao khiến khách hàng e ngại không dám tiếp cận vốn dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm. Thế nên, khi lãi suất tiền gửi giảm, chi phí huy động vốn sẽ giảm theo. Từ đó, các ngân hàng sẽ tính toán để giảm thêm lãi suất cho vay, kích thích người dân vay vốn làm ăn để ngân hàng mở rộng đầu ra.
Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nhận định tại báo cáo của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) rằng mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm và có thể duy trì quanh ngưỡng 7%, tương ứng mặt bằng lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10% (đối với kỳ hạn 12 tháng bình quân nhóm ngân hàng quốc doanh).
Kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Thông tin Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành đã mang đến kỳ vọng lớn cho nhiều doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp chia sẻ nửa cuối năm ngoái doanh nghiệp gần như bị cạn kiệt về nguồn tiền, phải bán một số tài sản để duy trì hoạt động. Trong khi đó, các gói lãi suất kỳ hạn dài đang ở mức cao. Vì vậy, với nhu cầu xoay vòng các khoản vốn liên tục để đầu tư, thì việc lãi suất chỉ cần giảm thêm 0,5% cũng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng.
Trong bối cảnh lạm phát đã giảm nhiệt, tỷ giá vẫn được duy trì ở mức tương đối ổn định, Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua được ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng để bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước và đưa lượng tiền lớn VND vào lưu thông. Song song đó, việc cơ quan này nới lỏng dần chính sách tiền tệ, tiếp tục giảm lãi suất điều hành được đánh giá là phương pháp linh hoạt giúp kích thích nhu cầu tín dụng.
Chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định: “Giảm lãi suất sẽ kích cầu tín dụng, qua đó giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng nhiều hơn để đưa vào sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đồng thời cũng tăng thêm nguồn thu, dịch vụ đi kèm cho các tổ chức tín dụng. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đây chính là cú hích quan trọng cho cả nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng.”
Theo giới phân tích, việc giảm mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cùng với việc hoạt động kinh doanh của các ngành nghề được kỳ vọng được khởi sắc trở lại vào quý 2 là các yếu tố sẽ giúp nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng 6,5% như mục tiêu đặt ra trong năm nay.
Bởi các chuyên gia cho rằng tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng Ba chỉ ở mức 2,46% đã chứng tỏ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn đang còn yếu. Việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Dù vậy, để chính sách giảm lãi suất phát huy tác dụng, ông Lực cho rằng không nên chủ quan với lạm phát, vì hiện CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của Việt Nam còn cao, áp lực tăng còn khá lớn do có độ trễ nhập khẩu lạm phát, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý có thể tăng như giá điện, phí y tế-giáo dục, lương cơ sở tăng từ ngày 1/7… cùng với cung tiền năm nay khá lớn từ đầu tư công, tín dụng, kênh dẫn vốn khác được khơi thông tốt hơn.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh./.
Ý kiến ()