Chuyên gia kinh tế: Kiểm soát lạm phát dưới 4% là thách thức rất lớn
Sự gia tăng căng thẳng địa chính trị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế và lạm phát của Việt Nam, do cầu bên ngoài yếu hơn, giá hàng hóa cao hơn và sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy tình hình kinh tế-xã hội trong nước có sự phục hồi rõ nét, song giới phân tích trong và ngoài nước đều đưa ra các đánh giá khá thận trọng về triển vọng kinh tế trong nửa cuổi của năm, đặc biệt trong bối cảnh giá cả các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.
Các ngành tăng trưởng đồng đều
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế-xã hội trong nửa đầu của năm của Việt Nam đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Trong đó, một số ngành đã có mức tăng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, như ngành chế biến-chế tạo tăng 9,7%, hoạt động tài chính, ngân hàng bảo hiểm tăng 9,5%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 11%, vận tải kho bãi tăng %, bán buôn-bán lẻ tăng 5,82%…
Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42% và cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020, trong đó giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đã tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước.
Về điều này, tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đông tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chỉ ra động lực tăng trưởng của Việt Nam cả về phía cung và phía cầu được thể hiện rõ nét, trong đó phía cung có hai trụ cột là công nghiệp chế biến-chế tạo và dịch vụ, cụ thể là ngành du lịch đã phục hồi nhanh cùng với lưu trú, ăn uống, bán lẻ đã quay trở lại mức gần bằng thời điểm trước dịch bệnh. Về phía cầu, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt cộng thêm hoạt động đầu tư và sức tiêu dùng đã phục hồi ở mức khá.
Ông Lực cho hay một yếu tố tích cực khác là tỷ giá của Việt Nam ở mức độ ổn định hơn so với giá trị danh nghĩa của nhiều loại tiền tệ khác từ đầu năm đến nay. Trong khi tại nhiều nước, đồng nội tệ đã mất giá danh nghĩa từ 3%-8%, thậm chí là trên 10% và dự báo tỷ giá về cuối năm có thể sẽ tăng ở mức khoảng 2%- 2,3% hoặc cao hơn một chút ở mức 2,5%.
Ngoài ra, ông Lục nhấn mạnh tình hình doanh nghiệp trong nước cũng phục hồi rất rõ nét, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và những doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng rất mạnh. Hơn nữa, Chính phủ cũng đang chỉ đạo quyết liệt triển khai chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội 2022 – 2023 và đầu tư công được đẩy mạnh, cùng những chương trình liên quan đến kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và hội nhập cũng có những động thái mới.
“Vừa qua, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực mà Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi tương đối tốt,” ông Lực đánh giá.
Cụ thể hơn, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect, cho rằng triển vọng sáu tháng cuối năm, các ngành dịch vụ, du lịch, hàng không sẽ tăng trưởng tốt lên. Bên cạnh đó, các mặt hàng hóa nguyên-vật liệu cơ bản sẽ có sự phân hóa và một số có xu hướng đạt đỉnh/hạ nhiệt.
Liên quan đến đầu tư công, bà Hiền cho rằng mặc dù hoạt động giải ngân trong nửa đầu của năm bị chậm, do những ảnh hưởng của việc tăng giá các mặt hàng liên quan đến vật liệu xây dựng. Tuy nhiên trong thời gian tới, bối cảnh giá các mặt hàng sắt, thép và một số vật liệu xây dựng khác có xu hướng tạo đỉnh, cộng thêm việc Chính phủ rất nỗ lực thúc đẩy các dự án (đặc biệt là 11 dự án thuộc cao tốc Bắc Nam), đầu tư công sẽ là điểm sáng trong vào quý 4.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng Sáu, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,8% trong năm 2022 và cao hơn so với dự kiến tăng trưởng của Philiphine, Malaysia và Thái Lan. Có phần lạc quan hơn, dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm sẽ đạt 6% và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN 3 (AMRO) đồng dự báo tăng trưởng là 6,5%.
Dự báo tăng trưởng Việt Nam của một số tổ chức quốc tế:
Áp lực “nhập khẩu lạm phát”
Các đánh giá trong nước và quốc tế đều cho rằng Việt Nam cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu, hàng hóa nhập khẩu tăng và điều này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước.
Về lạm phát, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm đã tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh, các nhu cầu sản xuất hàng hóa (phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu) cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên. Song, mặt bằng giá nhìn chung cơ bản được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, dự báo của IMF cho rằng trong ngắn hạn, rủi ro bên ngoài trước mắt là sự gia tăng căng thẳng địa chính trị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế và lạm phát của Việt Nam, do cầu bên ngoài yếu hơn, giá hàng hóa cao hơn và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài. Thậm chí, tăng trưởng chậm lại đáng kể ở Trung Quốc có thể làm điều này nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, các rủi ro khác liên quan đến những biến thể của COVID-19 cùng với việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước.
Báo cáo của IMF khuyến nghị trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn chưa hồi phục hoàn toàn và những rủi ro làm suy giảm tăng trưởng còn hiện hữu. Việt Nam cần chủ động điều chỉnh quy mô và cấu phần hỗ trợ chính sách để phù hợp với tốc độ phục hồi.
“Để đối phó với áp lực lạm phát, Việt Nam cần tăng cường sử dụng chính sách tài khóa và cải cách cơ cấu một cách quyết liệt để đạt được khát vọng của Chính phủ về tăng trưởng bền vững, bao trùm,” báo cáo IMF nêu ra.
Theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, tỷ lệ lạm phát dự báo cho quý 3 là 3,1%, do đó Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều dư địa để duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 4% cho cả năm trong khi giá dầu, giá sinh hoạt tăng hàng ngày. Bên cạnh đó, giá hàng hoá trên thế giới tăng mạnh và với đà tăng nhập khẩu của Việt Nam như hiện nay, lạm phát nhập khẩu là điều đương nhiên. Vì vậy, việc duy trì lạm phát mục tiêu dưới 4% là một thách thức rất lớn.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Song, bà Hương cũng nhìn nhận cùng với tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm, nhưng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao.
Trên cơ sở đó, bà Hương khuyến nghị công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần có những biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng./.
Ý kiến ()