Chuyên gia HSBC: Lạm phát Việt Nam sẽ ổn định ở mức 3%
Dù lạm phát toàn phần của Việt Nam tăng 1,5% so với tháng đầu năm, là mức tăng cao nhất trong 8 năm qua nhưng các chuyên gia của HSBC vẫn dự báo lạm phát trung bình cả năm vẫn sẽ ổn định ở mức 3%.
Dù lạm phát của tháng Hai tăng cao nhất trong 8 năm qua nhưng lạm phát trung bình cả năm vẫn sẽ ổn định ở mức 3%. Đó là nhận định của khối nghiên cứu kinh tế Ngân hàng HSBC trước những lo ngại rủi ro gia tăng lạm phát khi kinh tế hồi phục tại báo cáo “Góc nhìn Việt Nam-Lạm phát sẽ đi đến đâu?”.
Mặc dù những ảnh hưởng của Tết đóng một vai trò quan trọng, nhưng giá điện tăng mạnh cũng được xem là một động lực chính. Sau khi được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trợ giá điện một lần vào tháng Giêng thì tháng Hai giá điện đã tăng 20% so với tháng trước.
Trong khi đó, giá lương thực đang tăng và chi phí vận tải cao hơn cũng góp phần đẩy chỉ số lạm phát lên cao.
Theo HSBC, biến động giá điện có thể chỉ là sự điều chỉnh hành chính diễn ra một lần. Giá thực phẩm và chi phí vận tải mới là những yếu tố cần được theo dõi chặt chẽ vì có tỷ trọng lớn trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng chung, với tỷ trọng lần lượt là 34% và 10%.
Song đáng chú ý, nếu không tính đến những biến động diễn ra trong dịp Tết, giá thịt heo chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong hai tháng đầu năm 2021. Ngược lại, giá ngũ cốc toàn cầu tăng cao đang gây ra rủi ro tăng giá trong rổ thực phẩm và sản phẩm chế biến phục vụ chăn nuôi. HSBC kỳ vọng giá thực phẩm sẽ giảm đáng kể sau khi năm ngoái đã có mức tăng 10%.
Chuyên gia HSBC cũng lo ngại lạm phát sẽ có áp lực tăng từ giá vận tải cao hơn (HSBC dự báo giá dầu thô Brent tăng 34% lên 56 USD một thùng vào năm 2021).
Nhu cầu trong nước sẽ được cải thiện vào năm 2021, nhưng HSBC đánh giá thị trường lao động tiếp tục trì trệ sẽ hạn chế lạm phát từ phía nhu cầu.
Theo HSBC, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng tích cực trong năm 2020, nên lạm phát do nhu cầu trong nước được duy trì tương đối tốt. Giá cả trong các nhóm hàng hóa như thiết bị gia dụng, giáo dục và quần áo tăng với tốc độ ổn định nhưng chậm hơn trong năm 2020.
”Mặc dù chúng tôi kỳ vọng nhu cầu trong nước sẽ được cải thiện vào năm 2021, nhưng thị trường lao động vẫn tiếp tục trì trệ sẽ làm hạn chế lạm phát từ phía nhu cầu,” chuyên gia HSBC nhấn mạnh.
Ngoài yếu tố cung và cầu, một yếu tố khác là tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lạm phát, được HSBC dự đoán sẽ ổn định trong năm nay.
Dưới áp lực từ Mỹ liên quan đến vấn đề thao túng tiền tệ, ngân hàng HSBC cho rằng sẽ có một kịch bản lành mạnh cho Việt Nam là cả Mỹ và Việt Nam sẽ đi đến một thỏa thuận, hoặc thậm chí là một mốc thời gian liên quan đến việc cải cách dần dần chế độ tỷ giá hối đoái của tiền đồng.
“Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2021,” HSBC nhấn mạnh.
Với tất cả những yếu tố trên, HSBC kỳ vọng lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 sẽ ở mức trung bình khoảng 3%, chủ yếu phản ánh tác động của việc điều chỉnh giá lương thực. Vẫn có những rủi ro tăng cao hơn do các yếu tố như giá thực phẩm, giá dầu và chi phí chăm sóc sức khỏe, nhưng lạm phát sẽ duy trì dưới mức trần 4%.
“Lạm phát sẽ duy trì dưới mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay, cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ phù hợp trong suốt năm 2021. Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 4%,” chuyên gia HSBC cho biết.
Về tăng trưởng, chuyên gia HSBC đánh giá, mặc dù tình hình dịch bệnh từ bên ngoài đã có cải thiện đáng kể, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam có thể vẫn bị đình trệ do số ca lây nhiễm COVID-19 tăng đột biến trong thời gian gần đây. Nhờ vào việc thực hiện nhanh chóng như phong tỏa tạm thời hay cách ly xã hội, số ca lây nhiễm trong cộng đồng của Việt Nam đã giảm đáng kể.
Do đó, HSBC dự báo chỉ số GDP quý 1/2021 sẽ thấp hơn so với dự kiến từ mức 7,6% xuống còn 7%. Điều đó cho thấy với kỷ lục đã được chứng minh của Việt Nam về khả năng kiềm chế dịch bệnh COVID-19, động lực tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam sẽ nhanh chóng được phục hồi sau khi làn sóng thứ ba này được kiềm chế và các hạn chế được nới lỏng./.
Ý kiến ()