Chuyên gia dự báo giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018
Hãng tin kinh tế hàng đầu của Thụy Sĩ AWP dẫn dự báo, phân tích của nhiều chuyên gia quốc tế cho biết giá hàng hóa sẽ nối dài đà tăng vào năm 2018.
Cuộc chiến chống ô nhiễm của Bắc Kinh, với nhu cầu về năng lượng sạch hơn và các vật liệu thiết yếu cho công nghệ sạch, đã thúc đẩy giá kim loại công nghiệp, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và thậm chí cả giá thép lên cao.
Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu tiếp tục được đẩy lên trong năm 2018 còn được lý giải bởi tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng về chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Ông Terry Reilly, một chuyên gia tại Futures International (một trong những công ty môi giới hàng đầu trên thị trường nông nghiệp) cho rằng đã kết thúc thời kỳ giá cả các nguyên vật liệu thấp bởi năm 2018 các quỹ đầu tư sẽ hướng đến các loại hàng hóa này, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Nhu cầu và giá cả tăng cao là thực tế được ghi nhận với các kim loại được sử dụng trong ngành năng lượng tái tạo như đồng phục vụ sản xuất đường dây truyền tải và dây cáp dùng trong các tấm thu năng lượng Mặt Trời. Tình hình tương tự với nhôm, được sử dụng rộng rãi trong các loại xe điện.
Giá đồng và nhôm đã tăng gần 33% trong năm 2017 và đạt mức cao nhất kể từ bốn năm qua vào cuối năm, lần lượt có giá 7.259 USD/tấn và 2.270 USD/tấn.
Theo ước tính của Pan Pacific Copper, nhà máy luyện đồng lớn nhất Nhật Bản, giá đồng sẽ tiếp tục tăng hơn 25% trong hai năm tới để đáp ứng nhu cầu toàn cầu đang gia tăng.
Một nhà máy sản xuất thép của Trung Quốc ở thành phố Thao Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN) Việc đóng cửa vì lý do môi trường của không ít các nhà máy luyện kim của Trung Quốc vốn sản xuất ra những sản phẩm thép với chất lượng trung bình đã khiến các hợp đồng mua bán kim loại thanh toán theo kỳ hạn tại Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải tăng gần 45% trong năm vừa qua, lên đến 3.815 nhân dân tệ tương đương 489,10 euro mỗi tấn. Giá thép cũng được thúc đẩy bởi hoạt động nhộn nhịp trong ngành xây dựng.
Khí LNG đã trải qua năm 2017 với hai khoảng thời gian khác biệt, một phần vì những lý do mùa vụ. Vào đầu năm 2017 giá LNG thấp nhưng từ cuối mùa Hè trở đi, giá hầu như không ngừng tăng lên.
Ở châu Á, giá LNG giao ngay đã đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2014, hơn 11 USD mỗi triệu BTU (đơn vị nhiệt Anh). Sự tăng giá này dựa trên thực tế năm 2017 các ngành công nghiệp và hàng triệu hộ gia đình Trung Quốc chuyển từ sử dụng than đá sang khí đốt.
Kế hoạch khí hóa hàng loạt này của Trung Quốc nhằm giảm mạnh lượng tiêu thụ than đá trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm vốn tồn tại dai dẳng những năm gần đây ở các thành phố của quốc gia đông dân nhất hành tinh này.
Vẫn theo chuyên gia Terry Reilly từ Futures International, những biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát ô nhiễm của Trung Quốc sẽ làm tăng nhu cầu về kim loại và khí đốt.
Cũng trong khuôn khổ cuộc chiến chống ô nhiễm, Trung Quốc đang đầu tư rất lớn vào việc sản xuất năng lượng tái tạo. Công suất của các nhà máy điện Mặt Trời toàn cầu đã đạt khoảng 300 gigawatt (GW) so với mức chỉ 1GW vào năm 2000, và theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (Irena), con số này sẽ còn tăng gấp đôi từ nay đến năm 2020. Sự gia tăng này chủ yếu từ Trung Quốc, hiện đóng góp tới 100GW. Cũng theo Irena, Trung Quốc có thể tăng công suất 50 GW mỗi năm.
Dù có sự năng động của Trung Quốc trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, giá than đá vẫn khá cao trong năm 2017. Giá than đá của Australia đã tăng 10% lên hơn 100 USD/tấn vì Bắc Kinh quyết định đóng cửa một số mỏ của nước này và vì thế phải nhập khẩu nhiều hơn.
Trên thị trường dầu mỏ, nguyên liệu thô được giao dịch nhiều nhất trên thế giới, lần đầu tiên kể từ giữa năm 2015, giá mỗi thùng dầu thô Brent đã vượt ngưỡng 67 USD vào cuối năm vừa qua. Như vậy, giá dầu thô Brent đã tăng 17% so với cùng kỳ năm 2016. Sự gia tăng của giá dầu thô gắn với những nỗ lực của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt, trong đó có Nga, nhằm giảm sản lượng để đẩy giá lên.
Sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng hơn 16% kể từ giữa năm 2016 và đang tiến gần mức 10 triệu thùng/ngày, qua đó kìm hãm đà phục hồi của giá dầu. Sản lượng dầu của Mỹ chỉ kém sản lượng của Saudi Arabia và Nga.
Khác với năng lượng và các sản phẩm công nghiệp, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp kết thúc năm 2017 với xu hướng giảm giá, dưới áp lực từ sản lượng gia tăng kỷ lục.
Theo Tổ chức Đường Thế giới ( ISO), đường thô đã mất đi gần 1/4 giá trị, với lượng dư thừa lên tới 5 triệu tấn vào niên vụ 2017/2018, so với mức thâm hụt 3,1 triệu tấn trong niên vụ 2016-2017.
Ngoài ra, giá càphê giảm 20% trong bối cảnh điều kiện thời tiết thuận lợi thúc đẩy sản xuất ở Việt Nam, quốc gia sản xuất càphê lớn thứ hai trên thế giới sau Brazil (Bra-xin).
Sản lượng ngô trên thế giới đã đạt mức kỷ lục mới lần thứ 8 trong vòng 10 năm qua. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng đậu tương đã phá kỷ lục lần thứ 4 trong vòng 5 năm trở lại đây, dẫn đến giá giảm 5%.
Lúa mỳ đạt mức tăng khiêm tốn 5% trong năm 2017, sau khi diện tích canh tác bị thu hẹp trong suốt bốn năm trước đó, nhưng nguồn cung lúa mỳ giàu protein trên thế giới đang giảm đi do hiện tượng thời tiết La Nina, gây thiệt hại cho mùa màng tại Mỹ và Australia.
Giá dầu cọ Malaysia đã giảm 10% trong năm 2017, với sản lượng vượt xa nhu cầu của các nhà nhập khẩu lớn như Trung Quốc và châu Âu./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()