Chuyên gia: Cần giảm tình trạng tăng trưởng 2 tốc độ
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng trong điều kiện thế giới hiện nay, Việt Nam tăng trưởng trên 6% là chấp nhận được, vấn đề là hướng tới phát triển bền vững và giảm được tình trạng tăng trưởng 2 tốc độ.
TS. Trần Du Lịch |
Nhận định về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, TS. Trần Du Lịch cho rằng, trong năm 2016, Việt Nam phát triển ổn định, cơ bản đã đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô (tốc độ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, xuất khấu ròng tạo nền tảng củng cố giá trị đồng tiền, dự trữ ngoại hối, ổn định vĩ mô).
Mặt khác, mục tiêu lớn nữa mà chúng ta thực hiện suốt trong năm 2016 đó là tiếp tục xử lý những vấn đề ngắn hạn của kinh tế vĩ mô, như nợ xấu, thanh khoản ngân hàng thương mại, giảm lãi suất cho vay, xử lý tái cơ cấu các doanh nghiệp (DN) nhà nước cổ phần hóa… Những vấn đề này cơ bản chúng ta cũng đã đạt được.
Trong 11 tháng năm 2016, cả nước có trên 20.000 DN hoạt động trở lại, đây là tín hiệu tốt, cho thấy những diễn biến tích cực của nền kinh tế.
Hiện nay, Chính phủ rất quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phát triển, hỗ trợ tối đa cho DN phát triển. Đây là một tín hiệu tốt và cũng là điều bắt buộc, bởi nếu không cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư, chúng ta không thể bắt kịp được trong hội nhập với thế giới và ngay cả trong khu vực ASEAN.
Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam còn chậm, các vấn đề đặt ra hiện nay đó là chúng ta phải tiếp tục xử lý nợ xấu từ những năm trước để lại và với tình trạng nợ công đã đạt trần, nên không thể tăng đầu tư công để kích thích kinh tế như những năm trước đây; công cụ tài khóa về chính sách đã hạn chế một phần nào đó, công cụ chính sách tiền tệ cũng có những hạn chế.
Mục tiêu kinh tế mà Chính phủ đặt ra trong năm 2017 là tăng trưởng khoảng 6,7-6,8%. Nếu đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy, cùng với việc xử lý được những vấn đề như nợ xấu, phát triển thị trường mua bán nợ; tiếp tục giữ được giá trị đồng tiền, lạm phát dưới 5%, và đặc biệt có phương án tốt trong việc thoái vốn của DN nhà nước, dùng nguồn lực này để kích thích đầu tư thì năm 2017, tình hình sẽ ổn định hơn, tạo điều kiện cho DN tiếp tục phát triển hơn từ năm 2018 trở đi.
Nhìn tổng thể 5 năm giai đoạn 2016-2020, dự đoán tốc độ tăng trưởng trung hạn có thể đạt 6,5-6,7%, cao hơn giai đoạn 2011-2015. “Với bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, như vậy là chấp nhận được”, ông Lịch nói.
Tuy nhiên, vấn đề là hướng tới phát triển bền vững. Hiện nay chất lượng tăng trưởng đang tăng dần và ổn định, tạo tiền đề cho nền kinh tế khởi sắc trong thời gian tới.
Theo TS Trần Du Lịch, hiện nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến khó lường, ngay cả các tổ chức tài chính có uy tín lớn cũng đưa ra những dự báo thay đổi hằng tháng, hằng tuần. Song với quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ so với kinh tế toàn cầu thì thị trường thế giới lên xuống một chút cũng không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam.
Ông Trần Du Lịch cho rằng cái gốc vấn đề vẫn là kinh tế trong nước, điều cần nhất là DN trong nước phục hồi và giảm được tình trạng nền kinh tế tăng trưởng 2 tốc độ (tốc độ khối DN FDI cao hơn so với DN trong nước).
Do đó, rất cần Nhà nước kiến tạo để có các chương trình khởi nghiệp phát triển. Cùng với đó, vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ phát triển, tăng năng suất lao động… sẽ là cơ sở cơ bản để phát triển kinh tế.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()