Chuyên gia Campuchia đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch nước
Chuyên gia thuộc Viện hàn lâm Hoàng gia Campuchia cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là sự kiện thể hiện mối quan hệ tốt đẹp, đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia.
Đánh giá ý nghĩa chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia từ ngày 21-22/12 của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, ông Uch Leang, quyền Giám đốc Vụ nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông thuộc Viện Quan hệ Quốc tế (Viện hàn lâm Hoàng gia Campuchia) cho rằng đây là sự kiện thể hiện mối quan hệ tốt đẹp, đẩy mạnh hợp tác giữa hai quốc gia Campuchia và Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Pnom Penh, chuyên gia Uch Leang nêu rõ trong chuyến thăm này, lãnh đạo hai bên đã nhất trí cao về các chủ trương, biện pháp lớn nhằm tiếp tục đưa hợp tác song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất; nhất là trong các lĩnh vực then chốt như quốc phòng, an ninh, hợp tác biên giới, thương mại, đầu tư, kết nối giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương.
Chuyến thăm này là sự kiện khởi động cho “Năm Hữu nghị Campuchia-Việt Nam” để kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2022 (24/6/1967-24/6/2022).
Hai bên nhất trí thông qua chuỗi sự kiện trong khuôn khổ “Năm Hữu nghị” nhằm tăng cường phối hợp tuyên truyền, giáo dục để các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc gìn giữ và vun đắp cho quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai dân tộc, vì sự thịnh vượng của hai quốc gia, hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Về hợp tác trong khuôn khổ đa phương, nhà phân tích thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Campuchia nhìn nhận rằng hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, nhất là hợp tác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó Việt Nam ủng hộ tích cực và phối hợp chặt chẽ với Campuchia trong năm Chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia.
Ông Uch Leang cho rằng hai nước đã cụ thể hóa các cam kết, khẳng định niềm tin lẫn nhau trong chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc khi cùng ký 7 văn kiện hợp tác nhằm thúc đẩy và mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực như an ninh, quốc phòng, công thương, tư pháp, giáo dục, hợp tác biên giới và biên bản của Kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật Campuchia-Việt Nam.
Khi hai nước ưu tiên hồi phục kinh tế sau thời gian dài bị tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, chuyên gia này chỉ ra những lĩnh vực và định hướng mang tính bền vững, tạo lực đẩy mới cho hợp tác kinh tế trong “trạng thái bình thường mới.”
Trong thời gian qua, những dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như trồng cây ăn trái, hay cây công nghiệp cao su của Việt Nam đã chứng minh hiệu quả, tạo ra hàng nghìn việc làm bất chấp bối cảnh đại dịch COVID-19.
Ông Uch Leang cũng lưu ý về việc phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh kết nối giữa hai nền kinh tế, trong đó có việc hoàn tất “Quy hoạch tổng thể Kết nối hai nền kinh tế Campuchia-Việt Nam đến năm 2030;” tích cực triển khai tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm và các dự án hợp tác trọng điểm, trong đó có các dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, viễn thông, ngân hàng…; thúc đẩy triển khai dự án đường cao tốc Bavet-Mộc Bài kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Phnom Penh; sớm ký kết Hiệp định thương mại biên giới để tạo điều kiện cho hàng hóa hai bên tiếp cận thị trường của nhau; nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giáo dục đào tạo.
Chuyên gia này đánh giá cao về kế hoạch “hộ chiếu vaccine” nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại của công dân hai nước, việc nối lại các chuyến bay thẳng giữa hai nước một cách an toàn và kịp thời sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của mỗi đất nước trong quỹ đạo bình thường mới sau đại dịch.
Ông khẳng định lãnh đạo hai bên rất mong muốn hai nước sớm được mở lại đường hàng không thương mại. Điều này sẽ giúp hồi phục lĩnh vực du lịch, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hai nước, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền 2022 sắp tới của Việt Nam./.
Ý kiến ()