Chuyên gia: 'Bão giá' vật liệu xây dựng, người mua nhà 'gánh' đủ
Theo giới chuyên gia, giá vật liệu xây dựng tăng phi mã thời gian qua đã kéo theo giá căn hộ chung cư tăng 4-6%. Dự báo, giá sẽ còn tăng từ 10-15% trong thời gian tới.
Khẳng định các nhà thầu, chủ đầu tư dự án bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn do giá vật liệu xây dựng từ sắt thép, xi măng… đồng loạt tăng, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ cần sớm có chính sách điều chỉnh lại giá vật liệt xây dựng, nếu không nhiều dự án sẽ phải “đắp chiếu,” nguy cơ tạo gánh nặng lên giá nhà.
Giá vật liệu xây tăng làm khó nhà thầu
Dẫn số liệu từ Viện Kinh tế Xây dựng, đại diện Batdongsan.com.vn cho cho biết trong quý 3/2021, giá vật liệu xây dựng tăng khoảng 10-20% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo giá nhựa đường quý 4 vẫn tiếp tục tăng nhẹ 3-5% do việc vận chuyển khó khăn và dịch COVID-19 ở các nước châu Á vẫn chưa được kiểm soát.
Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, chỉ riêng tháng 10/2021, nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000-192.000 đồng/kg thép. Trước đó, giá các loại kính cũng tăng hơn 30% so với đầu năm 2021; giá xi măng tăng trung bình từ 80.000-100.000 đồng/tấn.
Điều đáng nói là việc các nhà cung cấp nguyên vật liệu từ sắt thép, xi măng… đồng loạt tăng giá đã khiến nhiều công trình xây dựng, dự án bất động sản phải thi công cầm chừng, thậm chí đang phải đứng trước nguy cơ “đắp chiếu.”
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus về nhận định trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, giá vật liệu xây dựng, nhất là sắt thép, xi măng đã có những đợt tăng rất mạnh.
Đáng chú ý, việc tăng giá vật liệu xây dựng trong thời gian qua đã khiến nhiều nhà thầu, chủ đầu tư dự án “không chị nổi” nên phải dừng lại do gặp khó khăn về tài chính. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy ngành vật liệu xây dựng đang lãi rất cao. “Điều này như tấm gương phản chiếu rất phản cảm,” ông Đính nhấn mạnh.
Vị chuyên gia Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng lưu ý nếu tình hình giá vật liệu xây dựng thời gian tới vẫn tiếp tục tăng cao như hiện nay, chắc chắn nhiều chủ đầu tư sẽ phải bỏ cuộc, bởi nếu làm tiếp sẽ bị lỗ nặng.
“Vì thế, thông thường nhà đầu tư sẽ chọn cách dừng lại và chịu nộp phạt, nhưng như vậy sẽ ảnh hưởng tới thị trường, gây khó khăn về nguồn cung,” ông Đính nói.
Chưa kể, theo ông Đính, việc giá vật liệu xây dựng tăng trong bối cảnh Chính phủ đang đưa ra nhiều chính sách để khôi phục lại phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng các chính sách chưa kịp đưa vào thực tiễn, đang cho thấy sự mâu thuẫn. Thực tế này cũng đã tác động rất lớn tới giá bất động sản, khiến cho việc tiếp cận nhà ở của người nghèo càng khó khăn hơn.
Nguy cơ “bão giá” dồn sang người mua nhà
Nhìn nhận thực tế trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết hiện nay thị trường mới từng bước phục hồi sau dịch, lượng khách hàng chưa nhiều và tâm lý người mua còn nhiều nghi ngại, nếu tăng giá lúc này sẽ khiến không ít người khó khăn và ảnh hưởng thanh khoản. Do vậy, nhiều chủ đầu tư đã phải cắt giảm lợi nhuận để giữ giá bán và kéo khách hàng.
Trong khi đó, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group chỉ rõ trong một dự án chi phí sắt thép chiếm khoảng 15-20%. Với sản phẩm bất động sản, tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá bán và khách mua nhà phải “gánh.”
Do đó, giá sắt thép tăng lên 40-50% buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán thêm 5-10%, thậm chí 15%. Trường hợp không điều chỉnh giá bán, chủ đầu tư phải chấp nhận giảm kỳ vọng lợi nhuận xuống.
Theo ông Phúc, khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao sẽ đẩy chi phí xây dựng tăng lên, cấu thành vào giá bán, điều đó bắt buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá tăng lên. Với các dự án chưa công bố bán hàng, chưa khởi công xây dựng, chủ đầu tư vẫn còn đủ thời gian để điều chỉnh giá bán.
“Riêng với những dự án đã khởi công xây dựng và đang trong quá trình triển khai, chủ đầu tư sẽ phải chịu thiệt thòi về lợi nhuận,” ông Phúc cho biết.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho biết giá vật liệu xây dựng tăng phi mã thời gian qua đã kéo theo giá căn hộ chung cư tăng 4-6%. Dự báo, giá sẽ còn tăng từ 10-15% trong thời gian tới.
Trước thực tế nêu trên, ông Đính kiến nghị Chính phủ cần có chính sách để điều tiết lại bài toán chi phí đối với ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là sắt thép và xi măng, bởi đây là nguồn cung chiếm tỷ trọng rất lớn trong các công trình xây dựng, gây ảnh hưởng tới các nhà thầu, nhất là các nhà thầu đã trúng thầu trọn gói.
Ngoài ra, ông Đính cũng cho rằng Việt Nam cần điều chỉnh lại thị trường vật liệu xây dựng, làm thế nào để trong nước “làm chủ” được giá thành vật liệu xây dựng từ việc sản xuất đến cung ứng. “Tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng để tự cung ứng được vật liệu xây dựng cho thị trường,” ông Đính nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Xây dựng đã có Văn bản gửi các cơ quan liên quan và các địa phương đề nghị: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các sở xây dựng thường xuyên theo dõi kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp; các cơ quan liên quan đánh giá tác động của COVID-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu là thép xây dựng.
Từ đó, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng. Hiện Bộ Xây dựng đang tổng hợp thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()