Chuyên gia Ấn Độ nhận định về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Prabir De tại Trung tâm ASEAN-Ấn Độ thuộc Hệ thống Nghiên cứu và Thông tin cho các nước đang phát triển (RIS), Việt Nam là người bạn lâu đời và là một trong những đối tác tin cậy của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á.
Giáo sư, Tiến sĩ Prabir De
Theo Giáo sư Prabir De, trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ấn Độ mang lại nhiều ý nghĩa tích cực. Đặc biệt, đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Ấn Độ kể từ khi ông Narendra Modi nhậm chức Thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Ấn Độ và Việt Nam là đối tác trên nhiều lĩnh vực quốc tế và khu vực. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ chắc chắn sẽ mở ra nhiều sáng kiến, chương trình quan trọng tốt đẹp cho cả hai nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một trong những thành viên chủ chốt của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời là một trong những động lực hội nhập ASEAN. Ấn Độ và ASEAN đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Vì vậy, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng có ý nghĩa rất lớn đối với quan hệ ASEAN với Ấn Độ. Chuyến thăm rất được mong chờ và dự kiến sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho quan hệ ASEAN-Ấn Độ cũng như quan hệ Ấn Độ-Việt Nam.
Nhiều cơ hội khác sẽ được mở ra
Về tiềm năng hợp tác song phương, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi, Giáo sư Prabir De cho rằng Ấn Độ, Việt Nam là những đối tác tin cậy và thương mại song phương đã vượt 15 tỷ USD trong vài năm trở lại đây. Đầu tư giữa hai nước cũng đang gia tăng mạnh mẽ khi nhiều công ty Ấn Độ đã và đang đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất tiêu dùng, dịch vụ hàng hóa… Đổi lại, các công ty Việt Nam cũng đang đến đầu tư vào Ấn Độ. Giáo sư Prabir De gợi ý hai nước có thể tăng cường mối quan hệ thương mại thông qua một hiệp định tự do thí điểm.
Hoạt động giao thương và giao lưu nhân dân giữa hai nước đang ngày càng phát triển trong bối cảnh số lượng chuyến bay thẳng đã tăng lên tới 60 chuyến/tuần. Lượng du khách 2 nước đến tham quan các địa điểm thắng cảnh và tâm linh của nhau đang tăng mạnh. Hoạt động kết nối phát triển cũng đã kéo theo hoạt động đầu tư thương mại song phương tăng đột biến trong thời gian gần đây.
Bên cạnh kết nối hàng không phát triển nhộn nhịp, kết nối trên biển vẫn được duy trì, hai nước đang có kế hoạch tăng cường kết nối trên đất liền với dự án mở rộng đường cao tốc 3 bên từ biên giới Thái Lan-Myanmar đến Lào rồi đến Hà Nội ở Việt Nam. Khi các chương trình, dự án kết nối đi vào hoạt động, đầu tư thương mại và các cơ hội khác sẽ được “mở khóa”, theo đó mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ ngày càng được củng cố hơn nữa.
Cũng theo Giáo sư Prabir De, xét từ quan điểm kinh tế và an ninh, có rất nhiều chương trình, dự án mà Ấn Độ và ASEAN có thể thực hiện nếu tìm ra được chiến lược tốt để thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI).
Ông nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng trong các dự án, chương trình AOIP, đồng thời là quốc gia biển trọng điểm có một số chương trình và dự án hàng hải hỗ trợ phát triển vận tải biển và cảng biển. Ấn Độ và Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này. Hiện Tập đoàn Adani của Ấn Độ đang thúc đẩy một dự án cảng biển ở Việt Nam.
Việt Nam và Ấn Độ đều sở hữu nhiều cảng dân sự và đều xuất khẩu hàng hóa trực tiếp qua đường biển. Nếu hai bên tăng cường các cam kết hàng hải song phương thông qua các thỏa thuận hiểu biết, thông qua khu vực tư nhân, sẽ giúp tăng cường thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng như với châu Á và phần còn lại của thế giới. Vì vậy, nếu các bên thực hiện AOIP hay IPOI thì Việt Nam và Ấn Độ đều là những trụ cột chính.
Về lĩnh vực năng lượng xanh, theo Giáo sư Prabir De, đây là một phần của mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và chương trình nghị sự về phát thải ròng bằng 0 mà cả Việt Nam và Ấn Độ đều phải đối mặt với những thách thức trong quá trình thực hiện. Cả hai đều dễ tổn thương trước một số vấn đề liên quan đến khí hậu như bão lũ, thiên tai. Có nhiều cơ hội cho hai bên hợp tác tiến hành các diễn đàn song phương về khoa học công nghệ do hai nước gần đây phải đối mặt với những thách thức tương tự nhau. Lĩnh vực công nghệ mới cũng nhằm quản lý thảm họa và hỗ trợ đạt mục tiêu phát triển bền vững. Giáo sư Prabir De cho rằng chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam và Ấn Độ cùng nhau hợp tác về các vấn đề khí hậu, năng lượng tái tạo.
Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang lại hiệu quả cho quan hệ song phương
Giáo sư Srikanth Kondapalli thuộc Đại học Jawaharlal Nehru ở thủ đô New Delhic cho rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cho quan hệ song phương Việt-Ấn. Một số sự kiện sẽ được tổ chức và một số thỏa thuận dự kiến được ký kết.
Ông cho rằng điều này có ý nghĩa quan trọng và sẽ mở rộng quan hệ giữa hai nước trong một số lĩnh vực, trong đó có tăng cường thể chế vững mạnh, liên kết ngoại giao trong một số vấn đề liên quan đến trật tự toàn cầu và khu vực, tăng cường thương mại và đầu tư, cũng như tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh.
Giáo sư Kondapalli cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ấn Độ sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vốn được lãnh đạo hai nước nâng cấp vào năm 2016. Việc quan hệ song phương trở nên mạnh mẽ và có thể dự đoán được không chỉ bắt nguồn từ mức tăng trưởng kinh tế cao thường xuyên của hai nước, các chuyến thăm cấp cao và sự hội tụ lợi ích bất chấp những gián đoạn toàn cầu và khu vực gần đây, mà còn do các thỏa thuận thể chế được hai bên tạo ra.
Giáo sư Kondapalli cho biết chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh hai nước đã tìm được chỗ đứng cho mình khi bước vào thời kỳ toàn cầu hóa. Bằng cách đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và nỗ lực phối hợp trong các thể chế kinh tế đa phương và các sáng kiến khu vực như Hợp tác Mekong-sông Hằng, Ấn Độ và Việt Nam đang trên đà hiện thực hóa các chiến lược phát triển quốc gia của mình. Trong khi thương mại song phương và đầu tư mới chỉ ở mức khiêm tốn, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh và thúc đẩy sự tương tác giữa "Đổi mới" của Việt Nam với quá trình tự do hóa kinh tế của Ấn Độ.
Cũng theo Giáo sư Kondapalli, các dự án tác động nhanh do Ấn Độ thực hiện tại nhiều tỉnh của Việt Nam đã đạt được thành công cao. Điều này có thể sẽ được mở rộng hơn nữa bên cạnh các nghiên cứu về an toàn bức xạ và hạt nhân, điều trị ung thư, các nguồn năng lượng tái tạo...
Cả hai nước đều đề cao hòa bình và thịnh vượng, pháp quyền, an toàn hàng hải và vai trò trung tâm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Những nỗ lực ngoại giao là chỉ dấu tốt cho việc mở rộng quan hệ song phương trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, hai nước cũng tăng cường hợp tác về mặt thể chế và nhiều vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ song phương đã được thảo luận và đưa ra giải pháp. Các cuộc tham vấn của Bộ Ngoại giao, Đối thoại Chiến lược, Đối thoại Quốc phòng, Đối thoại An ninh Hàng hải, cuộc họp của Ủy ban Thương mại, chuyến thăm của các đại biểu Quốc hội đều đã giúp hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau về một số vấn đề cùng quan tâm.
Giáo sư Kondapalli nhấn mạnh chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ấn Độ sẽ góp phần mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.
Ý kiến ()