Từ thời sinh viên cho đến giờ khi đã đi làm, tôi nhiều lần tới thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Lần nào cũng vậy, trong lòng tôi trào dâng niềm thành kính và biết ơn vô hạn với Bác kính yêu. Năm nay, vào dịp kỷ niệm 121 năm Ngày sinh của Người và 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, tôi lại hòa vào dòng người về Bến Nhà Rồng để được đắm mình trong những câu chuyện cảm động về Người.Sinh viên trường đại học Tôn Đức Thắng thăm bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh.Vào dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh như vào hội. Đông đảo người dân khắp các địa phương trong cả nước, khách nước ngoài, các đoàn đại biểu, các đơn vị, tổ chức, các cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Bộ đội Cụ Hồ năm xưa, thanh niên, sinh viên, học sinh, thiếu niên, nhi đồng... đến dâng hoa, dâng hương trước tượng đài Bác Hồ để tưởng nhớ công ơn trời biển của...
Từ thời sinh viên cho đến giờ khi đã đi làm, tôi nhiều lần tới thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Lần nào cũng vậy, trong lòng tôi trào dâng niềm thành kính và biết ơn vô hạn với Bác kính yêu. Năm nay, vào dịp kỷ niệm 121 năm Ngày sinh của Người và 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, tôi lại hòa vào dòng người về Bến Nhà Rồng để được đắm mình trong những câu chuyện cảm động về Người.
Sinh viên trường đại học Tôn Đức Thắng thăm bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Vào dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh như vào hội. Đông đảo người dân khắp các địa phương trong cả nước, khách nước ngoài, các đoàn đại biểu, các đơn vị, tổ chức, các cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Bộ đội Cụ Hồ năm xưa, thanh niên, sinh viên, học sinh, thiếu niên, nhi đồng… đến dâng hoa, dâng hương trước tượng đài Bác Hồ để tưởng nhớ công ơn trời biển của Người đối với non sông đất nước.
Tại sân Bảo tàng, trước tượng đài người thanh niên Nguyễn Tất Thành, những người thợ đang tất bật làm việc, chuẩn bị Kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết: Chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, đã được triển khai ngay từ đầu năm. Các hoạt động được Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo sâu sát với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Từ giữa tháng 5, Bảo tàng đã mở các đợt trưng bày, triển lãm theo từng chuyên đề như: 'Bác Hồ, một tình yêu bao la' 'Bác Hồ với thiếu nhi' ' Bác Hồ với đồng bào miền nam' 'Bến Nhà Rồng – Bảo tàng Hồ Chí Minh, điểm đến của bạn' 'Chủ tịch Hồ Chí Minh với con đường giải phóng dân tộc'. Cùng với tổ chức trưng bày, triển lãm tại chỗ, Bảo tàng phối hợp với nhiều địa phương ở Tây Nam Bộ tổ chức triển lãm lưu động tại các Đền thờ Bác Hồ. Bảo tàng đã chọn lọc hơn 80 tặng phẩm, gồm: tranh, tượng, phù điêu, huy hiệu, cờ lưu niệm… bằng nhiều chất liệu như: đồng, thạch cao, thủy tinh, kim loại, gỗ, vải… được Bảo tàng lưu giữ từ năm 1979 đến năm 2010, nhằm giới thiệu những tình cảm cao quý, đáng trân trọng của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng mang tên Người. Những năm qua, trung bình mỗi năm Bảo tàng đón, phục vụ khoảng 250 nghìn lượt khách. Riêng năm nay, và nhất là từ đầu tháng 5 đến nay, Bến Nhà Rồng trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế, lượng khách tham quan trong ba tháng gần đây lên hơn 80 nghìn lượt người.
Ông Nguyễn Văn Lãng, bộ đội từng chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên – Nam Lào – Cam-pu-chia tâm sự: Ngoài 60 tuổi, giờ đây tôi mới có dịp đến thăm nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Đọc tài liệu, xem tranh, ảnh giới thiệu tại nơi đây, tôi vô cùng cảm động, nhờ có Bác đất nước Việt Nam mới được như ngày nay.
Ở gian phòng bên, các sinh viên Khoa Tài chính-Kế toán và Khoa Kinh tế đối ngoại của Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP Hồ Chí Minh đang chăm chú lắng nghe, ghi nhớ từng lời của thuyết trình viên giới thiệu về giai đoạn đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản với tư cách đại biểu tư vấn. Tại phiên khai mạc Đại hội, với sự tham gia của 504 đại biểu của 49 Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân thay mặt cho 1 triệu 319 nghìn đảng viên cộng sản và 10 tổ chức quốc tế trên toàn thế giới, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã nêu câu hỏi: 'Tôi muốn biết Đại hội có gửi lời kêu gọi đặc biệt đến các nước thuộc địa không?' và đồng chí đề nghị: 'Trước khi biểu quyết thông qua lời kêu gọi, tôi đề nghị bổ sung thêm mấy chữ 'Gửi các dân tộc các nước thuộc địa'. Đề nghị trên của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã được Đại hội chấp nhận'. Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã ba lần phát biểu ý kiến về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những vấn đề khác. Nghe thuyết trình đến đây, sinh viên Minh Thuận, xúc động bày tỏ: Những kiến thức về thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ mà chúng em đọc được trong sách vở chưa đủ, nay đến đây tìm hiểu, nghe giới thiệu càng hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Bác. Tại Bảo tàng, chúng tôi gặp các đoàn viên, thanh niên xã Suối Dây (Tân Châu, Tây Ninh) trong sắc áo xanh tình nguyện quen thuộc. Bạn Thùy Hạnh nói trong niềm vui và nỗi xúc động: Đây là lần đầu em được đến thăm Bến Nhà Rồng, được nhìn tận mắt những hiện vật, những bức ảnh, tài liệu tái hiện một cách sinh động cuộc đời hoạt động cách mạng lâu dài, bền bỉ, gian khổ và vĩ đại của Bác Hồ. Càng tự hào được là con cháu Bác Hồ, chúng em nguyện sống xứng đáng với kỳ vọng của Bác đối với thanh niên, góp phần xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Tình cảm, tấm lòng thành kính của đồng bào cả nước với Bác Hồ được thể hiện bằng nhiều công trình, những tác phẩm độc đáo, mang giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật cao của người dân trên mọi miền đất nước dâng tặng. Đó là tác phẩm 'Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh' của tác giả Phạm Văn Thi, phường Đồng Giao, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Trong tác phẩm này, tre và di chúc quyện với nhau thành một khối. Khóm tre đúc bằng chất liệu đồng thau. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc trên hai mặt của tấm thép không gỉ, mặt trước tái tạo chân thật phần bút tích của Bác gồm 290 chữ, mặt sau thể hiện phần còn lại của Di chúc. Di chúc và khóm tre được đặt trên hình bản đồ Việt Nam với chất liệu đồng thau. Suốt từ bắc đến nam, có khắc họa các biểu tượng Việt Nam đặc trưng của từng vùng và câu nói: 'Không có gì quý hơn độc lập tự do' của Bác. Bảo tàng còn trưng bày tranh: 'Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh' được tạo bằng hàng nghìn chiếc cúc áo của tác giả Đỗ Đình Cường; tác phẩm: 'Chủ tịch Hồ Chí Minh với Anh hùng dũng sĩ miền nam ra thăm miền bắc' được thực hiện bằng hàng chục nghìn mẩu dây điện của tác giả Đỗ Năm.
Tôi gặp một phụ nữ cao tuổi nguyên là thanh niên xung phong đường Trường Sơn năm xưa, dẫn cháu đến Bảo tàng. Bà dừng rất lâu ở mô hình chiến đấu, đắp đường, làm lại đường sau khi bom phá, vận tải vũ khí, lương thực ở rừng Trường Sơn và giải thích cặn kẽ với đứa cháu khoảng chín, mười tuổi từng chi tiết một. Thật xúc động khi chứng kiến một mái đầu bạc kề mái đầu xanh giáo dục về truyền thống, lịch sử cách mạng bên mô hình, cảnh vật mà người phụ nữ cao tuổi ấy từng chiến đấu, cống hiến cho đất nước, dân tộc những năm tháng thanh xuân của mình.
Ngày 9-7-1979, thành phố Hồ Chí Minh quyết định xây dựng Khu lưu niệm Bác Hồ tại Bến Nhà Rồng. Tháng 10-1995, Nhà lưu niệm được đổi thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, nằm trong hệ thống 11 chi nhánh bảo tàng về Người trên khắp mọi miền đất nước. Trên tổng diện tích quy hoạch 12 nghìn m2, trừ diện tích xây dựng, còn lại tràn ngập mầu xanh của đủ loại cây cỏ quý hiếm từ các địa phương cả nước gửi về trồng. Đó là tấm lòng thành kính của đồng bào cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Trải qua hơn 30 năm hoạt động, đến nay Bảo tàng đã tạo dựng được một hệ thống trưng bày, phản ánh khá đầy đủ và sinh động về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt nhấn mạnh sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và tình cảm sâu nặng vô bờ bến của Bác Hồ đối với nhân dân miền nam và tình cảm kính yêu vô hạn của nhân dân miền nam đối với Bác. Ngày đầu thành lập với chỉ hơn 400 tư liệu, hiện vật, hiện nay Bảo tàng đã lưu giữ gần 18 nghìn tư liệu, hiện vật, một thư viện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh với hơn bốn nghìn cuốn sách do Bác viết và do các tác giả trong và ngoài nước viết về Bác. Nội dung trưng bày của Bảo tàng ngày càng phong phú, hấp dẫn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu, học tập về cuộc đời hoạt động cách mạng và tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Hơn 30 năm qua, đã có khoảng 20 triệu lượt khách tham quan, trong đó có nhiều đoàn đại biểu cấp cao quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, Bảo tàng phối hợp và liên kết với nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề, xuất bản các ấn phẩm về Bác Hồ,…
Thật vinh dự tự hào Sài Gòn – Gia Định trước đây, TP Hồ Chí Minh ngày nay, đã thay mặt nhân dân cả nước tiễn Bác ra đi, khởi đầu cuộc hành trình cứu nước. Bến Nhà Rồng – Bảo tàng Hồ Chí Minh, một biểu tượng, địa chỉ thiêng liêng đã trở thành tài sản tinh thần vô giá đối với bao thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Theo Nhandan
Ý kiến ()