Chủ nhật, 24/11/2024 13:13 [(GMT +7)]
Chuyện ghi ở Quảng Tây
Thứ 6, 23/12/2011 | 16:15:00 [(GMT +7)] A A
Có một lần lên xe tôi nói bằng tiếng Trung suốt đường đi từ Patsion Nam Ninh đến khách sạn Minh Viên. Mãi đến lúc xuống xe anh lái xe mới bật ra một câu tiếng Việt rất chuẩn. Hỏi mới biết anh là Nguyễn Ngọc Nghĩa, quê ở Ứng Hòa, Hà Nội, sang Nam Ninh lái xe được 6 năm nay. Lúc này tôi mới để ý trên kính xe có lá cờ đỏ sao vàng. Đưa thêm tiểu phí thì anh không nhận. Chỉ lần ấy tôi được trả đúng giá tắc xi: “chúng mình là người Việt mà”. Cho đến giờ tôi vẫn còn vấn vương với hình ảnh của anh, hình ảnh ngôi sao vàng trên kính tắc xi giữa những ngày lạnh Nam Ninh.
Kỳ 2: Người Trung Quốc làm du lịch
LSO-Ở Quảng Tây có rất nhiều chuyện để kể, nhưng tôi chỉ muốn bàn riêng về du lịch bởi họ quá chuyên nghiệp, quá tinh, đủ cách “moi” tiền khách mà khách lại cảm thấy như mình được trả tiền. Nói chuyện du lịch để trông người mà ngẫm đến ta.
Cây xanh đô thị ở Nam Ninh
Từ Thanh Tú Sơn, đến Tây Sơn
Xem trên bản đồ du lịch, Quảng Tây có 51 khu du lịch. Cách xếp hạng du lịch của Trung Quốc gồm 5 cấp: quốc gia, cấp khu, cấp đặc khu, cấp huyện, cấp thôn xã. Đâu đâu cũng thành nơi du lịch. Tất nhiên khi họ đã tổ chức thành điểm du lịch thì nó đều lớn, đầu tư có trọng điểm. Thanh Tú Sơn là một quả đồi không lớn lắm, nơi có tháp Long Tượng được xây vào đời Minh để trị thủy sông Ung giang. Câu chuyện chỉ có vậy nhưng ngày nay người Trung Quốc biến quả đồi nhỏ thành một điểm du lịch nổi tiếng. Xe vừa đến trạm thu vé Thanh Tú Sơn, cô nhân viên xinh như mộng mặc đồ dân tộc Tráng ra vẫy chào, sau nụ cười đón khách là mời khách mua vé. Với đoàn đông, họ có 2 lựa chọn, một là mua thẻ du lịch loại này rẻ hơn tí chút, đoàn ít thì mua vé. Anh Mã Triết, cơ quan Ngoại vụ Quảng Tây cho biết, làm như thế vừa tiết kiệm cho khách vừa lợi nhà. Vé họ phải in, chi phí khá lớn, vì thế đoàn đông người chỉ cần mua 1 thẻ, thế là bớt tiền công in vé. Còn số tiền bớt chút xíu qua thẻ, khách cứ nghĩ là khuyến mại nhưng đâu lại vào đó cả thôi. Thế nhưng cả khách và chủ đều cười. Mà không cười sao được khi cô hướng dẫn viên cứ luôn miệng “Quý khách”.
Tham quan Thanh Tú Sơn, anh Tô Hùng Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh suy tư rất nhiều, anh nói với tôi, so với Mẫu Sơn của Lạng Sơn thì Thanh Tú Sơn lịch sử không bằng, kém hùng vĩ, nhưng quả là bạn đã dám đổ vào đây một khoản tiền khổng lồ để thu lợi tối đa. Ở đây không thiếu thứ gì từ du lịch tâm linh, lịch sử, đến các trò chơi cầu truyền hình, nước, và cả những rừng cây theo chuyên đề như thông, tô thiết (vạn tuế), ao trời, cau, dừa…Vì thế mỗi năm Thanh Tú Sơn hút khoảng 150 vạn khách, thu về tương đương khoảng 25 tỷ đồng Việt Nam. Khác với Thanh Tú Sơn, Tây Sơn thuộc huyện Quế Bình là một điểm du lịch cấp khu tự trị, so về quy mô nó nhỏ hơn. Thế nhưng cách thu hút du lịch ở đây là tâm linh, là xá lỵ nhà phật…, vì thế khách đổ về rất đông. Chỉ nhìn những cụ bà, cụ ông cứ vái lạy từ chân núi đã đủ thấy họ thành kính đến mức nào. Tây Sơn nổi tiếng là hương, có những cây hương lớn to như cây mía, khách chơi sang, đoàn đông thì được cô hướng dẫn viên thỏ thẻ: “chỉ mua một cây thôi” nhưng một cây là 200 tệ (tương đương hơn 600 ngàn đồng tiền Việt). Đoàn đông mà, mua thế còn hơn mỗi người mua một cây nhang bé giá vài tệ. Rồi cô hướng dẫn viên lại hướng dẫn mọi người ném tiền vào đầu rùa, tiền trúng vào đầu rùa là đại cát, trúng chân là trường thọ, trúng mu là đắc phúc. Thế mà có người đổi cả trăm ném lia lịa để vừa trúng mu, vừa trúng đầu. Ném nhiều đến mức ao rùa đầy cả tiền sau mỗi ngày. Chưa hết, khi ra về cô hướng dẫn viên lại chỉ một cây si đầy những quả tú cầu, với một lời giới thiệu: “Ném tú cầu mà mắc trên cây là cầu được ước thấy”. Giá một quả tú cầu là 25 tệ, ai cũng tò mò vì thế tú cầu cứ lia lịa được ném lên để mọi người cùng cười vui. Mỗi đoàn khách như thế ít nhất họ cũng thu về gần ngàn tệ.
Một điều dễ nhận thấy nhất trong du lịch của người Trung Quốc là luôn gắn với tâm linh. Đoàn chúng tôi đổ xô đi xem xá lỵ nhà phật. Xá lỵ là hòn ngọc do người tu thành chính quả sau khi đã đốt xác còn sót lại, càng chân tu thì ngọc càng sáng. Tương truyền ai nhìn thấy xá lỵ sẽ trường sinh, thế là ai cũng cố xếp hàng để xem, xem vì hiếu kỳ, vì lạ chứ chắc mấy ai tin sẽ trường thọ vì thế chùa lúc nào cũng đông. Ở Tây Sơn nổi tiếng có giếng sữa, tương truyền do hạn nên phật đã biến ra sữa để dân uống. Giờ đây giếng đó vẫn còn, dân vẫn cứ đến uống (tất nhiên phải “tùy tâm”). Đoàn chúng tôi là khách của huyện nên họ không thu tiền, chứ theo cô hướng dẫn viên: “Nước không tính tiền nhưng mua cốc giấy để uống thì 5 tệ”. Nếu ta khai thác được Giếng Tiên, giếng chùa Tam Thanh theo cách này thì tôi tin sẽ có nguồn tái đầu tư.
Tắc xi Nam Ninh
Một trong những phương tiện của khách du lịch ở Nam Ninh là tắc xi. Bởi đi “túc túc” thì rẻ nhưng lạnh, đi xe buýt chắc là không vì bản đồ xe buýt như trận đồ bát quái. Đến anh Lương Quán Văn, cơ quan ngoại vụ nói đi xe buýt cũng hoảng. Tuyệt nhiên không có xe ôm, vì Trung Quốc đã ngừng đăng ký mới xe máy từ năm 2007, toàn bộ phương tiện cá nhân là ô tô, xe đạp hoặc xe đạp điện. Chỉ có tắc xi là phương tiện thông dụng nhất.
Nam Ninh chỉ có 4 hãng tắc xi (theo tôi quan sát), nhưng hỏi ra mỗi hãng có tới cả ngàn xe. Ở Nam Ninh tắc xi ít đỗ mà lượn như đèn cù đón khách, vì thế đừng dại mà gọi xe, cứ ra đường tiện xe nào thì vẫy xe đấy. Lái xe tắc xi ở Nam Ninh được coi là vua tốc độ, nếu không tắc đường trong phố lúc nào tốc độ cũng đạt 80km/giờ. Và hình như sử dụng tắc xi cơ bản là khách du lịch. Lái xe cũng đủ cách “chặt đẹp” đẹp đến mức khách không biết đâu mà lần, tất nhiên chặt nhỏ nên không mấy ai thắc mắc. Có lần đi tắc xi hết 15 đồng, anh lái xe xin thêm 2 đồng gọi là góp vào quỹ từ thiện cho người nghèo. Thấy tôi ngần ngừ anh nói, thôi thì giúp 1 đồng cũng được. Nhận tiền anh không quên cảm ơn “quý khách”. Lại có lần đi xe hết 17 đồng nhưng anh lái xe nhất định không có tiền lẻ, lúc ấy đố ai kiên nhẫn được mà chờ. Lại có lần tắc xi đưa tôi đến quán ăn, anh tắc xi được chủ quán “lại quả”.
Khách du lịch thăm chùa Tây Sơn
Có một lần lên xe tôi nói bằng tiếng Trung suốt đường đi từ Patsion Nam Ninh đến khách sạn Minh Viên. Mãi đến lúc xuống xe anh lái xe mới bật ra một câu tiếng Việt rất chuẩn. Hỏi mới biết anh là Nguyễn Ngọc Nghĩa, quê ở Ứng Hòa, Hà Nội, sang Nam Ninh lái xe được 6 năm nay. Lúc này tôi mới để ý trên kính xe có lá cờ đỏ sao vàng. Đưa thêm tiểu phí thì anh không nhận. Chỉ lần ấy tôi được trả đúng giá tắc xi: “chúng mình là người Việt mà”. Cho đến giờ tôi vẫn còn vấn vương với hình ảnh của anh, hình ảnh ngôi sao vàng trên kính tắc xi giữa những ngày lạnh Nam Ninh.
Đông Bắc
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()