Chuyện du học của Đăng Khoa Idol
“Học ngôn ngữ của người câm để làm thông dịch viên, phiên dịch tiếng Việt và tiếng Pháp, làm việc tại văn phòng nhà trường chứ nhất định không làm bồi bàn” – Đăng Khoa Idol chia sẻ chuyện kiếm tiền khi du học.
Tháng 3 tới đây, chàng trai gây không ít sóng gió và dư luận trái chiều tại Vietnam Idol sẽ trở lại Mỹ để tiếp tục theo học chuyên ngành Marketing, trở về với cuộc sống bình thường của một sinh viên với những giờ lên lớp và các hoạt động ngoại khóa. Anh đã cùng sẻ chia những câu chuyện liên quan đến việc du học của mình.
– Được ở Việt Nam và có nhiều biến động trong đời sống, với người đi du học vài năm chắc hẳn là một trải nghiệm thú vị với anh?
– Cái gì cũng có cái hay của nó, nếu đang ở mà đi sẽ tiếc. Hiện tại tôi đang nhớ Mỹ, có thể vì tôi đang ở Việt Nam chứ không phải thích cuộc sống ở bên đó hơn. Ở đây tôi được người ta biết đến vì tham gia Idol. Bên Mỹ, tôi được biết đến bởi tính cách phóng khoáng. Người ta nói tôi khác những người bình thường khác, không sống biệt lập mà ai cũng chơi, cái gì cũng tham gia, rất dễ kết bạn. Tôi nghĩ được sống là mình mà mọi người vẫn biết đến thì vẫn vui hơn.
– Lý do anh chọn Marketing khi sang Mỹ là gì vậy?
– Tôi cũng suy nghĩ nhiều và bố mẹ cũng suy nghĩ về chuyện học và theo đuổi gì. Tôi thường ngồi nghĩ về những việc mình làm. Tôi lựa chọn chọn Mỹ vì sự năng động của nó dù nếu học ở Anh thì tiền học bổng tôi có nhiều hơn. Và có lúc, tôi nghi ngờ về chuyến đi của mình. Nhưng giờ tôi thấy ổn, tôi thấy tư duy mình khác, cách nghĩ của mình khác. Người ta đi du học thì kêu buồn chán, còn tôi luôn có cảm giác được hòa nhập. Gia đình ủng hộ tôi từ phía sau, đưa cho tôi lời khuyên, giúp tôi lúc tôi cần. Nếu gia đình dẫn tôi đi từ phía trước thì chưa chắc tôi đã được như bây giờ.
– Nhưng anh sang Mỹ, sống một mình trên mảnh đất ấy từ khi 16 tuổi, tuổi người ta dễ mắc những sai lầm. Anh cũng thế chứ?
– Sai lầm rất nhiều là khác, từ chuyện nhỏ như cách hành xử, tôi làm phật lòng nhiều người. Từ đó, tôi học cách làm chiều lòng nhiều người. Ở nhà bố mẹ khen là tôi không tiêu xài hoang phí nhưng thực ra khi mới sang Mỹ, tự do dùng tiền, tôi vẫn có lúc vung tay quá trán. Tôi đã tự đi làm để trang trải, trong cái khó, ló cái khôn.
– Vậy, anh đã làm những việc gì?
– Tôi học ngôn ngữ của người câm điếc làm hướng dẫn cho những người như thế và gia đình họ ở trường. Rồi hướng dẫn cho những sinh viên mới vào trường, làm việc ở văn phòng trường. Tôi làm thông dịch viên tiếng Việt và tiếng Pháp cho bản tin ở trường. Thú thực, tôi không hợp với việc làm bồi bàn.
– 16 tuổi mới sang Mỹ mà anh bị chê là phát âm không chuẩn tiếng Việt, kể cũng lạ?
– Tôi học trường Quốc tế từ nhỏ rồi đi Mỹ. Ở nhà tôi và em trai được khuyến khích nói tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, nói tôi phát âm không chuẩn tiếng Việt cũng chưa hẳn đúng. Tôi chỉ bị ảnh hưởng việc phát âm chút xíu thôi.
– Tôi có cảm giác, anh không có nhiều thời gian rảnh. Vậy anh làm gì để có thể vui chơi như đúng tuổi của mình?
– Tôi không thích mình rảnh rỗi, sợ mình thừa thãi. Nhàn cư vi bất thiện nên lúc rảnh tôi hay tham gia các câu lạc bộ, rồi hoạt động xã hội. Nhiều khi hoạt động xã hội cũng ảnh hưởng đến thi cử nhưng ngồi không cũng chán lắm. Tôi giúp dựng sân khấu, dựng nhảy hay làm chủ tịch cho hội người Việt sống ở nước ngoài ở trường tôi. Ngày xưa, khi rảnh, tôi cũng hay đi trượt ván nhưng sau khi bị tai nạn giờ cũng sợ, giờ chỉ đạp xe và nằm nghe nhạc, những thứ đơn giản vậy thôi. Ở bên Mỹ, có thể bất đồng về ngôn ngữ, lịch học triền miên, rồi tham gia văn nghệ nên cũng không có thời gian đi chơi. Thời gian rảnh thì bạn bè sang nhà nhau ăn, nấu mì hoặc ra nhà hàng ăn đến 1 giờ sáng. Chuyện này ở bên Mỹ là bình thường nhưng ở Việt Nam thì khác nên khi về tôi hơi sốc. Tôi cũng biết nấu mấy món ăn đơn giản.
– Với tính cách phóng khoáng, có khi nào Đăng Khoa nghĩ rằng học xong sẽ ở lại Mỹ định cư?
– Tôi cũng đã nghĩ rồi. Thực ra nghĩ chứ không chắc chắn. Cũng có nhiều dự định không thực hiện được do hoàn cảnh thay đổi hoặc mình nhận ra có điều khác tốt hơn. Tuy nhiên, chắc chắn là tôi sẽ làm việc bên Mỹ để thu thập kinh nghiệm rồi trở về Việt Nam vì vẫn nợ đất nước mình. Tôi sinh ra ở đây, lớn lên ở đây nên chắc chắn sẽ trở về. Sống ở đâu với tôi cũng được nhưng tôi là chân đi nên không thể ở một nơi nên chắc sẽ đi đi về về. Đến giờ vẫn chưa biết định cư ở đâu.
– Bố mẹ làm kinh doanh, bản thân anh cũng học Marketing, chuyện vẫn theo đuổi nghệ thuật như anh nói xem ra cũng không dễ?
– Thực ra, bất kỳ ai cũng làm nhiều công việc. Đến lúc rơi rụng bớt thì vẫn còn việc để làm. Nếu không thử sức, biết đâu mình sẽ tiếc vì có thể làm nhiều hơn. Hơn nữa, tôi nghĩ mình đâu phải là người duy nhất vừa vướng chuyện học hành, vừa đi hát. Có nhiều người cùng một lúc làm tốt nhiều việc mà vẫn đi hát được thì tại sao tôi lại không làm được. Bây giờ tôi dốc toàn tâm toàn ý cho những công việc của mình, chuyện tương lai chưa thể tính trước. Thực ra, nghệ thuật giúp tôi rất nhiều, khiến tôi linh hoạt, uyển chuyển hơn những người khác.
– Bố và anh có hay nói chuyện với nhau?
– Chúng tôi nói cả những câu chuyện về nhân phẩm con người, về công việc ngay từ khi tôi mới 14 tuổi. Từ bé đến lớn, tôi là người hay đặt ra những câu hỏi và bố là người đủ kiên nhẫn trả lời tất cả những câu hỏi ấy. Mẹ thì không làm được điều này. Tôi đã quen những câu chuyện dài miên man như thế từ nhỏ nên chắc suy nghĩ cũng khác đi từ nhỏ.
– Nhiều người cũng cho rằng lớn sớm sẽ không có tuổi thơ?
– Tôi có tuổi thơ cho mình nhưng nó khác với mọi người. Lúc bé, tôi nhìn nhận mọi thứ xung quanh mình cũng khác, những thứ tôi làm hay trò tôi chơi cũng khác. Tôi cũng thường chơi với những người lớn tuổi hơn mình chứ ít chơi với người đồng trang lứa. Mẹ hay mắng tôi sao khác người. Còn tôi không nghĩ rằng mình chơi trội khi có tư duy khác như vậy.
– Đăng Khoa như vậy, liệu có lúc nào buồn không?
– Con người mà, ai cũng có lúc buồn. Tuy nhiên, có một ưu điểm là tôi không bao giờ buồn lâu. Hơn nữa, tôi có nhiều cách để lấy lại tinh thần cho mình nên cũng nhanh ném nỗi buồn vào sọt rác.
Ý kiến ()