Vũng Rô là địa danh lịch sử của tỉnh Phú Yên được thế giới biết đến không chỉ là một thắng cảnh đẹp, nơi dãy Trường Sơn vươn ra biển, tạo thành một dải núi non, vịnh biển hùng vĩ, mà nơi đây còn là địa chỉ đỏ, bến tiếp nhận những chuyến tàu không số chi viện lương thực, vũ khí cho các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Vũng Rô hôm nay vẫn ngời sáng giá trị lịch sử. Cả vùng đất này đang chuyển động với những dự án công nghiệp lớn, tạo đòn bẩy cho kinh tế Phú Yên phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại.
Vũng Rô nằm cách TP Tuy Hòa hơn 30 km về hướng nam. Khoảng cách này dần được rút ngắn bởi trục giao thông ven biển rộng thênh thang đang trong giai đoạn thảm nhựa hoàn chỉnh. Dọc con đường này, từ bờ nam thành phố Tuy Hòa đến Vũng Rô như một đại công trường. Hàng chục dự án lớn, nhỏ đang được triển khai. Trong đó phải kể đến các dự án lớn mang tầm chiến lược như Nhà máy lọc dầu Vũng Rô tám triệu tấn/năm đã được Chính phủ cho phép xây dựng và chuẩn bị khởi công; dự án hầm đường bộ Ðèo Cả với vốn đầu tư gần 16 nghìn tỷ đồng đã được khởi công; dự án cảng quốc tế Bãi Gốc đã được Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) phê duyệt quy hoạch chi tiết với mức đầu tư 9.221 tỷ đồng đang tiến hành đền bù, giải tỏa; dự án nhà ga Cảng hàng không Tuy Hòa với vốn đầu tư 400 tỷ đồng vừa khánh thành, đưa vào sử dụng… Ðáng chú ý là Chính phủ đã cho phép Phú Yên triển khai thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Mới đây tại Hà Nội, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô; ký hợp đồng thiết kế tổng thể và trao thầu EPC cho Công ty JGC-Nhật Bản. Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Tâm, huyện Ðông Hòa có tổng vốn đầu tư hơn 3,1 tỷ USD, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy mô công suất từ bốn triệu tấn lên tám triệu tấn/năm và phê duyệt cơ chế ưu đãi về thuế suất, thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm hóa dầu, lưu huỳnh; điều chỉnh địa điểm, kể cả cảng chuyên dụng và một số cơ chế, chính sách. Ðến nay, dự án đã thực hiện kiểm kê tài sản hoàn thành 134 ha đất quy hoạch cảng và gần 200 trong số 404 ha đất quy hoạch xây dựng nhà máy. Dự kiến đến cuối tháng 11-2013, sẽ hoàn tất công tác kiểm kê tài sản và phương án bồi thường mặt bằng. Dự án được xây dựng trên diện tích 538 ha, trong đó 404 ha đất xây dựng nhà máy, 134 ha xây dựng cảng Bãi Gốc và sử dụng từ 500 đến 1.300 ha diện tích mặt nước; là công trình chế biến và phân phối các sản phẩm dầu khí, hóa dầu; xuất nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu khí, hóa dầu… Theo kế hoạch, dự án được thực hiện từ năm 2011 đến 2015 và bắt đầu vận hành vào năm 2016, giải quyết việc làm ổn định cho 1.300 lao động, mỗi năm đóng vào ngân sách nhà nước khoảng 111 triệu USD.
Trong chuyến công tác Phú Yên mới đây, sau khi nghe báo cáo công tác triển khai dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tình hình triển khai dự án của chủ đầu tư, cũng như công tác hỗ trợ triển khai dự án của chính quyền địa phương. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh sớm bàn giao mặt bằng để nhà đầu tư tiến hành khởi công, đề nghị chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thành các thủ tục còn lại để sớm triển khai. Trước đó, UBND tỉnh đã có chủ trương giao Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đầu tư cảng Bãi Gốc, với yêu cầu đầu tư xây dựng thành cảng chuyên dụng, không chỉ phục vụ riêng cho Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô mà cho cả Khu kinh tế (KKT) Nam Phú Yên. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Ðình Cự, đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay tại địa phương; đồng thời là hạt nhân của KKT Nam Phú Yên, có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm cho cả Phú Yên và khu vực Nam Trung Bộ.
Hiện nay, Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đã hoàn tất lập báo cáo dự báo hàng hóa qua cảng Bãi Gốc, được UBND tỉnh Phú Yên thông qua; giới thiệu các đơn vị đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào; hoàn chỉnh đo đạc hồ sơ kỹ thuật thửa đất và lập hồ sơ quy chủ; thực hiện cơ bản hoàn thành khối lượng khảo sát địa chất thủy hải văn khu vực cảng Bãi Gốc; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các hạng mục còn lại để khởi công dự án vào cuối năm 2013 theo dự kiến. Liên quan dự án này, mới đây, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã tiếp nhận đề nghị của Tổng công ty cổ phần Vinaconex được phép tham gia vào Công ty cổ phần Ðầu tư và Kinh doanh nước sạch Vũng Rô với tỷ lệ góp vốn 20% để đầu tư hệ thống cấp nước cho khu lọc hóa dầu Vũng Rô theo hình thức BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh).
Chủ tịch UBND huyện Ðông Hòa Nguyễn Tài cho biết: Toàn bộ các dự án lớn của tỉnh nằm trên địa bàn huyện Ðông Hòa, trong đó có dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Ðể phục vụ xây dựng nhà máy, cả xã Hòa Tâm phải di dời 404 hộ đến nơi tái định cư. Bà con rất phấn khởi, mong sao dự án sớm hoàn thành, góp phần tăng nguồn thu của tỉnh. Ông Võ Ðồng Tịnh, Trưởng thôn Ðồng Bé, xã Hòa Tâm cho biết, toàn bộ 183 hộ dân trong thôn phải di dời đến nơi ở mới để tạo mặt bằng cho dự án. Biết là cuộc sống mưu sinh sẽ thay đổi, nhưng vì lợi ích chung, người dân chúng tôi sẵn sàng di dời đến nơi ở mới. Mong sao các thủ tục chung về đền bù, giải tỏa, giải quyết việc làm sẽ bảo đảm cho bà con ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ðình Cự chia sẻ, đã có thời điểm Phú Yên được xếp thứ hai cả nước (năm 2009) sau TP Hồ Chí Minh về thu hút các dự án đầu tư nước ngoài. Thế nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho các nhà đầu tư rút lui. Tuy nhiên, Phú Yên luôn chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, dồn sức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KKT Nam Phú Yên. Ðây là KKT tổng hợp với hạ tầng đô thị hiện đại, với trọng tâm là phát triển ngành công nghiệp lọc, hóa dầu và các sản phẩm liên quan; sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu; gắn với việc phát triển và khai thác hiệu quả cảng Vũng Rô, cảng nước sâu Bãi Gốc, Cảng hàng không Tuy Hòa. Ðồng thời, xây dựng trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Phó Trưởng ban quản lý KKT Phú Yên Lê Văn Thành phấn khởi cho biết, tuy đang trong giai đoạn đầu xây dựng hạ tầng, nhưng đã có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, đặt vấn đề đăng ký đầu tư vào KKT này. Ngoài dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, còn có dự án hạ tầng kỹ thuật KCN Hòa Tâm, quy mô diện tích 2.155 ha, gồm ba khu chức năng: KCN lọc hóa dầu, KCN đa ngành và khu cảng Bãi Gốc với vốn đăng ký 10 nghìn tỷ đồng. Dự án này cũng đã được Ban quản lý KKT trao giấy phép cho nhà đầu tư là Công ty cổ phần Hiệp Hòa Phát (TP Hồ Chí Minh) thực hiện từ hai năm qua. Theo nhận định của các nhà đầu tư, KKT Nam Phú Yên hiện khá thuận lợi về giao thông.
Ðể hỗ trợ các dự án nêu trên, ngoài các con đường chiến lược đã và đang trong giai đoạn hoàn thành, như đường động lực ven biển, trục giao thông phía tây kết nối các tỉnh chung quanh, tỉnh Phú Yên cũng đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Hầm đường bộ Ðèo Cả với vốn đầu tư 15.603 tỷ đồng. Khi đưa vào khai thác, công trình này không chỉ phá thế “ốc đảo” cho tỉnh Phú Yên, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của khu vực miền trung và Tây Nguyên.
amesmall” src=”http://nhandan.com.vn/media/k2/galleries/21454602/1743683450.jpg” border=”0″ />
Cảng hàng không Tuy Hòa nằm trong Khu kinh tế Nam Phú Yên vừa được khánh thành.
Ý kiến ()