Chuyển động vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I-2016 ước đạt 273,6 nghìn tỷ đồng (32,2% GDP), tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2015, riêng vốn đầu tư của khu vực nhà nước đạt 96,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,4% tổng vốn và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước - xấp xỉ mức tăng 7,7% năm 2015 và cao hơn mức tăng 6,8% cùng kỳ năm 2014. Mặc dù vẫn chiếm tỷ trọng hơn một phần ba tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I-2016 song đầu tư từ khu vực nhà nước vẫn trong xu thế giảm mạnh.
Vai trò chủ đạo của đầu tư từ khu vực Nhà nước đang chuyển từ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đầu tư nhiều nhất sang tập trung đầu tư vào những địa bàn, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho khu vực ngoài nhà nước cũng như khu vực FDI, nâng cao hiệu quả của đầu tư công nói chung và hiệu quả đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) nói riêng. Trong bối cảnh chi NSNN hết sức căng thẳng do chi thường xuyên tiếp tục tăng cao, chi trả nợ ngày càng lớn, NSNN vẫn cố gắng bố trí sắp xếp nguồn vốn dành cho chi đầu tư phát triển. Vốn từ NSNN thực hiện quý I-2016 ước đạt 42,4 nghìn tỷ đồng, vẫn tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 17,2% kế hoạch năm. So với quý I-2011, tỷ trọng vốn đầu tư từ NSNN trong tổng vốn đầu tư của khu vực nhà nước đã giảm mạnh từ 50,9% xuống 43,8% GDP; đồng thời tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN được đo bằng mức độ thực hiện kế hoạch năm cũng giảm mạnh từ hơn 21% xuống còn hơn 17% – mức thực hiện thấp nhất trong 5 năm gần đây. Đáng chú ý là vốn trung ương quản lý chỉ đạt 16,5% kế hoạch năm mặc dù vẫn tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2015, còn vốn địa phương quản lý đạt 17,4% kế hoạch năm, tuy chỉ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2015. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư từ NSNN do địa phương quản lý tốt hơn hẳn so với do trung ương quản lý ngay trong quý đầu tiên của năm đã liên tục lặp lại trong nhiều năm trở lại đây. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN không đồng đều cũng thể hiện rõ ở phần do địa phương quản lý. Trong khi vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN của Hà Nội chỉ đạt 17,9% kế hoạch năm, hay thậm chí của thành phố Hồ Chí Minh vỏn vẹn có 13% thì của Bà Rịa – Vũng Tàu lại đạt 22,6%, của Nghệ An đạt 21,2%, còn của Thanh Hóa đạt 24% và cao nhất là Kiên Giang đạt 28,4%.
Rõ ràng, chương trình tái cơ cấu đầu tư công đã tạo chuyển biến tích cực trong giảm tỷ trọng đầu tư từ nguồn NSNN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nỗ lực khắc phục căn bệnh cố hữu của đầu tư từ NSNN, như: Đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, dự án đầu tư kéo dài, chậm đưa vào sử dụng, hiệu quả đầu tư thấp,… Tuy nhiên, giai đoạn tới vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong tái cơ cấu đầu tư công đi đôi với khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư từ NSNN “đủng đỉnh” vào đầu năm và dồn dập vào cuối năm; đồng thời hạn chế tình trạng tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN không đồng đều giữa các bộ, ngành, cũng như giữa các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả của đầu tư công.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()