Chuyển động mới ở cửa khẩu quốc tế Cha Lo
Du khách Thái-lan đến Quảng Bình qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Cha Lo, vùng đất xa xôi nơi miền tây Quảng Bình đang ngày càng khởi sắc nhờ tuyến đường 12A và cửa khẩu quốc tế Cha Lo được nâng cấp, mở rộng thông thương. Kết quả hoạt động từ năm 2010 đến nay cho thấy, quốc lộ 12A và cửa khẩu quốc tế Cha Lo được các doanh nghiệp trong và ngoài nước lựa chọn làm đường vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh đông bắc Thái-lan, vùng trung Lào đến Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba.Phát huy lợi thế của tuyến đường xuyên ÁNgày 10-1-2001, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào chính thức thành lập cặp cửa khẩu quốc tế Cha Lo - Na Phàu. Hơn một năm sau đó, Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Cha Lo được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm sáu xã thuộc huyện Minh Hóa là Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Phúc, Hồng Hóa và Hóa Tiến, với tổng diện tích tự nhiên 538 km2.Trên quan điểm phát triển KKTCK Cha Lo theo hướng mở cửa và...
![]() Du khách Thái-lan đến Quảng Bình qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo. |
Phát huy lợi thế của tuyến đường xuyên Á
Ngày 10-1-2001, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào chính thức thành lập cặp cửa khẩu quốc tế Cha Lo – Na Phàu. Hơn một năm sau đó, Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Cha Lo được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm sáu xã thuộc huyện Minh Hóa là Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Phúc, Hồng Hóa và Hóa Tiến, với tổng diện tích tự nhiên 538 km2.
Trên quan điểm phát triển KKTCK Cha Lo theo hướng mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, những năm qua tỉnh Quảng Bình đã tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để đầu tư xây dựng và phát triển KKTCK này một cách toàn diện, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía tây của tỉnh. Quảng Bình gắn phát triển KKTCK với việc phân bố lại lao động, dân cư nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong khu vực.
Giờ đây, trên tuyến đường xuyên Á, từ TP Đồng Hới lên Cha Lo chỉ ba giờ chạy xe, thay cho gần một ngày đường như trước kia. Giữa tháng 11-2011, cầu Hữu Nghị 3 bắc qua sông Mê Công nối tỉnh Na-khon-pha-nom và vùng đông bắc Thái-lan với tỉnh Khăm Muộn (Lào) hoàn thành đưa vào sử dụng. Từ đó, tuyến đường quốc tế từ Thái-lan, Lào đến Việt Nam qua tỉnh Quảng Bình là tuyến ngắn nhất hiện nay (khoảng 300km). Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy giao thương, thực hiện ý tưởng “một ngày du lịch ăn cơm ba nước”.
Trên đỉnh đèo đặc quánh sương lạnh bên dãy Giăng Màn, hàng chục chiếc xe tải chở thạch cao nhập khẩu và gạo xuất khẩu hối hả nối đuôi nhau ngược xuôi. Tranh thủ lúc giải lao giữa hai ca trực, chúng tôi trò chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo thì được biết, những ngày này, lượng người, phương tiện xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu tăng cao, quân số của trạm phải căng ra làm việc liên tục trong nhiều ca. Con số gần 244 nghìn lượt người và hơn 65 nghìn lượt phương tiện xuất nhập cảnh trong năm 2011, tuy chưa cao đối với một cửa khẩu quốc tế, nhưng so với cách đây năm năm thì đó là con số đáng mơ ước.
Năm năm trước, công việc chủ yếu của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, hải quan ở cửa khẩu là làm thủ tục cho các chuyến xe gỗ nhập khẩu theo diện “hàng đổi hàng”. Nay, hàng hóa qua cửa khẩu đa dạng hơn: nông sản, hàng tiêu dùng, may mặc của Việt Nam xuất sang Lào, Thái-lan; rồi thạch cao, hoa quả, hàng gia dụng Thái-lan nhập khẩu vào Việt Nam tăng vọt…
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo năm 2011 đạt hơn 155 triệu USD, bằng 232% so với năm 2010; quý I-2012 là 34,9 triệu USD, bằng 133% so với cùng kỳ năm 2011. Thu thuế hàng hóa qua cửa khẩu năm 2011 đạt 161,9 tỷ đồng, bằng 223% so với năm 2010; quý I-2012 ước đạt 36 tỷ đồng, bằng 176% cùng kỳ năm 2011. Tốc độ tăng trưởng của cửa khẩu quốc tế Cha Lo gấp hai lần so với một số cửa khẩu quốc tế khác trong khu vực. Kết quả này cho thấy, đường 12A và cửa khẩu quốc tế Cha Lo đang được các doanh nghiệp trong và ngoài nước lựa chọn làm đường vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh đông bắc Thái-lan, trung Lào đến Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư
Bên cạnh những chuyển động mới với tín hiệu rất tích cực, hoạt động của KKTCK quốc tế Cha Lo còn những hạn chế nhất định. Đó là sự thiếu thốn, lạc hậu về cơ sở hạ tầng. Địa hình trung tâm cửa khẩu phức tạp, diện tích hẹp, điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Mặt khác, so với các cửa khẩu khác trong khu vực thì trung tâm cửa khẩu Cha Lo cách xa khu vực dân cư sinh sống cho nên ảnh hưởng đến việc phát triển dịch vụ, thương mại. Theo Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình Phạm Văn Năm, dù đã có sự phát triển vượt bậc nhưng so với các cửa khẩu trong nước, lượng hàng hóa và phương tiện qua lại cửa khẩu quốc tế Cha Lo vẫn còn khiêm tốn.
Để phát triển KKTCK Cha Lo lên tầm cao mới, vừa qua UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt quy hoạch chi tiết đầu tư xây dựng khu dịch vụ thương mại và kho ngoại quan tại Bãi Dinh, dự án quốc môn và nhà liên ngành. Diện tích khu trung tâm cửa khẩu cũng được điều chỉnh từ 11,3 ha lên 21,4 ha. Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình đã thực hiện quản lý tập trung thống nhất các hoạt động trong KKTCK nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và du khách qua lại cửa khẩu. Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã cho phép phân giai đoạn đầu tư một số công trình theo vốn đã được bố trí để phù hợp với tình hình thắt chặt đầu tư công hiện nay nhưng vẫn bảo đảm tiến độ của các công trình trọng điểm tại KKTCK.
Cùng với đó, công tác xúc tiến đầu tư cũng được quan tâm. Quý I-2012, đã có sáu doanh nghiệp đăng ký đầu tư các dự án thương mại với số vốn gần 89 tỷ đồng. Quảng Bình đã ban hành chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất tại KKTCK Cha Lo. Ngoài đầu tư toàn bộ công trình hạ tầng thiết yếu, các dự án đầu tư sử dụng từ 100 lao động địa phương trở lên sẽ được tỉnh hỗ trợ 500 nghìn đồng/người. Người nước ngoài vào khu kinh tế cửa khẩu được miễn thị thực (trong vòng 15 ngày), được trao đổi mua bán hàng hóa tự do…
Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu quốc tế Cha Lo Đinh Phú Hòa cho biết, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch. Trong quý II năm 2012, Chi cục sẽ triển khai thủ tục hải quan điện tử để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Mới đây, ngày 6-1-2012, tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) đã diễn ra hội nghị cấp cao lần thứ 15 các tỉnh ba nước Việt Nam – Lào – Thái-lan sử dụng đường 8 và đường 12 để bàn giải pháp mở rộng không gian và lĩnh vực hợp tác giữa các địa phương. Các tỉnh kiến nghị Chính phủ ba nước đưa đường 8 và đường 12 vào hiệp định khung để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển người và hàng hóa giữa các nước tiểu vùng sông Mê Công, với mục tiêu đạt được lợi thế hơn so với các khu vực hợp tác đông – tây theo các tuyến đường khác, tạo thuận lợi cho người dân, phương tiện và hàng hóa của ba nước qua lại. Các tỉnh cũng thống nhất xây dựng các trung tâm văn hóa chung, xây dựng các điểm dừng chân, hoàn chỉnh đường 12.
Với lợi thế về cung đường và nhất là sau khi cầu Hữu Nghị 3 được khánh thành, đường xuyên Á đi qua cửa khẩu Cha Lo là trục giao thông chính phục vụ việc vận tải hàng hóa, tham quan du lịch của doanh nghiệp và người dân ba nước Việt Nam, Lào và Thái-lan. Đây là cơ hội thuận lợi cho cửa khẩu quốc tế Cha Lo phát triển và trở thành cửa khẩu sầm uất trên tuyến biên giới Việt – Lào.
Theo Nhandan

Ý kiến ()