Chuyển đổi xanh trong du lịch: "Xanh" từ nhận thức để phát triển bền vững
Phát triển du lịch bền vững chính là việc làm sao để khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm tài nguyên; dịch vụ thân thiện môi trường, thân thiện với nhu cầu của du khách.
Không chỉ chuyển đổi số, du lịch Việt đang nỗ lực chuyển đổi xanh để phát triển bền vững. Lộ trình này được thể hiện trong chiến lược quốc gia cũng như được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đề án phát triển kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, để có thể tạo dựng một "diện mạo xanh" thực sự cho ngành công nghiệp không khói, còn đó bộn bề việc cần làm, từ cấp Nhà nước đến địa phương cũng như doanh nghiệp.
Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn đã có chia sẻ xung quanh câu chuyện chuyển đổi xanh cho du lịch Việt.
Hiểu đúng “Xanh” trong du lịch
- Ngành du lịch Việt đang chọn chuyển đổi xanh bền vững một cách mạnh mẽ, ông đánh giá thế nào về nỗ lực này?
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn: Du lịch là một ngành kinh tế, vì vậy đương nhiên du lịch phải tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi xanh theo chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng như đề án phát triển kinh tế tuần hoàn do Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Nói cách khác, chuyển đổi xanh là nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành du lịch bởi du lịch là ngành thâm dụng tài nguyên rất lớn. Vì vậy, việc khai thác, sử dụng tài nguyên phải theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, áp dụng các mô hình về kinh tế tuần hoàn, các biện pháp tăng trưởng xanh để thực thi phù hợp với mục tiêu phát triển vững chắc, thực hiện đúng cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế theo các chương trình phát triển bền vững quốc tế.
- Thế nhưng thực tế hiện nay, số lượng đơn vị, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh du lịch vẫn còn ít. Vậy theo ông, nguyên nhân do đâu?
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn: Nguyên nhân đầu tiên do nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng về tăng trưởng xanh, về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực du lịch. Rất nhiều doanh nghiệp du lịch hiểu du lịch xanh là du lịch ở những nơi tự nhiên mà không hiểu đằng sau khái niệm đó là tăng trưởng xanh, tức là làm sao để khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm tài nguyên theo mục tiêu phát triển bền vững.
Du lịch xanh phải đảm bảo tôn trọng tài nguyên, bảo vệ môi trường, áp dụng các biện pháp như sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng các giải pháp tiết kiệm về tài nguyên, đặc biệt trong đó là hệ thống xử lý nước thải, chất thải nhằm đảm bảo không xả thải ra môi trường, xây dựng môi trường, điểm đến sạch sẽ, bảo vệ sinh thái an toàn cũng như đảm bảo các vấn đề về môi trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần áp dụng các biện pháp công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, thân thiện với nhu cầu của khách du lịch hiện nay.
Rõ ràng, rất nhiều doanh nghiệp vẫn nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng những điều đó. Vì vậy, việc triển khai thực hiện du lịch xanh trong cộng đồng các doanh nghiệp Việt vẫn còn hạn chế. Thực tế này cũng có trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách tới cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong việc thực hiện chuyển đổi xanh.
Thu hút nguồn lực từ quốc tế
- Quá trình từ nhận thức đến hành động, thực hiện cũng cần phải có động lực thúc đẩy là kinh phí bên cạnh chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện du lịch Việt chưa có nguồn hỗ trợ nào, thậm chí các văn bản, chính sách cũng chưa được hoàn thiện. Vậy ông có kiến nghị gì để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh bền vững, hiệu quả?
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn: Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian gần đây nhấn mạnh rất nhiều đến việc doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế xanh tuần hoàn. Thế nhưng để triển khai được thì thứ nhất, một trong những hạn chế, thách thức đó chính là vấn đề tài chính, trong khi để thực hiện tăng trưởng xanh sẽ rất tốn kém. Do đó, Nhà nước cần phải có nguồn lực để hỗ trợ và ưu tiên du lịch.
Trong kế hoạch tăng trưởng xanh quốc gia có đề cập đến việc lĩnh vực du lịch đã trở thành nhóm được ưu tiên cao. Như vậy chắc chắn Nhà nước sẽ dành nguồn lực để phát triển. Tuy nhiên, trách nhiệm ở đây không chỉ là Nhà nước ở cấp Trung ương mà các địa phương cũng cần phải ưu tiên, nhận thức đúng đắn về tăng trưởng xanh, về kinh tế tuần hoàn với nguồn lực nhất định, ngân sách tối ưu nhất để hỗ trợ đầu tư về hạ tầng cũng như nâng cao nhận thức đúng đắn.
Ví dụ như đầu tư hạ tầng xanh với hệ thống xử lý nước thải, chất thải hiện đại tại các khu, điểm du lịch cần ưu tiên, nhất là những khu, điểm du lịch tầm cỡ quốc gia như Phú Quốc, Côn Đảo. Rồi đầu tư về sử dụng năng lượng xanh, sản xuất năng lượng sạch… Đây là những việc Nhà nước cần làm.
Thứ hai, Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo nhằm thay thế sử dụng năng lượng hóa thạch như hiện nay. Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng làm đồng thời cần kêu gọi các tổ chức quốc tế tham gia hỗ trợ, như UNDP đang hỗ trợ Việt Nam.
Rất nhiều tổ chức quốc tế khác cũng quan tâm để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, vì vậy họ sẵn sàng dành nguồn lực. Vấn đề là chúng ta tiếp cận các tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển chú trọng phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn hay tăng trưởng xanh như thế nào để thu hút được nguồn lực từ họ cho du lịch Việt Nam.
- Ông có đề xuất, kiến nghị gì về chính sách cho phát triển du lịch xanh ở Việt Nam?
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn: Với lĩnh vực du lịch, cần có những chính sách Nhà nước về miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo, sử dụng nguồn nước sạch và xử lý hệ thống nước thải, chất thải ở các khu, điểm du lịch. Đấy là những chính sách cần khuyến khích, hỗ trợ nếu các doanh nghiệp đứng ra làm thay Nhà nước.
Đơn cử như Phú Quốc là khu du lịch lớn nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Nếu trong điều kiện Nhà nước chưa làm được thì Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách cụ thể về thuế, tín dụng hay những chính sách giúp cho doanh nghiệp được hưởng lợi để khuyến khích họ đầu tư vào lĩnh vực mới, giúp thực hiện được chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hay đề án kinh tế tuần hoàn mà Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt.
Dẹp vấn nạn tiêu cực, xây dựng điểm đến xanh
- Có thực tế nữa liên quan tới ứng xử văn minh trong du lịch. Dù lượng khách quốc tế bắt đầu tăng mạnh trở lại Việt Nam trong quý một vừa qua là tín hiệu đáng mừng, song, cùng với đó là hiện tượng du khách vẫn bị “chặt chém” ở các điểm đến nổi tiếng, đặc biệt như quanh khu vực Hồ Gươm thời gian qua. Theo ông, cơ quan quản lý cần có trách nhiệm như thế nào để làm xanh, sạch môi trường du lịch, lấy lại hình ảnh đẹp trong mắt du khách?
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn: Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước địa phương. Bởi cơ quan này phải duy trì, bảo vệ môi trường điểm đến. Xây dựng được môi trường văn minh, thân thiện hay không, ứng xử tốt hay không thì đòi hỏi vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thực thi nghiêm minh các biện pháp xử lý khi phát hiện tổ chức, cá nhân gây ra các sự việc tiêu cực.
Cần thiết lập trung tâm tiếp nhận thông tin du khách, có đường dây nóng 24h/7 ở các khu điểm du lịch để du khách phản ánh, thậm chí người dân khi phát hiện thấy các trường hợp sai phạm như chặt chém, đeo bám hay gây phiền lòng cho khách du lịch thì có thể báo ngay cho chính quyền địa phương. Do đó, trách nhiệm của các cơ quan thường trực rất quan trọng, phải có người tiếp nhận, biện pháp xử lý kịp thời.
Có như vậy tôi tin những vấn nạn tiêu cực sẽ được giải quyết, khắc phục và góp phần tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp cho điểm đến cũng như xây dựng được thương hiệu điểm đến xanh, sạch, đẹp, an toàn cho du lịch Việt.
- Theo ông thì các chế tài xử lý vi phạm hiện nay đã đủ mạnh để răn đe người vi phạm hay chưa, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn: Tôi cho rằng là chưa. Thiết nghĩ ngành du lịch cần phải có những đề xuất biện pháp xử lý nghiêm minh hơn. Cũng giống như giao thông, thời gian qua đã có hình thức xử phạt rất nặng việc sử dụng nồng độ cồn. Do đó, các cơ quan chức năng cần đề xuất quy định để xử phạt nặng hơn đối với những hành vi chặt chém, đeo bám, lừa đảo du khách cả trong nước và quốc tế.
Không chỉ cần ban hành các quy định mà quan trọng nhất là cơ quan quản lý cần thực thi, xử lý nghiêm. Nếu có quy định mà cơ quan chức năng không thực hiện nghiêm túc, không làm đúng vai trò, trách nhiệm thì cũng không mang lại hiệu quả thực tế.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Ý kiến ()