Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí
Việc tổ chức diễn đàn giúp các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí, nhà mạng, doanh nghiệp có cơ hội trao đổi về những thách thức của báo chí Việt Nam; tìm kiếm các mô hình mới góp phần tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ ngày một phát triển.
Tại diễn đàn, nhiều diễn giả có các tham luận chuyên sâu bàn về những thách thức, cơ hội, xu hướng và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực báo chí, truyền thông cũng như các giải pháp, mô hình mới góp phần tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí. Diễn đàn chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí là hoạt động tiếp theo khởi động cho những sáng kiến mới trong khuôn khổ “Dự án phát triển Báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024”.
Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024” là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.
Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh thông tin: Để thay đổi thói quen đọc báo miễn phí của bạn đọc, từ năm 2012, Báo điện tử Việt Nam Plus của Thông tấn xã Việt Nam đã triển khai việc thu phí từ bạn đọc và trở thành cơ quan báo chí đầu tiên thực hiện thu phí người đọc báo ở Việt Nam. Mô hình này đã đem lại những thành công bước đầu. Ngoài việc nâng cao chất lượng nội dung bài báo có thu phí, nút thắt trong khâu thanh toán dịch vụ đọc báo điện tử được tháo gỡ thông qua cước điện thoại, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc. Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam: Việc phân chia lợi ích giữa cơ quan báo chí với nhà mạng hiện nay chưa hợp lý, phần thiệt nghiêng về phía cơ quan báo chí.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, hiện nay các cơ quan báo chí đang đối mặt với rất nhiều khó khăn như: Sự sụt giảm nguồn thu từ quảng cáo, bán báo, từ ngân sách Nhà nước; thói quen đọc, xem, nghe của bạn đọc thay đổi; phương thức làm báo truyền thống không còn thu hút độc giả như trước đây cùng với sự áp đảo của truyền thông xã hội làm cho các cơ quan báo chí mất dần độc giả; các giải pháp, hạ tầng phân phối nội dung và quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới đang ngày càng ưu việt và lấn át báo chí truyền thống…
Vì vậy, báo chí phải có công nghệ, có giải pháp, có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các nhà mạng viễn thông và quan trọng nhất là có sự đồng thuận, liên kết của các cơ quan báo chí nhằm tạo ra sức mạnh, một mặt giúp cho các cơ quan báo chí tồn tại và phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của báo chí khu vực và thế giới.
Ý kiến ()