Chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn
Nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa phong phú, là những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nay du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được khai thác hiệu quả để góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế của khu vực này.
Trước thực tế đó, sáng 2/10, Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số”.
Tiềm năng lớn du lịch nông thôn
Theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), Việt Nam hiện có ba loại hình du lịch nông thôn, đó là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng du lịch. Việc chuyển đổi số trong du lịch nông thôn sẽ giúp thu hút được thêm du khách, hỗ trợ du khách chuẩn bị chuyến đi dễ dàng hơn và cung cấp dịch vụ tốt hơn.
Tại tỉnh Quảng Nam, các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các làng quê, làng nghề, nông thôn của tỉnh đã được quan tâm, triển khai đưa vào hoạt động như: Làng rau Trà Quế, Làng rau Thanh Đông, Làng gốm Thanh Hà, Làng chài, tham quan rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (ở thành phố Hội An), Làng trái cây Đại Bình (Nông Sơn), Làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), Làng Bích họa (Tam Thanh)… Những địa chỉ du lịch này đã bước đầu mang lại hiệu quả, tạo được thiện cảm lớn cho du khách, nhất là du khách đến từ châu Âu, Đông Bắc Á. Hiện tỉnh đang có hướng triển khai hệ thống bản đồ số hóa các dữ liệu liên quan đến các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch…, tích hợp với cổng thông tin du lịch và ứng dụng trên thiết bị di động. Tiến tới xây dựng tour ảo hay tour tương tác nhằm mô phỏng địa điểm du lịch, giúp du khách hiểu rõ hơn về địa điểm sắp tham quan.
Đối với tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh cho biết: Nhận thấy du lịch canh nông là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo có tính cạnh tranh cao cũng như đáp ứng được thị hiếu của du khách, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích người dân địa phương phát triển.
Ngoài ra, với sự hỗ trợ của tổ chức JICA (Nhật Bản), tỉnh đã xây dựng thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Đây là thương hiệu quảng bá các hình ảnh du lịch canh nông đến với khách du lịch trong và ngoài nước.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 33 mô hình du lịch canh nông được công nhận để đưa vào phục vụ khách tham quan, trải nghiệm, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình cà phê Green Box, Trang trại rau và hoa, Trà Long Đỉnh, Fresh Garden Đà Lạt, Trà và rượu vang Vĩnh Tiến… Trong đó, việc áp dụng chuyển đổi số được quan tâm thực hiện.
Cụ thể, các mô hình đã áp dụng chuyển đổi số để cung cấp thông tin, định vị các địa điểm nhằm tạo hệ thống mạng lưới liên kết các điểm du lịch với nhau, qua đó du khách có thể dễ dàng tìm hiểu để có sự lựa chọn thích hợp nhất cho chuyến đi. Ngoài trang web chính thức về du lịch đang vận hành, tỉnh đang triển khai, phát triển hệ thống du lịch thông minh gồm cổng thông tin http://dalat.vn và ứng dụng du lịch thông minh DaLatCity phục vụ du khách trên thiết bị di động, thành phố wifi, bản đồ du lịch thông minh…
Chuyển đổi số là động lực phát triển
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Saigon Asset cho biết: Hiện nay mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh. Tuy nhiên, hoạt động này phần lớn do người dân địa phương tham gia và phát triển, nhưng họ lại chưa có đủ điều kiện tiếp cận công nghệ mới để ứng dụng quảng bá sản phẩm của mình. Chính vì vậy, cần tập trung hỗ trợ lực lượng này để nhanh chóng tiếp cận chuyển đổi số.
Về tổng quan, ông Nghĩa đề xuất: Cần xây dựng bản đồ quốc gia tập trung số hóa tất cả thông tin chuyên trang du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó phân nhóm từng vùng phát triển. Đầu tiên là chọn tỉnh nào đó để làm mô hình mẫu, sau đó đến vùng địa lý, miền địa lý và cấp quốc gia. Thí dụ, mô hình quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ có chuyên trang giới thiệu, bản đồ số hóa các tour, các sản phẩm quà nông sản. Ngoài ra, cần bổ sung thêm một trang thông tin nữa để xúc tiến quảng bá du lịch nông sản, đó là hội chợ nông sản thực tế ảo được tích hợp trong một văn phòng thật đặt tại các tỉnh. Định kỳ hằng tuần, hằng tháng có một hội chợ thực tế ảo, kết nối được các đơn vị lữ hành, địa phương và người dân để cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Về phía cơ sở du lịch ở địa phương, ông Trần Thanh Hùng, Chủ nhiệm Hội quán cùng nhau làm du lịch tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp thông tin: Hội quán chuyên hoạt động về các lĩnh vực du lịch như: điểm đến, homestay, lữ hành… Trong quá trình hoạt động, hội quán đã ứng dụng công nghệ số trong quảng cáo, đưa thông tin lên các nền tảng công nghệ như Booking, Traveloka, Airbnb… và ứng dụng công nghệ vào thanh toán, hậu mãi.
Hội quán đang kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng được bản đồ số về du lịch, tạo các cột wifi miễn phí để giúp du khách tăng khả năng tương tác, quảng bá trên mạng xã hội khi du lịch tại địa phương.
Giá trị của chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn là rất lớn, nhưng thực tế hiện nay, việc triển khai thực hiện ở nhiều địa phương, nhiều mô hình còn khá hạn chế.
Nguyên nhân là nguồn nhân lực am hiểu về công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch nông thôn còn thiếu; cơ sở hạ tầng công nghệ ở một số địa phương chưa đáp ứng hiệu quả việc chuyển đổi số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Mặt khác, phần lớn điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, chủ yếu do các hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác khai thác nên hạn chế về năng lực, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ…
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: Để bà con nông dân ở những vùng nông thôn, vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận công nghệ số, tiếp cận thị trường du lịch thì cần tích hợp, liên thông, chia sẻ thông tin, phát triển các ứng dụng dùng chung cho phát triển du lịch nông thôn trên cơ sở kế thừa những nội dung đã có từ ngành du lịch, nông nghiệp nông thôn, chương trình OCOP. Xây dựng các ứng dụng công nghệ cho du lịch nông thôn cần có sự gắn kết với tổng thể du lịch Việt Nam, với khu vực đô thị và đơn vị lữ hành.
Ngoài ra, cần có chính sách thu hút khu vực tư nhân đầu tư cho ứng dụng công nghệ phát triển du lịch nông thôn, thu hút lực lượng thanh niên nông thôn được đào tạo về công nghệ, du lịch trở lại phục vụ quê hương.
Tổng cục Du lịch cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025; Tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ thí điểm xây dựng mô hình Làng du lịch thông minh tại những nơi có điều kiện phát triển; Ưu tiên phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho khu vực được thí điểm phát triển mô hình.
Theo Nhandan
Ý kiến ()