Chuyển đổi số trong ngành tài chính
Bộ Tài chính xác định năm 2018 là năm khởi đầu, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số ngành Tài chính trong một chương trình, mục tiêu dài hạn.
Đó là Thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đưa ra tại Hội thảo – Triển lãm Vietnam Finance 2018 với chủ đề “Chuyển đổi số trong ngành Tài chính”. Đây là sự kiện thường niên do Bộ Tài chính phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) Việt Nam tổ chức.
Hội thảo – Triển lãm Vietnam Finance 2018 sẽ giới thiệu về lộ trình đầu tư, lộ trình thực hiện công tác chuyển đổi số ngành Tài chính và trao đổi kinh nghiệm, phương hướng áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong nước và quốc tế giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho nền kinh tế số.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh và các phương thức sản xuất, kinh doanh mới để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Để tận dụng được cơ hội và hạn chế thách thức do CMCN 4.0 mang lại, đồng thời chủ động tham gia CMCN 4.0, Việt Nam cần ban hành một cách đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến CMCN 4.0, trong đó hệ thống chính sách thuế và tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc huy động, phân bổ nguồn lực và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào cuộc CMCN 4.0; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ngày 9/3/2018, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ về việc triển khai ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính – ngân sách với mục tiêu “Bộ Tài chính chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc CMCN 4.0, xây dựng nền tảng quản trị thông minh, cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số. Đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái tài chính số. Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.”
Chia sẻ tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng, thế giới đang bước vào cuộc CMCN 4.0, nền kinh tế số và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế tất yếu đó.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, vấn đề quan trọng nhất của chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam xoay quanh 1 từ, đó là “dữ liệu”. Nói một cách đơn giản: Nếu chưa có dữ liệu, cần tạo ra dữ liệu, lưu trữ dữ liệu. Nếu đã có dữ liệu nhưng chưa sử dụng được, cần phải áp dụng công nghệ, đầu tư nhân lực để sử dụng được dữ liệu. Nếu đã có dữ liệu và đã sử dụng được, cần xem xét đến việc chia sẻ và bảo vệ được các dữ liệu này, từ đó tạo động lực phát triển cho nhiều ngành nghề khác, cho toàn xã hội và người dân.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, việc chuyển đổi số sẽ diễn ra “không hề êm ả”. Thách thức đối với chuyển đổi số tại Việt Nam sẽ là nguồn lực và kỹ năng; văn hóa và nhận thức; an toàn, an ninh mạng. Cho dù Việt Nam có tiến hành chuyển đổi số hay không thì khi “đoàn tàu” CMCN 4.0 đến, chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Hội thảo Vietnam Finance 2018 bao gồm Phiên Báo cáo toàn thể và 03 Phiên Chuyên đề với sự tham gia của 25 diễn giả trong nước, quốc tế. Chuyên đề 1 có chủ đề “Chuyển đổi số trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước” tập trung thảo luận về định hướng nghiệp vụ ứng dụng công nghệ 4.0, góc nhìn kinh nghiệm chuyển đổi số với hệ thống thông tin tích hợp tài chính công… Chuyên đề 2 có chủ đề “Chuyển đổi số trong lĩnh vực Hải quan” thảo luận các nội dung như: Kế hoạch ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực Hải quan; góc nhìn chuyển đổi số trong cơ quan chính phủ với kinh nghiệm và quan điểm; ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý nhà nước về Hải quan… Chuyên đề 3 tập trung vào chủ đề “Chuyển đổi số trong lĩnh vực Thuế” đưa ra góc nhìn đa chiều trong xây dựng chính sách và thực tế triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở cấp Trung ương và địa phương với kinh nghiệm triển khai ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý thuế; Mô hình quản lý thuế và giám sát việc thu thuế nhà nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4…
Ngoài các chuyên đề hội thảo, khu vực triển lãm Vietnam Finance 2018 sẽ đem đến những trải nghiệm chân thực về các mô hình, các sản phẩm/giải pháp công nghệ thông tin hiện đại giúp thúc đẩy tiến trình xây dựng nền tài chính số./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()