Chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh: Tại sao người dân chưa mặn mà?
Mỗi ngày, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận gần 2.000 bệnh nhân đến khám và điều trị, nhưng số đặt lịch trước qua Tổng đài 19001902 từ 1/1/2022 đến 30/11/2022 mới chỉ có 9.255 người.
Những năm qua, ngành y tế đã có nhiều thay đổi trong việc ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là ở lĩnh vực khám chữa bệnh. Tuy nhiên, kết quả của tiến trình này vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục cả từ phía cơ sở y tế và người bệnh.
Khó tiếp cận vì chưa hiểu rõ
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay trong 2 năm vừa qua, ngành y tế đã đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong mọi mặt, nhất là lĩnh vực khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Cụ thể, Bộ Y tế đã triển khai thành công Đề án Khám, chữa bệnh từ xa và khai trương 1.000 điểm cầu trên cả nước. Đến nay, đề án đang được các địa phương tích cực triển khai với hàng vạn lượt người bệnh được tư vấn khám chữa bệnh từ xa.
Đề cập đến vấn đề này, Phó giáo sư Trần Danh Cường – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong khám và điều trị để giảm tải cho các bác sỹ. Bệnh viện trang bị hệ thống máy Monitor theo dõi tình hình các sản phụ được quy về một phòng trung tâm. Khi một sản phụ có bất thường gì, các y bác sỹ ở phòng trực đều có thể nhìn thấy ngay các thông số và máy kêu để ngay lập tức sang phòng sản phụ để theo dõi kịp thời.
Trong công tác khám chữa bệnh, bệnh nhân có thể đặt lịch khám bệnh/tư vấn qua số của tổng đài của bệnh viện. Tuy nhiên, thống kê của Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy số lượng bệnh nhân đặt hẹn lịch khám qua tổng đài vẫn rất ít.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Khánh – Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay chuyển đổi số là vấn đề mà bệnh viện đầu tư và muốn đẩy mạnh từ nhiều năm nay.
Từ 2020 đến nay, mỗi năm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đầu tư cho lĩnh vực công nghệ thông tin 100 tỷ đồng; trong đó Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp khoảng 3 tỷ đồng/năm, số tiền còn lại do nguồn ngân sách, vốn ODA và từ đề tài nghiên cứu.
Bệnh viện đã triển khai đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu, ứng dụng phương pháp quản trị tinh gọn tích hợp số hóa dịch vụ khám chữa bệnh,” với việc tự động chọn trình tự chẩn đoán hình ảnh theo phương pháp tối ưu, điều tiết người bệnh cho các phòng khám theo thuật toán hợp lý, để giảm tối đa thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Đây là điểm mới của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình khám chữa bệnh ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đẩy mạnh các giải pháp công nghệ thông tin trong việc quản lý, từ đặt lịch hẹn người bệnh khám và tái khám, số hóa bệnh án và sổ khám bệnh, phân luồng bệnh nhân để giảm chi phí, giảm thời gian chờ đợi, đến toàn bộ quy trình quản lý dược, để giảm tối đa việc nhầm lẫn, thất thoát và quá hạn thuốc.
Bệnh viện đã ứng dụng giải pháp công nghệ trong toàn chuỗi khám chữa bệnh và kết nối với các khâu: Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, ra y lệnh, chăm sóc, theo dõi điều trị, đặt hẹn, tư vấn, tái khám; đa dạng hóa các hình thức thanh toán không tiền mặt (POS, QR Code, ví điện tử, quẹt thẻ ngân hàng, chuyển khoản…). Ngoài việc đăng ký khám bệnh tại chỗ, nhiều năm qua, bệnh viện đã có tổng đài 19001902 đặt lịch khám, đăng ký online qua các ứng dụng đặt khám Bookingcare, Deepcare và đang xây dựng đăng ký qua App của bệnh viện nhằm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.
Thế nhưng, kết quả là mỗi ngày Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận gần 2.000 bệnh nhân đến khám và điều trị, song con số đặt lịch trước qua Tổng đài 19001902 từ 1/1/2022 đến 30/11/2022 mới chỉ có 9.255 người.
Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Khánh phân tích: “Việc đặt lịch trước vừa giúp bệnh nhân không mất thời gian chờ đợi, mà còn giúp bác sỹ chủ động hơn trong công việc, bệnh viện được giảm tải và có thể giải quyết được những bất cập trong quá trình khám chữa bệnh. Tuy nhiên, chưa đến 10.000 người đăng ký khám qua tổng đài trong năm 2022, cho thấy, bệnh nhân chưa mặn mà với việc này.”
Có nhiều nguyên nhân như người dân vẫn có thói quen đến tận nơi xếp hàng, không biết đến hình thức đăng ký online; cũng nhiều người chưa có điện thoại, không biết sử dụng điện thoại… dẫn đến hàng ngày vẫn có rất đông người đến xếp hàng tại bệnh viện từ 4-5h sáng để chờ khám. Bệnh viện cũng có nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng nhiều người vẫn mang tiền mặt đi và có thể xảy ra tình trạng mất cắp.
Do đó, theo bác sỹ Khánh, việc chuyển đổi số cũng cần phải từ cả hai phía mới hiệu quả. Bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đầy đủ, nhằm rút gọn quy trình khám chữa bệnh, nhưng người dân cũng phải có hiểu biết tương ứng về công nghệ thông tin mới có hiệu quả.
Nhiều hạn chế trong chuyển đổi số
Hưởng ứng Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình chuyển đổi số quốc gia, cũng như Quyết định số 505 của Thủ tướng về Ngày chuyển đổi số quốc gia, ngày 28/10/2022, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 2955 phê duyệt kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế.
Tầm nhìn đến năm 2030, ngành y tế đặt mục tiêu ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động để hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng thẳng thắn chỉ ra 5 hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh, đó là: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin còn chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý; Hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu còn rời rạc, chưa liên thông với nhau; An toàn thông tin và nhiều yêu cầu về công nghệ thông tin còn chậm triển khai; Nguồn lực dành cho công nghệ thông tin còn hạn chế; Sự phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn chưa đồng bộ…
Những hạn chế trên dẫn đến việc phát triển công nghệ thông tin tại các bệnh viện rất khác nhau giữa các bệnh viện công lập, tư nhân và giữa bệnh viện các tuyến.
Phó giáo sư Khánh cho hay trong xu hướng hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tại bệnh viện là nhiệm vụ quan trọng, nên được bệnh viện ưu tiên hàng đầu. Để đáp ứng nhu cầu quản lý tối đa của bệnh viện, kinh phí dành cho công nghệ thông tin phải rất lớn. Tuy nhiên, nguồn kinh phí của bệnh viện còn hạn hẹp, do giá viện phí chưa được tính đủ các yếu tố cấu thành, nên việc đầu tư cho công nghệ thông tin chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước và một phần từ Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp của bệnh viện.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tập trung xây dựng hướng dẫn chuyển đổi số khám chữa bệnh, quy trình triển khai bệnh án điện tử, bảo mật, an ninh an toàn dữ liệu; sửa đổi tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện theo hướng chuyển đổi số./.
Ý kiến ()