Chuyển đổi số trong giáo dục: Những lớp học trực tuyến thời COVID-19
Với gần 80% học sinh phổ thông được học trực tuyến và 50% cơ sở giáo dục đại học dạy từ xa do dịch COVID-19, Việt Nam đã được đánh giá rất tích cực trong việc áp dụng các hình thức học tập trực tuyến.
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong đó giáo dục là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên triển khai.
Với quy mô hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành giáo dục và đào tạo xác định, chuyển đối số có vai trò rất quan trọng để triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục-đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục.
Thực hiện tốt chuyển đổi số ngành giáo dục-đào tạo sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể đuổi kịp, thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển trên thế giới.
TTXVN trân trọng giới thiệu chùm bài viết “Nỗ lực chuyển đổi số trong giáo dục” nhằm ghi nhận những kết quả đã đạt được cũng như những giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục-đào tạo.
Bài 1: Những lớp học trực tuyến thời COVID-19
Với gần 80% học sinh phổ thông được học trực tuyến và 50% cơ sở giáo dục đại học dạy từ xa trong thời gian tạm dừng đến trường do dịch COVID-19, Việt Nam đã được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá rất tích cực trong việc áp dụng các hình thức học tập trực tuyến. Có thể thấy, dịch COVID-19 đã tạo áp lực nhưng cũng vô tình tạo cơ hội và động lực để ngành giáo dục-đào tạo thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến và thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học
Sáng 1/2 – ngày đầu tiên học sinh Hà Nội phải nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19 khi một số ca bệnh xuất hiện trở lại trong cộng đồng, cô trò lớp 3A4, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn bước vào tiết học môn tiếng Việt lúc 8 giờ như thường lệ, nhưng theo một phương thức khác – học trực tuyến qua Internet.
Cô Nguyễn Thu Nga bắt đầu buổi học bằng việc điểm danh các học sinh đã có mặt trên màn hình máy tính đồng thời nhắn tin vào nhóm của lớp trên mạng xã hội để thông báo với phụ huynh một số học sinh chưa online.
Sau vài phút ổn định kỷ luật, nhắc nhở quy chế lớp học, cô-trò bắt đầu vào tiết học. Cả lớp cùng nhau đọc bài mới, cùng chữa các phiếu bài tập về nhà trong không khí sôi nổi, không khác nhiều so với những tiết học trực tiếp trên lớp.
Cô Thu Nga gọi từng học sinh trả lời câu hỏi rồi gọi bạn khác nhận xét về câu trả lời của bạn. Mỗi tiết học kéo dài 40 phút, học sinh được nghỉ 15 phút rồi bước vào tiết học tiếp theo. Mỗi buổi học thường gồm 2-3 tiết học tương ứng với 2-3 môn học.
Thời gian học của học sinh cũng là thời gian phụ huynh đi làm nên đa phần các em không có sự trợ giúp của người lớn. Song hầu hết học sinh thao tác khá thành thạo với các lệnh trên phần mềm học trực tuyến như đăng nhập, tắt, mở tiếng, giơ tay xin phát biểu, gõ câu trả lời trên chatbox…
Để có được sự chủ động trong việc dạy và học trực tuyến như vậy, học sinh Trường Tiểu học Lý Thái Tổ đã có 3 tháng học trực tuyến trong học kỳ 2 của năm học 2019-2020. Nếu như thời gian đầu, khi dịch COVID-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, nhà trường cùng các thầy, cô giáo, học sinh chưa từng tham gia vào các tiết học trực tuyến nên còn bị động, lúng túng thì nay, việc chuyển hướng từ học trực tiếp trên lớp sang học trực tuyến tại nhà đã được thực hiện khẩn trương, nền nếp.
Ngay sau khi có văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày 31/1 về việc cho học sinh tạm dừng đến trường để phòng chống dịch COVID-19 và thực hiện dạy học qua Internet, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch học tập.
Giáo viên chủ nhiệm các lớp đã chia nhỏ sỹ số lớp học thành 2 nhóm để học thành 2 buổi (sáng-chiều) nhằm đảm bảo đường truyền kết nối và chất lượng của buổi học đồng thời gửi thời khóa biểu tới các phụ huynh để giúp con em mình nắm bắt được kế hoạch học tập và thực hiện đúng yêu cầu của giáo viên. Việc học trực tuyến diễn ra ngay từ ngày 1/2 nên chương trình học không bị gián đoạn.
Với việc chia nhỏ lớp, giáo viên cũng thuận lợi trong việc quản lý học sinh trong giờ học, nhắc nhở các em không phân tâm mà tập trung vào bài học. Trong các giờ học trực tuyến, học sinh không chỉ nghe giảng, chép bài mà còn có thể tương tác, trao đổi cùng thầy cô và các bạn hoặc tham gia những trò chơi giải trí qua mạng internet dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Những tiết học trực tuyến tại Trường Tiểu học Lý Thái Tổ chỉ là một dẫn chứng nhỏ trong số vô vàn lớp học đã diễn ra ở hầu khắp các trường học tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đại dịch COVID-19 bùng phát, với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học,” các nhà trường nhanh chóng chuyển sang tổ chức dạy học trực tuyến. Nhờ đó, toàn ngành đã hoàn thành nhiệm vụ năm học, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh và giáo viên trước đại dịch.
Cụ thể, 80% trường phổ thông áp dụng hình thức dạy học trực tuyến, 240 cơ sở đại học đào tạo online theo các mức độ khác nhau; trong đó, 79 cơ sở tổ chức quản lý và dạy học hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Việc ứng dụng hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) có khả năng quản lý được quá trình tổ chức dạy-học, kiểm tra đánh giá trực tuyến cũng được nhiều trường áp dụng.
Có thể khẳng định, giáo dục đã thay đổi rất nhiều nhờ công nghệ. Công nghệ có thể giúp một cô giáo ở một trường học miền núi xa xôi đưa học sinh của mình “đi du lịch” khắp năm châu, giao tiếp với những người bạn ngoại quốc thông qua nhiều tiết học xuyên biên giới. Với điện thoại hoặc máy tính được kết nối mạng, cả giáo viên và học sinh đều có thể tiếp cận với kho tri thức của nhân loại chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Với công nghệ thực tế ảo, thầy và trò có thể mô phỏng được những thí nghiệm phức tạp, đắt đỏ mà nguồn lực đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm tại các nhà trường còn khó khăn. Cũng chính nhờ sự trợ giúp của công nghệ mà trong đại dịch COVID-19, học sinh tạm dừng đến trường nhưng vẫn không ngừng học.
Biến thách thức thành cơ hội
Ấn tượng với những nỗ lực và phản ứng nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam nhấn mạnh những giải pháp đưa ra rất nhanh và hiệu quả, hành động hết sức khẩn trương, tạo điều kiện cho dạy-học trực tuyến nhằm duy trì hoạt động học tập của học sinh.
Theo bà Rana Flowers, chính những khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, vấn đề học trực tuyến lại là khởi đầu của đổi mới và chúng ta cần tìm ra những giải pháp để thúc đẩy hơn nữa học tập trực tuyến, chuyển đổi số trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đổi mới giáo dục-đào tạo, cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ngành giáo dục-đào tạo phải đổi mới toàn diện hơn nữa.
Giáo sư Fernando Reimers của Trường Đại học Harvard cũng đánh giá cao những nỗ lực của ngành giáo dục Việt Nam trong giai đoạn dịch COVID-19. Trong thời điểm khó khăn, những giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đưa ra rất quan trọng khi trường học không thể hoạt động bình thường.
Giáo sư Fernando Reimers đã cộng tác với nhiều cộng sự ở các nước trên thế giới để thực hiện một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về những bài học thực tiễn mà nền giáo dục các nước đã làm tốt trong đại dịch COVID-19. Việt Nam là một trong các quốc gia được lấy làm ví dụ để các nước khác có thể học hỏi kinh nghiệm.
Theo giáo sư Reimers, Việt Nam không chỉ thể hiện cam kết đảm bảo mọi trẻ em được tiếp tục việc học (ngay cả khi không đến trường) mà còn nỗ lực trong các sáng kiến và hành động hướng tới mọi đối tượng học sinh, từ những em dễ tiếp cận đến các em khó có thể tiếp cận nhất.
Trong thời gian đại dịch COVID-19, Việt Nam đã xem thách thức này là cơ hội để thay đổi ưu tiên trong chương trình học, cùng nhận định các kỹ năng cần thiết, từ đó cân bằng lại chương trình, giáo trình học một cách toàn diện hơn.
Phó giáo sư, tiến sỹ Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng ban phụ trách, Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng ngành giáo dục-đào tạo đã có thành tựu khá cơ bản: hầu hết giáo viên có kỹ năng giảng dạy với sự trợ giúp của công nghệ. Các nhà trường đã có Internet và máy tính. Bài giảng số hóa đã xuất hiện ở hầu hết nhà trường. Người dạy, người học bước đầu quen với dạy học trực tuyến. Trên Internet, có nhiều nhà cung cấp dịch vụ, nội dung, chương trình dạy học. Điều đó cho thấy chuyển đổi số đã thâm nhập và khẳng định tính cần thiết trong toàn ngành. Đây thực sự là những nền tảng quan trọng cho một quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ mà chúng ta đang chuẩn bị triển khai.
Thực tế đã chứng minh chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ giúp thay đổi phương pháp dạy và học mà nó tạo ra sự thích ứng nhanh chóng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đặc biệt, giúp cho thầy và trò phát huy được tối đa khả năng tư duy, sáng tạo, chủ động.
Tuy nhiên, dù đã có khởi đầu khá thuận lợi nhưng để thực hiện chuyển đổi số, ngành giáo dục và đào tạo cần có những bước đi bài bản, đồng bộ mới có thể đạt mục tiêu trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục-đào tạo./.
Ý kiến ()