Chuyển đổi số trong du lịch còn nhiều hạn chế
Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch, hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đã có nhiều giải pháp thích ứng, nhưng nếu chỉ dựa vào nỗ lực của từng doanh nghiệp, cơ quan thì chưa thể hiệu quả như mong muốn.
Thời gian qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Google để ra mắt dự án “Google Arts & Culture: Kỳ quan Việt Nam” – bảo tàng số lưu giữ và quảng bá các giá trị tinh hoa văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, du lịch trên toàn cầu. Chương trình truyền thông bằng video clip trên nền tảng số YouTube có chủ đề “Việt Nam: Đi để yêu!” với sự hỗ trợ ban đầu của Google vinh dự được trao Giải Nhì tại Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ VIII năm 2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Cùng với đó là nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam trên các website, mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, Instagram, Zalo, Viber…
Tại Hà Nội, trong vài năm gần đây, nhiều đơn vị đã có sự nhập cuộc tích cực trong chuyển đổi số để thu hút du khách. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Di tích Nhà tù Hỏa Lò… đều có các triển lãm trực tuyến. Đặc biệt, công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không chỉ hấp dẫn khách tham quan mà còn được giới chuyên môn đánh giá cao.
Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, đến nay, thành phố đã triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu toàn ngành du lịch (dulich.myhanoi.vn) và đưa vào khai thác từ đầu năm 2023. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch về lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến du lịch trên địa bàn Hà Nội tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh…
Thông tin từ Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, sau khi Đề án Du lịch thông minh giai đoạn 2020-2030 đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt, Sở đã xây dựng và triển khai nhiều dự án, kế hoạch, trong đó có chuyển đổi số trong công tác điều hành, quản lý nhà nước về du lịch. Một trong những thành công nổi bật của thành phố là thực hiện ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch, trong đó có ứng dụng công nghệ cao quét 3D từ trên cao và Bản đồ Du lịch tương tác thông minh 3D/360 TP Hồ Chí Minh với tính năng có hướng dẫn viên ảo tại các điểm đến đã quét hình ảnh 3D, dữ liệu video, hình ảnh 2D, audio ngôn ngữ Việt Anh về các điểm đến đã quét, hệ thống tour tự động theo các chương trình tour của các doanh nghiệp lữ hành đã thiết kế.
Ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch cũng được nhiều địa phương khác đẩy mạnh với nhiều thành công nổi bật như TP Đà Nẵng với hệ thống trang web, cổng thông tin du lịch đa ngôn ngữ, ứng dụng Danang FantasticCity, Chatbot – trợ lý ảo tương tác với du khách, ứng dụng VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng”… Quảng Bình rất thành công với dự án đưa hình ảnh ra thế giới thông qua ảnh 360 độ của National Geographic. Sa Pa cũng có ứng dụng công nghệ 3D cung cấp thông tin, dịch vụ du lịch ảo đối với những điểm du lịch do thị xã Sa Pa trực tiếp quản lý, triển khai phần mềm phản ánh hiện trường cung cấp các kênh tương tác của chính quyền với người dân…
Tuy nhiên, chuyển đổi số trong du lịch còn nhiều hạn chế. Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, trong quá trình xây dựng Đề án Du lịch thông minh TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2030, thành phố thực hiện nghiên cứu thực trạng chuyển đổi số du lịch của TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh, thành khác trên cả nước. Kết quả cho thấy, du lịch các tỉnh, thành đang xây dựng du lịch thông minh ở nhiều cấp độ khác nhau.
Tuy có những xúc tiến ban đầu song việc triển khai du lịch thông minh ở các tỉnh, thành tiêu biểu du lịch trên cả nước vẫn còn mang tính cục bộ và còn dừng lại ở sự đầu tư rời rạc một số ứng dụng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, kinh doanh nhỏ lẻ nên khả năng tài chính chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao, khả năng tiếp cận du lịch thông minh của các doanh nghiệp này còn thấp. Chưa có kết nối dữ liệu trực tuyến dùng chung nên vẫn chưa đạt được mục tiêu quan trọng của du lịch thông minh là tạo được sự kết nối đồng bộ giữa các yếu tố trong hệ sinh thái du lịch, mang lại tiện ích cho du khách.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành du lịch cũng cần nhìn nhận quá trình chuyển đổi số của ngành vẫn còn nhiều rào cản, hạn chế. Đó là sự manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc trong quá trình triển khai dẫn đến khó hình thành một hệ sinh thái thống nhất, đồng bộ trong toàn ngành. Do trình độ phát triển khác nhau nên còn có cự chênh lệch về công nghệ số tại nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, ngành du lịch còn có sự thiếu hụt nguồn lực về công nghệ hiện đại, tài chính và nhân lực số có đầy đủ kiến thức, kỹ năng phù hợp. Các giải pháp và nền tảng, hạ tầng công nghệ số còn chưa đầy đủ. Dữ liệu chưa được cập nhật đầy đủ từ nhiều nguồn khác nhau… Do đó, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi sự quyết liệt, đổi mới cả trong tư duy lẫn hành động của toàn ngành Du lịch, từ vai trò của cơ quan quản lý, cũng như sự cố gắng, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương.
Nguồn:https://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/chuyen-doi-so-trong-du-lich-con-nhieu-han-che-i706643/
Ý kiến ()