Chuyển đổi số thành công có thể đóng góp tăng trưởng 1.000 tỷ USD vào tổng GDP của ASEAN trong 10 năm
Mặc dù nền kinh tế số ASEAN đang bị coi là tụt hậu, nhưng nếu áp dụng thành công chương trình chuyển đổi số có thể đóng góp tăng trưởng 1.000 tỷ USD vào tổng GDP của ASEAN trong 10 năm tới, giúp ASEAN vươn lên dẫn đầu về khả năng cạnh tranh toàn cầu với vị thế là một trong những trung tâm sáng tạo số hàng đầu thế giới.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Chuyển đổi số Việt Nam 2022 với chủ đề “Nâng cao nguồn nhân lực số”, do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị tổ chức ngày 29/11 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu Kearney, các quốc gia thành viên ASEAN đang tích cực thực hiện từng bước vững vàng trong hành trình chuyển đổi số. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng chưa từng thấy trong nhu cầu về kỹ năng số, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ sinh thái giáo dục đào tạo thuận lợi cùng khả năng phát triển nguồn nhân lực số.
Tại Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố rất quan trọng đảm bảo thành công của chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, chiến lược phát triển nhân lực cho chuyển đổi số, như Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 80% người lao động được trang bị kỹ năng số, đến 2030 là 90%; Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, xác định mục tiêu chung tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số; phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Tại Hội nghị, các chuyên gia cho rằng, với nhu cầu chuyển đổi số ngày càng gia tăng, sự phát triển như vũ bão của các công nghệ, các hoạt động đào tạo cũng cần phải được đổi mới, phù hợp với nhu cầu dạy và học đang ngày càng thay đổi, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo “Sinh viên và công nghệ 2022: Tái cân bằng trải nghiệm người học” của Educause, xu hướng hành vi của người học đang thay đổi rất nhanh trong 2 năm qua. Theo đó, phương thức học trực tuyến đang ngày càng được ưa thích hơn.
Cụ thể, theo khảo sát trước ngày 11/3/2020, chỉ 4% đối tượng được khảo sát cho biết, họ muốn phương thức chủ yếu học online, tuy nhiên, con số này đã tăng lên 9% vào năm 2022. Trong khi đó, số người muốn học online hoàn toàn năm 2022 là 20%, trước đó, con số này chỉ 5% năm 2020.
Với thực tế này, Hội nghị đã tập trung thảo luận về những thay đổi quan trọng trong phương pháp đào tạo, phát triển của công nghệ giáo dục cũng như tầm quan trọng của học tập suốt đời, chương trình nâng cao và tái đào tạo năng lực đối với việc cải thiện kỹ năng số và khả năng cạnh tranh kỹ thuật số trong khu vực.
Đồng thời, các đại biểu cũng được tiếp cận những ý tưởng mới cũng như lợi ích của mô hình tài chính tân tiến và thúc đẩy mối quan hệ ba bên trong việc tái định hình hệ thống giáo dục, góp phần nâng cao giáo dục và nghề nghiệp toàn diện với chi phí phải chăng cho cộng đồng.
Cũng tại Hội nghị, Liên minh Kỹ năng số đã được thành lập với mục tiêu thu hẹp khoảng cách kỹ năng số, nhằm thiết kế chương trình giảng dạy dựa trên năng lực, học đi đôi với hành, ứng dụng công nghệ, kết nối sinh viên với nhà tuyển dụng, tăng thu nhập, hướng tới quá trình chuyển đổi số toàn diện tại Việt Nam.
Hội nghị này cũng là sự kiện đồng hành của chương trình Kế hoạch tổng thể ASEAN Số đến năm 2025, lộ trình thực hiện Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực, tập hợp các cơ quan chuyên ngành, cơ sở giáo dục đại học, đơn vị tư nhân và các cơ quan đồng hành để cùng cải tiến nền giáo dục nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ năng số tại Việt Nam và các nước ASEAN.
Ý kiến ()