Chuyển đổi số sẽ giúp báo chí gần gũi và phục vụ bạn đọc tốt hơn
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2022 tại Hà Nội, sáng 14-4 đã diễn ra Diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn”.
Tại diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhận định, chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Chuyển đổi số với rất nhiều thay đổi về công nghệ làm báo, với rất nhiều thay đổi hành vi của độc giả, không còn cách nào khác ngoài tích cực đi theo con đường số hóa và chuyển đổi số.
Chuyển đổi số trước hết là sự thay đổi tư duy và xây dựng nội dung báo chí
“Nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số. Nhiều cơ quan cho rằng đầu tư về trang thiết bị, phần mềm, công nghệ là đã đi trên con đường chuyển đổi số, nhưng thực ra không phải vậy. Chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người và tư duy, không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới mẻ, tạo ra những thông tin mới mẻ, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số”, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Đồng chí Lê Quốc Minh chia sẻ tại diễn đàn. |
Đồng chí Lê Quốc Minh đánh giá chuyển đổi số có nhiều yếu tố, nhưng lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn. Bên cạnh đó, để đáp ứng và theo kịp xu hướng chuyển đổi số, các tòa soạn cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ sáng tạo nội dung, cũng như tạo ra môi trường để phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược và tiêu chí cơ quan mong muốn.
Chuyển đổi số không phải khi đạt được 1 chu kỳ sẽ dừng lại mà phải liên tục đổi mới không ngừng. Thậm chí, cả các cơ quan chủ lực cũng mới chỉ xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế số, chuyển đổi số ở giai đoạn đầu, cần có những chiến lược cụ thể hơn. Chỉ khi có chiến lược tốt thì quá trình thực hiện mới thực sự đạt được những kết quả quan trọng. Để chuyển đổi số cần có sự đồng bộ từ những người xây dựng chiến lược đến những người trực tiếp triển khai, thậm chí từng phóng viên phải thấm nhuần tư duy về chuyển đổi số thì quá trình này mới có thể thành công.
Báo chí phải theo sát và phục vụ bạn đọc trên môi trường số
Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người và tư duy. Cần phải xác định “bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó”.
Theo nhà báo Lê Xuân Trung, Phó tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh, khi bạn đọc lên mạng, đặc biệt là trong giai đoạn giãn cách vì Covid-19 vừa qua, bạn đọc lên mạng, sống toàn bộ trên mạng thì báo chí phải lên mạng. Vì vậy, báo chí muốn lên mạng thì cần phải chuyển đổi số.
Trong quá trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí cần phải vượt qua 3 thách thức lớn cần đối mặt để giải quyết là: Công nghệ, chi phí đầu tư; con người. Nhà báo Lê Xuân Trung cho rằng, nếu không có công nghệ phù hợp thì không thể chuyển đổi số hiệu quả. Trong đó thách thức quan trọng nhất là con người, bộ máy: “Khi Tuổi Trẻ muốn chuyển đổi số mà năng lực đội ngũ, năng lực lãnh đạo, điều hành không thể chuyển đổi số được thì dù có được đầu tư công nghệ phù hợp thì chưa chắc đã thực hiện được”.
Hàng loạt các giải pháp, tham luận được các nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí đưa ra để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số dựa trên kinh nghiệm thực tế. |
Theo nhà báo Lê Xuân Trung, có 3 phương án để giải quyết về thách thức con người đáp ứng với chuyển đổi số. Thứ nhất là tuyển người, thứ hai là thuê ngoài, thuê công ty công nghệ và thứ 3 là dung hòa hai phương án trên.
“Đa số nhà báo của chúng ta chưa được phổ cập và đào tạo kỹ năng công nghệ để có thể làm báo theo xu hướng mới”, ông Trung cho biết.
Nhà báo Lê Xuân Trung cho rằng, phương án dung hòa là phương án tốt nhất hiện nay, đó là tự chủ một phần công nghệ bằng lực lượng tại chỗ và thuê ngoài những việc cần thiết để đảm bảo hiệu quả quản lý lẫn vốn đầu tư. Lực lượng tại chỗ chịu trách nhiệm vận hành chuyển đổi số và nghiên cứu, đề xuất những ứng dụng mới, giải pháp mới, sản phẩm mới.
Phó tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh đánh giá, muốn chuyển đổi số thành công cần giải quyết vấn đề bảo vệ bản quyền riêng của các cơ quan báo chí: “Tác phẩm báo chí là tài sản sống còn của các cơ quan báo chí nên đương nhiên phải được bảo vệ, không xâm phạm lẫn nhau”.
Đông đảo cơ quan báo chí tham gia diễn đàn. |
Khi một tác phẩm vừa đăng tải ngay lập tức đã bị phân tán, chia sẻ khắp nơi, như vậy các cơ quan báo chí sẽ không thể đủ nguồn lực để đầu tư làm ra các sản phẩm báo chí có chất lượng, mang bản sắc riêng. Các báo cần cam kết bảo vệ bản quyền để mỗi báo thể hiện các tác phẩm theo các bản sắc khác nhau, như vậy, các báo sẽ chạy đua để nâng cao chất lượng thay vì số lượng.
Ý kiến ()