Chuyển đổi số quốc gia: Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình về Chuyển đổi số quốc gia (CĐSQG). Chuyển đổi số đã được xác định sẽ tạo ra dư địa cho phát triển.
Mấy năm qua, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả rõ nét, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, để chuyển đổi số nhanh chóng đạt hiệu quả cụ thể, thiết thực hơn nữa, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành.
Chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó cục trưởng Cục CĐSQG, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) cho biết: “Tính đến nay, chương trình CĐSQG đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tính đến tháng 6-2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Tuy nhiên, con số này vẫn còn cách khá xa mục tiêu đặt ra tới năm 2025 là 20% GDP. Cả nước đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương thành lập ban chỉ đạo về chuyển đổi số. Công cuộc chuyển đổi số đã và đang lan tỏa tới tất cả các cấp, các ngành; 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn ban chỉ đạo chuyển đổi số”.
Các cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai, đây là điều kiện tiên quyết để triển khai Chính phủ số; trong đó, đáng chú ý là CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc; Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp với 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp truy cập thuận tiện (một cửa) đến dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước các cấp… Ngoài ra, các CSDL quốc gia khác như: Bảo hiểm, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp đã đi vào vận hành ổn định, đang mang lại hiệu quả tích cực. CSDL quốc gia về đất đai đang được tích cực triển khai; bước đầu thí điểm chia sẻ thông tin dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư.
Thầy giáo dạy tin học cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Nàn Sín ở xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. |
Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an): Việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chip (hiện đạt 71,8 triệu thẻ) mở ra cơ hội mới trong ứng dụng phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bộ Công an cũng đã triển khai xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử, chính thức cấp tài khoản định danh điện tử, đưa hệ thống vào vận hành kể từ ngày 18-7-2022. Việc ứng dụng tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh xác thực điện tử là bước cải cách đột phá về thủ tục hành chính. Giao dịch điện tử tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế rất to lớn, như tiết kiệm 5.385 tỷ đồng tiền phát hành 107,7 triệu thẻ ATM hiện đang sử dụng khi triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân để thay chức năng của thẻ ATM.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà
Một trong những trở ngại lớn nhất để thực hiện chuyển đổi số là thiếu kỹ năng số. Để bồi dưỡng kỹ năng số hiệu quả cho gần 100 triệu người dân Việt Nam, Bộ TT và TT đã triển khai nền tảng học trực tuyến mở đại trà tại địa chỉ website: onetouch.mic.gov.vn. Cho đến nay, bộ đã triển khai 5 khóa học về chuyển đổi số cho lực lượng chuyên trách, lực lượng nòng cốt chuyển đổi số, cán bộ cấp xã và cho tổ công nghệ số cộng đồng. Bộ cũng hoàn thành thiết lập Cổng CĐSQG tại địa chỉ website: dx.gov.vn. Đây là nơi cung cấp thông tin hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số.
Đặc biệt, Bộ TT và TT đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng ở từng thôn, bản, nòng cốt là thanh niên, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hướng dẫn từng người dân sử dụng các nền tảng số. Đây là một trong những giải pháp đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT và TT trong triển khai chuyển đổi số năm 2022. Tính đến ngày 31-8-2022, cả nước thành lập được 45.895 tổ công nghệ số cộng đồng tại 51/63 tỉnh, thành phố với 211.737 thành viên. Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của ban chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội.
Đơn cử đến nay, Bắc Giang đã thành lập 209 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 3.870 thành viên; ở cấp thôn thành lập được 921 tổ với 3.100 thành viên. Ở cấp xã, các tổ công nghệ số cộng đồng Bắc Giang có từ 10 đến 18 người, cấp thôn có từ 5 đến 7 người, với nòng cốt là đoàn viên, thanh niên. Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền sâu rộng những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến từng gia đình, người dân. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản, như: Định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia…
Dịch vụ công thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn
Chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân và chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Do đó, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình CĐSQG, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan tới Chiến lược CĐSQG. Cần phải phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số.
Mới đây tại Chương trình Ngày CĐSQG, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Để đẩy mạnh CĐSQG, Thủ tướng đề nghị cần nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến. Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐSQG giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ. Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của CĐSQG. Các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến…
Giảm thiểu rủi ro trên không gian mạng
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT và TT cho rằng: Bảo đảm an toàn thông tin là yếu tố sống còn của chuyển đổi số. Mỗi người dân được trang bị kỹ năng số cơ bản về an toàn thông tin, để tự bảo vệ mình, người thân của mình khỏi các nguy cơ tấn công, lừa đảo và các nguy cơ khác trên không gian mạng. Do đó, Bộ TT và TT đã phát động Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng năm 2022. Đây là chiến dịch vì cộng đồng, hướng tới tất cả cá nhân, doanh nghiệp; ngăn chặn tình trạng các website, máy chủ của Việt Nam thực hiện tán phát mã độc, tham gia vào hạ tầng điều khiển các mạng botnet (mạng lưới các thiết bị máy tính đã bị chiếm quyền điều khiển được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công mạng) gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh Việt Nam trên không gian mạng. Đặc biệt, trong tháng 10-2022, hưởng ứng Ngày CĐSQG (10-10), Bộ TT và TT đã tổ chức phát động Chương trình “Tháng 10-tháng tiêu dùng số” hướng tới mục tiêu để người dân được thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số.
Ý kiến ()