Chuyển đổi số ở địa bàn khó khăn
Chương trình chuyển đổi số được triển khai hơn một năm qua tại một số xã thuộc địa bàn khó khăn đã có nhiều thay đổi toàn diện, tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Chương trình cũng giúp chính quyền địa phương nâng cao chỉ số cải cách hành chính, phương thức điều hành, hoạt động hiệu quả hơn trước.
Triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp một số tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy thí điểm chuyển đổi số tại 11 xã trong cả nước, chủ yếu là các xã khó khăn triển khai chương trình “Xây dựng xã thông minh”. Theo đó, Chương trình tập trung xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, nhằm phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình trên quy mô toàn quốc.
Ba trụ cột của chuyển đổi số
Ngày 15/12/2020, Trạm Y tế xã Vi Hương (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) thí điểm khám, chữa bệnh từ xa theo chương trình chuyển đổi số của Bộ Y tế. Nhờ chương trình này, một bệnh nhân cao tuổi của xã được PGS,TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện (BV) Ðại học Y Hà Nội tư vấn chữa bệnh từ xa. Trưởng Trạm Y tế xã Vi Hương Nguyễn Ðông Dũng cho biết, Trạm được trang bị thiết bị y tế thông minh Telehealth và nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để truyền nhận âm thanh, hình ảnh kết nối với các BV đầu ngành trên cả nước. Nhờ nền tảng này, cán bộ y tế xã có thể theo dõi trực tiếp các ca chữa bệnh và tư vấn của bác sĩ tại các điểm cầu BV trong nước để học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ. Xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cũng được triển khai hạng mục y tế thông minh, chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh từ xa. Ông Hồ Văn Kiệt ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng cho biết, thông qua ứng dụng Medici được tải về điện thoại thông minh, ông đã gọi điện thoại video nhờ bác sĩ tư vấn khám bệnh. Nhiều người dân trong xã, nhất là các thanh niên trẻ đã chọn tư vấn, hỏi đáp trực tuyến với những bác sĩ uy tín ngay trên ứng dụng này, không phải đến BV khám bệnh trong đợt dịch Covid-19.
Trước đây, internet là khái niệm xa vời với người dân ở những địa bàn khó khăn, thì nay, chỉ cần có máy tính, điện thoại thông minh là người dân có thể lướt web đọc báo, tra cứu thông tin, học tập… Tại xã Vi Hương (tỉnh Bắc Kạn), hai thôn Thủy Ðiện và Cốc Thốc xa trung tâm xã nhất, nhưng nhờ được đầu tư hạ tầng công nghệ, các hộ dân có thể lắp thiết bị phát sóng wifi tại nhà, hộ ít có điều kiện hơn có thể sử dụng mạng 4G. Chị Lường Thị Hương Nhài, thôn Thủy Ðiện cho biết, trước đây muốn làm gì cũng khó vì thiếu thông tin, nhưng giờ, có mạng 4G, gia đình chị tra cứu, nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế, hoặc giúp các em học sinh học tập rất thuận lợi.
Chuyển đổi số giúp người dân các xã khó khăn đổi mới cách thức phát triển kinh tế. HTX Thương mại-Dịch vụ tổng hợp Nậm Ty, xã Nậm Ty (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) chuyên sản xuất chế biến chè Shan tuyết. Năm 2020, sản phẩm Bạch Trà Hà Chung của HTX được chứng nhận sản phẩm OCOP ba sao, đến tháng 7/2021, sản phẩm này được bày bán trên sàn thương mại điện tử của Viettelpost (Voso.vn). Ông Lương Văn Chung, Giám đốc HTX Thương mại- Dịch vụ tổng hợp Nậm Ty cho biết: “Khi lên sàn, thương hiệu Bạch Trà Hà Chung được quảng bá rộng rãi, sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi hơn”. HTX Thiên An (xã Vi Hương, tỉnh Bắc Kạn) chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc Dao được hỗ trợ xây dựng Fanpage giới thiệu các sản phẩm trên Facebook; kết nối các gian hàng trên các sàn Postmart, Tiki, Shopee… Chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX cho biết, từ khi được chuyển đổi số, trung bình mỗi tháng, HTX nhận khoảng 350 đơn hàng đặt online, chiếm đến 70% tổng số đơn hàng của HTX, bảo đảm việc làm cho từ 15 đến 20 lao động với thu nhập 4 triệu đồng/tháng.
Hạ tầng viễn thông hoàn thiện giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở quản lý, điều hành hiệu quả hơn. Tại xã Nậm Ty (tỉnh Hà Giang), Chi nhánh Viettel Hà Giang đầu tư mới hai trạm phát sóng di động, phủ sóng vùng lõm (tại thôn Nậm Phiên và thôn Ông Thượng), tắt các trạm phát sóng 3G đã lắp đặt trước đó để chuyển toàn bộ sang phát sóng 4G. Chủ tịch UBND xã Nậm Ty Hoàng Văn Tuyên cho biết: “Trước kia, khi triển khai văn bản chỉ đạo, cán bộ xã phải đi đến tận nơi thông báo cho cán bộ thôn, mất nhiều thời gian, công sức. Nhưng nay, tất cả các văn bản chỉ đạo, công việc đột xuất, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19, phòng chống thiên tai, lãnh đạo xã chỉ cần nhắn qua các nhóm Zalo là cán bộ thôn nắm được, triển khai ngay đến người dân”. Hiện nay, 100% cán bộ xã biết sử dụng và có máy tính cá nhân để xử lý công việc. Hầu hết các văn bản điều hành trong xã được ban hành trên môi trường mạng; các chức danh cán bộ chủ chốt đều thực hiện chữ ký số.
Khắc phục khó khăn để tiếp tục triển khai
Sau hơn một năm triển khai chương trình chuyển đổi số, xã Vi Hương (tỉnh Bắc Kạn), xã Hướng Phùng (tỉnh Quảng Trị) và một số xã thuộc tỉnh Thái Nguyên đạt nhiều kết quả nổi bật. Ở các xã khác, quá trình triển khai chậm hơn do nhiều nguyên nhân. Ở xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đến thời điểm hiện tại, phần lớn nội dung trong kế hoạch chuyển đổi số chưa thực hiện được. Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hiệu, huyện Phong Thổ là một trong các địa phương có nguy cơ cao về dịch Covid-19, phần lớn hoạt động dừng ở mức duy trì để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND xã Nậm Ty (Hà Giang) Hoàng Văn Tuyên cho biết: “Xã được chọn làm điểm về chuyển đổi số, nhưng lại không được cấp ngân sách để triển khai. Những việc đã triển khai trong thời gian vừa qua đều nhờ vào sự hỗ trợ của doanh nghiệp viễn thông. Do không có kinh phí, cho nên việc lắp đặt loa truyền thanh không dây thông minh; triển khai các ứng dụng về y tế số; ứng dụng về giáo dục thông minh… chưa thực hiện được.
Bên cạnh đó, nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin ở xã vùng cao chưa đáp ứng yêu cầu, kỹ năng ứng dụng công nghệ số của đại bộ phận người dân còn thấp. Ở xã Sin Suối Hồ (tỉnh Lai Châu), hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số như: điện lưới, sóng điện thoại, điện thoại thông minh, máy tính… chưa đầy đủ. Tỷ lệ người dân có điện thoại mới 56%, trong đó số người có điện thoại thông minh chỉ chiếm gần 20%.
Tuy còn nhiều khó khăn cần khắc phục, nhưng chính quyền và người dân ở các địa phương đều rất hào hứng đón nhận chương trình chuyển đổi số. Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) Ðặng Trọng Vân cho biết, mô hình xây dựng xã thông minh là cơ hội vàng cho các xã khó khăn trong thực hiện chiến lược phát triển toàn diện, được cán bộ và nhân dân đồng tình rất cao, bởi họ nhận thức được lợi ích to lớn mà mô hình xã thông minh mang lại. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn Hà Văn Tiến cho biết: Từ kết quả chương trình chuyển đổi số ở xã Vi Hương, Sở đang tham mưu xây dựng Ðề án chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và kinh nghiệm từ triển khai thí điểm ở xã Vi Hương sẽ là bài học quý báu để nhân rộng ra các xã, các cấp, các ngành trên địa bàn toàn tỉnh trong quá trình chuyển đổi số, nhằm tạo sự thay đổi toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội của tỉnh. Tỉnh Hà Giang cũng tìm cách làm riêng trong chuyển đổi số. Ðó là phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ đã có sản phẩm sẵn sàng giúp tỉnh chuyển đổi số một cách toàn diện. Tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác với Tập đoàn FPT để triển khai các nội dung chuyển đổi số, nhằm đưa Hà Giang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong việc chuyển đổi số sau 24 tháng. Tỉnh đang thảo luận phối hợp với Tập đoàn FPT để thực hiện chương trình “Du lịch qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” theo hình thức trực tuyến trên nền tảng số, dự kiến diễn ra trong tháng 9/2021.
Ý kiến ()