Chuyển đổi số mang lại nhiều tiện ích cho người thụ hưởng chính sách bảo hiểm
Gần 3,4 triệu người nhận lương hưu, trợ cấp hàng tháng được rà soát, xác thực để đồng bộ với cở sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đạt gần 100%). Chuyển đổi số đã mang lại nhiều tiện ích cho người thụ hưởng chính sách bảo hiểm.
Sáng 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Báo cáo về những kết quả và lợi ích chuyển đổi số mang lại trong lĩnh vực BHXH, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp để tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng, đảm bảo an toàn, kịp thời.
Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 97,6 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu (CSDL) do BHXH Việt Nam quản lý; trong đó có khoảng 87,4 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 98% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội) với CSDL quốc gia về dân cư.
Đặc biệt, gần 3,4 triệu người nhận lương hưu, trợ cấp hàng tháng được rà soát, xác thực để đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư (đạt gần 100%).
Trong bối cảnh Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 và Thủ tướng ký ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng, BHXH Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ các điều kiện cần thiết về dữ liệu, công tác truyền thông...để sẵn sàng chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng.
BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan bưu điện, ngân hàng, các địa phương thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng cho người hưởng đồng loạt trên phạm vi cả nước (trong ngày 1/7 đã chi trả cho hơn 70% người hưởng qua tài khoản và trực tiếp).
Thực hiện Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Kết quả, đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ người nhận lương hưu, trợ cấp hằng tháng qua việc chi trả không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị đạt 64% (vượt 4%, về đích trước 2 năm so với kế hoạch Thủ tướng giao).
Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an xác thực dữ liệu người hưởng với CSDL quốc gia về dân cư.
BHXH Việt Nam đã ký Quy trình phối hợp số 2286/C06-TCKT với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06)- Bộ Công an về việc triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm tăng tỷ lệ người nhận các chế độ BHXH qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời rà soát, xác thực người hưởng tình trạng của người hưởng tại nơi cư trú.
Để đảm bảo thực hiện đồng bộ, rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, cơ quan BHXH đã phối hợp với cơ quan công an tại địa phương, xuống tận cơ sở, từng nhà người dân để tiếp cận, vận động, tuyên truyền, khuyến khích người hưởng mở, đăng ký nhận chế độ qua tài khoản cá nhân.
Tính đến ngày 9/7/2024, có 74% người nhận hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt 12% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều địa phương đã đạt trên 75% số người hưởng nhận các chế độ BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân, như: Hà Tĩnh 99%, Hà Nội 95%, Bình Dương 89%, Bắc Ninh 80%, Tiền Giang 78% TP.HCM 75%,...
Như vậy, chuyển đổi số trong lĩnh vực BHXH đã mang lại nhiều tiện ích cho người hưởng, đảm bảo nhanh gọn, an toàn, thuận tiện.
Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nêu ví dụ cụ thể, trước đây, việc thực hiện chi trả chế độ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ đã được ngành BHXH Việt Nam thực hiện rất nhanh chóng, thuận tiện, chính xác nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số "từ sớm, từ xa".
Hiện nay, việc chi trả các chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH còn thực hiện nhanh hơn mà vẫn chính xác, đó là do hệ thống công nghệ thông tin của ngành BHXH Việt Nam đã được nâng cấp để kết nối trực tiếp với các ngân hàng, các lệnh chi được thực hiện trực tiếp từ hệ thống ứng dụng của BHXH Việt Nam sang hệ thống ngân hàng. Chỉ với một thao tác của các chủ tài khoản BHXH tỉnh ngay lập tức tiền sẽ được chuyển đến tài khoản của người hưởng.
Với những tiện ích này, cơ quan bảo hiểm cũng tiết kiệm chi phí quản lý, thời gian, tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng công tác quản lý người hưởng, đảm bảo chặt chẽ.
Ý kiến ()