Chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp
Qua hơn một năm rưỡi triển khai “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) với những kết quả tích cực, đã mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả. Có thể nói công tác chuyển đổi số đã tạo bước ngoặt trong nhiều hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thị sát điểm khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước và sinh trắc vân tay tại các cơ sở khám, chữa bệnh. (Ảnh TRUNG TÂM) |
Thời gian qua, bám sát sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp, quyết liệt, kịp thời các nội dung nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho cơ sở dữ liệu và các hệ thống thông tin của ngành; xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương; cập nhật, đồng bộ, xác thực thông tin người tham gia do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip; thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; triển khai cung cấp, liên thông các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến…
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay từ khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức và đang tiếp tục phối hợp Bộ Công an thực hiện chia sẻ, rà soát thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tính đến ngày 15/7/2023, hệ thống đã xác thực được 88.797.864 thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý (trong đó có hơn 80 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 91% tổng số người tham gia) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, hệ thống của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ 123.866.984 lượt bản ghi thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, qua theo dõi, thống kê trên cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý, đến ngày 15/7/2023, mới có 91% số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được cập nhật số định danh cá nhân, căn cước công dân và được xác thực, đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vẫn còn 9% chưa được xác thực đúng (tương đương với 7,5 triệu người tham gia).
Để hoàn thành mục tiêu, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có Công văn số 2159/BHXH-CNTT đề nghị giám đốc bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và bảo hiểm xã hội cấp huyện, chủ động hơn nữa trong việc phối hợp công an địa phương thực hiện rà soát, cập nhật số định danh cá nhân, căn cước công dân của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và xác thực, đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Đối với việc triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip; tính đến ngày 15/7/2023, toàn quốc đã có 12.519 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip (đạt 97,7% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc), với 32.585.579 lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Song song với việc triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, Bảo hiểm y tế Việt Nam vẫn đang tiếp tục triển khai sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thay cho bảo hiểm y tế giấy. Đến nay đã có gần 30 triệu tài khoản VssID, với hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên VssID phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Trước đây, khi chưa triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, người bệnh khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ phải lưu trữ, xuất trình thẻ bảo hiểm y tế hoặc hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID và giấy tờ tùy thân có ảnh để làm thủ tục khám, chữa bệnh; cán bộ y tế cũng phải tiếp nhận và kiểm tra các loại giấy tờ trên của người bệnh để thực hiện các nghiệp vụ.
Khi triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, người bệnh chỉ cần xuất trình một loại giấy tờ tùy thân là căn cước công dân gắn chip để làm thủ tục khám, chữa bệnh, giúp đơn giản hóa giấy tờ, tiết kiệm thời gian cho người bệnh và cán bộ y tế khi làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng giảm bớt chi phí in ấn thẻ bảo hiểm y tế, tăng tính chính xác và đồng bộ thông tin.
Về triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tính đến ngày 15/7/2023, hệ thống của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp nhận và xử lý gia hạn 18.218 thẻ bảo hiểm y tế thông qua dịch vụ công gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
Thực hiện liên thông đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng, tính đến ngày 15/7/2023, Bảo hiểm xã hội hai địa phương triển khai làm điểm là Hà Nam và Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết 45.534 hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và 1.576 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí được thực hiện qua hai nhóm dịch vụ công liên thông.
Với việc thực hiện một lần được ba thủ tục hành chính, đã giúp tiết kiệm 1,6 tỷ đồng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân. Tính đến ngày 15/7/2023, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 187.694 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Tính đến ngày 15/7/2023, hệ thống của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 2.664 giao dịch đăng ký, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện…
Có thể thấy, những kết quả đạt được trong triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 đã mang lại những thay đổi mang tính bước ngoặt trong các hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam số, theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, giúp giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội; các bộ, ngành, địa phương cũng được hưởng lợi từ việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; nâng cao tính chính xác và năng lực quản lý dựa trên dữ liệu; tạo điều kiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử.
Qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người dân. Đây cũng là tiền đề và động lực để ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()