Chuyển đổi số để xây dựng nhà trường thông minh
Chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và giáo dục-đào tạo (GD&ĐT) cũng không ngoại lệ. Thời gian qua, với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, Học viện Kỹ thuật quân sự (KTQS) đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng về CĐS, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Học viện KTQS theo định hướng đại học nghiên cứu, nhà trường thông minh (NTTM).
CĐS trong GD&ĐT là việc ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; cá thể hóa nội dung học tập bằng việc ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông minh.
Với mục tiêu phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, NTTM tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), từng bước nâng cao uy tín và tham gia xếp hạng đại học quốc tế, Học viện KTQS đã có nhiều chủ trương, giải pháp để thực hiện quá trình CĐS. Trước hết, học viện chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, học viên về tác động của CMCN 4.0, xu thế và sự cần thiết phải CĐS trong các hoạt động GD&ĐT, nghiên cứu khoa học. Học viện chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều kế hoạch dài hạn, quan trọng liên quan đến CMCN 4.0, xây dựng đại học nghiên cứu, NTTM. Theo đó, các chương trình, kế hoạch giai đoạn đã được học viện xây dựng chi tiết, phân trách nhiệm, chỉ tiêu cụ thể đến các đơn vị đầu mối và thường xuyên được đánh giá, cập nhật, đồng bộ hóa, điển hình như: Chương trình hành động của Học viện KTQS đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0 giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo; dự thảo Đề án quy hoạch phát triển Học viện KTQS đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kế hoạch phấn đấu đạt các tiêu chí về sau đại học của trường đại học nghiên cứu đến năm 2025… Căn cứ theo chương trình, kế hoạch của học viện, các cơ quan, khoa-viện-trung tâm đều phải xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch ở cấp mình.
Robot Vibot-2 do Học viện Kỹ thuật quân sự triển khai phục vụ trong khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: TRẦN TÂN. |
Quá trình xây dựng NTTM gắn kết chặt chẽ, có mối quan hệ tương hỗ với CĐS trong GD&ĐT. Không thể có NTTM nếu không thực hiện việc CĐS. Bởi vậy, thời gian qua, Học viện KTQS đã tích cực, chủ động thực hiện dự án “Đầu tư trang bị kỹ thuật, xây dựng NTTM tiếp cận công nghệ 4.0 tại Học viện KTQS” gồm 11 thành phần chính: Trung tâm chỉ huy điều hành; hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT); hệ thống ứng dụng CNTT thông minh; trung tâm học liệu; hệ thống đào tạo trực tuyến thông minh; hệ thống các phòng học thông minh; hệ thống thao trường, cơ sở thực hành; chương trình đào tạo; hệ thống kiểm tra, đánh giá chất lượng; hệ thống hợp tác trong nước và quốc tế; cơ chế vận hành hệ thống.
Công tác đào tạo dần thích ứng với CMCN 4.0 và định hướng CĐS được Học viện KTQS chú trọng. Thời gian qua, học viện đã xây dựng, thực hiện 5 chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo kỹ sư quân sự. Với việc thực hiện đồng bộ các chuẩn đầu ra, sản phẩm đào tạo của học viện sẽ có khả năng thích ứng tốt hơn với CMCN 4.0 cũng như quá trình CĐS nói chung. Bên cạnh đó, học viện chủ động mở mới các chuyên ngành đào tạo gắn với CMCN 4.0 như: An toàn thông tin, tác chiến không gian mạng, tự động hóa chỉ huy, phân tích dữ liệu…; đồng thời tập trung đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng ứng dụng sư phạm thông minh, kết hợp dạy học trên lớp và dạy học trực tuyến. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Học viện KTQS đã triển khai nhiều lớp học trực tuyến qua mạng truyền số liệu quân sự (TSLqs) và internet. Đây cũng là những cơ sở ban đầu để tiến tới tổ chức đào tạo E-learning đầy đủ trong thời gian tới. Cùng với đó, hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT từng bước được trang bị đồng bộ, đáp ứng yêu cầu CĐS, bảo đảm môi trường mạng ổn định và an toàn thông tin. Học viện đã triển khai xây dựng hạ tầng kết nối mạng TSLqs, trang bị máy tính tới 100% cấp ban, bộ môn, đại đội và tương đương, các trợ lý và nhiều nhân viên; xây dựng hệ thống camera giám sát lớp học kết nối về Phòng Điều hành huấn luyện qua hệ thống mạng nội bộ.
Ngoài ra, để góp phần thực hiện tốt việc CĐS, hoạt động khoa học và công nghệ cũng được học viện đẩy mạnh, bám sát nhu cầu của quân đội, Nhà nước và gắn với CMCN 4.0. Công tác thông tin khoa học quân sự thích ứng nhanh với quá trình CĐS, phục vụ hiệu quả công tác chỉ huy-điều hành, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Học viện đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế; tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác chỉ huy-điều hành, tổ chức-quản lý đào tạo, tổ chức-quản lý khoa học và công nghệ; nâng cao trình độ ngoại ngữ, CNTT cho cán bộ, giảng viên, học viên.
Từ thực tiễn và những kết quả ban đầu của quá trình xây dựng NTTM, CĐS giáo dục đại học, để có thể tiếp tục thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, Học viện KTQS mong muốn các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng sớm ban hành các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn chi tiết về CĐS đối với hệ thống nhà trường quân đội; xem xét, cho phép điều chỉnh chương trình khung của chương trình đào tạo đại học, sau đại học nhằm bổ sung các học phần cung cấp kiến thức, kỹ năng, đáp ứng xu hướng, nhu cầu CĐS cho người học.
Ý kiến ()