Chuyển đổi số - “chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Năm 2021, trong bối cảnh dich Covid-19 bùng phát phức tạp tại nhiều địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động dạy và học, xây dựng môi trường học tập an toàn; đồng thời bảo đảm các điều kiện phòng, chống Covid-19 cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp khi đi học trở lại.
Ngày 18/1, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức hội nghị tổng kết năm 2021, kế hoạch triển khai năm 2022. Tại hội nghị, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2021 là 1 năm vô cùng khó khăn, vấn đề lao động việc làm, an sinh xã hội đặt ra “gánh nặng” rất lớn cho cả nước. Tuy nhiên, nhìn lại năm qua, lĩnh vực lao động việc làm nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng vẫn có những bước phát triển, đóng góp không nhỏ vào an sinh xã hội.
Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng hoạt động giáo dục nghề nghiệp vẫn được thực hiện, triển khai một cách linh hoạt, thích ứng trong tuyển sinh, đào tạo duy trì chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho phép các trường điều chỉnh kế hoạch đào tạo, tổ chức thi kiểm tra đánh giá bằng trực tuyến đối với những môn học, những nội dung phù hợp. Duy trì gắn kết với doanh nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng chuẩn mực quốc tế; đào tạo nhân lực cho các ngành nghề mới, kỹ năng mới, ngành nghề 4.0.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được các nhà trường áp dụng hiệu quả vào các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, đánh giá kết quả bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, và trực tuyến thông qua các nền tảng công nghệ như: Zoom, Google Meet, Facebook, Zalo, Tiktok…
Hoạt động dạy và học được duy trì thông qua việc chuyển đổi thích ứng với mô hình trường học an toàn, trường học “3 tại chỗ” được một số trường áp dụng hiệu quả, bảo đảm để người học có thể hoàn thành chương trình học tập, tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động.
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý và đưa hoạt động giáo dục nghề nghiệp thích ứng với hoàn cảnh và thị trường.
Đặc biệt, các hoạt động ký kết hợp tác với doanh nghiệp được đẩy mạnh. Năm 2021, Tổng cục đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với các tập đoàn lớn, như: SunGroup, Vingroup, Grab, Phú Thái Holding… Bên cạnh đó, hiện hàng nghìn doanh nghiệp có các biên bản ghi nhớ và kế hoạch triển khai cụ thể các hoạt động hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động, trong số này có nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động và ứng dụng công nghệ tiên tiến như Daikin, Denso, Panasonic, Sun Group, Mường Thanh, FPT, BIM, Vingroup, Samsung Việt Nam, Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Phú Thái Holding…
Do đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát trở lại song các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh. Tính đến 31/12/2021, cả nước tuyển sinh được 1.915.548 người, đạt 85,14% kế hoạch (trình độ cao đẳng, trung cấp: 375.108 người, đạt 65,81%; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác: 1.540.440 người, đạt 91,69%). Tốt nghiệp ước đạt 1.658.400, đạt 80% kế hoạch.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, năm 2022, tăng cường công nghệ thông tin, tập trung cao độ nhất chuyển biến, chuyển đổi số trong toàn ngành. “2022 sẽ là năm chuyển đổi số của toàn ngành”.
Trong đó, để nâng cao vị thế giáo dục nghề nghiệp trong xã hội cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải tập trung thực hiện chuyển đổi số nhanh, mạnh hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức đào tạo, tập trung vào đào tạo mới và đào tạo lại, trong đó lấy đào tạo lại làm nền tảng phát triển. Để làm được điều này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, phải lấy doanh nghiệp làm chính nhà trường đào tạo. Bên cạnh đó cần chú trọng đào tạo theo thị trường để hai bên cung-cầu gặp nhau. “Chú trọng đến khâu đặt hàng nhưng quá trình đào tạo cũng cần chú trọng theo tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm khung đầu ra”.
Năm 2022, để thực hiệu mục tiêu đưa hoạt động giáo dục nghề nghiệp lên môi trường số, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021. Trong đó chú trọng triển khai ở các trường chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm trên cả 4 nội dung: phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; đổi mới và phát triển chương trình đào tạo; hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung phục vụ cho hoạt động dạy và học; tăng cường quản lý số và quản trị số, kết nối thông tin hệ thống theo vùng, theo ngành, theo trình độ…
Tại hội nghị, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng công bố Dịch vụ công trực tuyến giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xây dựng 18 dịch vụ công mức độ 4, Cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ: http://dichvucong.gdnn.gov.vn/, được kết nối liên thông lên Cổng dịch công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các thủ tục hành chính giáo dục nghề nghiệp 24/24 giờ, tiết kiệm chi phí trong việc thực hiện dịch vụ công.
Ý kiến ()