Chuyển đổi số: Bí quyết 'phá băng COVID-19' của ngành du lịch?
Các doanh nghiệp du lịch Việt đã vượt qua năm 2020 đầy sóng gió. Năm 2021, doanh nghiệp nào mạnh thì may ra còn tồn tại để bước vào “cuộc chiến” mới – chủ động khắc phục hậu quả của COVID-19.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến để triển khai kế hoạch công tác năm 2021vào chiều 3/3/2021. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các nội dung như: làm thế nào để vừa phòng, chống và khắc phục hậu quả của COVID-19, vừa khôi phục kinh tế; làm gì để tồn tại giữa thời COVID-19?…
“Tự thân vận động”
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng trong năm 2021 ngành du lịch cần có những giải pháp mới để thoát khỏi tình trạng “đóng băng” do ảnh hưởng của COVID-19.
Ông Thọ đưa ra các ví dụ về những nỗ lực phát triển du lịch của các nước khác. Đó là đầu năm 2021, những nước dẫn đầu về du lịch ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia… tiếp tục hoạt động du lịch bằng cách tổ chức các sự kiện ảo.
Từ những chuyển biến thực tế trong hoạt động du lịch của các nước, ông Thọ cho rằng việc tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế ở Hà Nội trong thời gian tới, việc có văn phòng ảo có thể giúp các doanh nghiệp có được lượng khách lớn hơn con số vài chục nghìn. “Nếu làm được việc đó thì chúng ta có thể tiếp xúc với hàng triệu người ở Việt Nam và thế giới,” ông Thọ nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Khánh cho rằng việc kiểm soát dịch tốt, dập dịch nhanh tạo lòng tin cho nhân dân để phát triển du lịch. Trên cơ sở này, các doanh nghiệp cần phải có những những chuẩn bị cho mùa du lịch Hè sắp tới.
Bà Khánh cũng đưa ra tiêu chí để xác định những thị trường quốc tế để phát triển du lịch trong tương lai là những thị trường gần, đã kiểm soát được dịch.
Liên quan đến các kiến nghị để giúp đỡ doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn khó khăn, bà Khánh cho hay Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã có kiến nghị về thuế, tín dụng, bảo hiểm,…
Ngoài khẳng định cần phải khôi phục, phát triển nhân lực cho doanh nghiệp và triển khai sớm các biện pháp chuyển đổi số, bà Khánh nhấn mạnh: “Trong khi chờ đợi sự ghi nhận của chính quyền thì chúng tôi xác định ngành du lịch phải tự cứu mình. Các địa phương cần triển khai tốt chương trình nội địa 2021. Đà Nẵng vừa chuyển thông tin rất nhanh đến cho chúng tôi về những dịch vụ cho du khách ngay khi hết dịch. Hiện giờ các công ty lữ hành của Thành phố Hồ Chí Minh đã có khách đi Phú Quốc, Đà Nẵng…”
“Tôi đề nghị bổ sung kế hoạch truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tạo lòng tin giới thiệu điểm đến, những nơi có chính sách tốt, để doanh nghiệp tiếp cận.”
Đại diện khu vực Tây Bắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Điện Biên, ông Bùi Anh Tiến bày tỏ mong muốn trong giai đoạn chưa có nhiều các hoạt động du lịch thì cần triển khai những chương trình đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ (ảo, trực tuyến) để các địa phương như Điện Biên có sự chuẩn bị tốt hơn cho giai đoạn hậu COVID-19.
Năm của nội địa
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên Du lịch, ông Bùi Văn Dũng cho biết Hội đã gửi bản đề xuất gồm bảy giải pháp để Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam trình Chính phủ hỗ trợ giúp đỡ các Hướng dẫn viên du lịch.
“Do khủng hoảng của COVID-19, tạm thời chỉ có thể phát triển du lịch nội địa, nhiều hướng dẫn viên quốc tế phải chuyển sang làm hướng dẫn viên nội địa mà chưa kịp chuẩn bị những kỹ năng đặc thù. Vì thế rất cần các khoá đào tạo kỹ năng cho hướng dẫn viên như quay phim, chụp ảnh, hoạt náo viên, tổ chức teambuilding… Chúng tôi cho rằng cần tiếp tục hỗ trợ giảm phí cấp mới, đổi thẻ cho hướng dẫn viên du lịch,” ông Dũng nói.
Trước những ý kiến từ các hiệp hội địa phương và các hiệp hội chuyên ngành, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho rằng các hiệp hội cần động viên doanh nghiệp duy trì hệ thống, giữ lực lượng nòng cốt để có thể sớm quy tụ guồng máy sau dịch bệnh.
Theo ông Bình, trong thời điểm khó khăn hiện nay, khi du lịch chưa thể trở lại trạng thái hoạt động bình thường, các doanh nghiệp du lịch có thể tập trung vào việc cải tạo cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực (trực tuyến) và từng bước thực hiện chuyển đổi số.
Lãnh đạo Hiệp hội du lịch Việt Nam khẳng định: “Phát triển du lịch nội địa không chỉ là định hướng của Hiệp hội Du lịch Việt Nam mà còn là định hướng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.”
Bên cạnh đó, theo ông Bình, giai đoạn này việc làm cần thiết là vận động tuyên truyền những yếu tố tích cực để góp phần giảm sự e ngại đi du lịch của người dân: “Chúng ta đã và đang phát triển chương trình kích cầu. Kích cầu du lịch thời gian tới sẽ là sự kết hợp các dịch vụ để thu hút du khách. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng sẽ tổ chức Diễn đàn Du lịch nội địa.”
Tuy nhiên, ông Bình cũng lưu ý, các hoạt động kích cầu sẽ thu hút đông người đến, khi tổ chức cần kết hợp nhiều hoạt động với nhau, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch an toàn của Bộ Y tế./.
Ý kiến ()