LSO-Trong những năm gần đây, Hoàng Đồng trở thành một trong những điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư vào thành phố Lạng Sơn. Những dự án liên doanh quốc tế, những khu đô thị mới đã và đang được khởi công xây dựng làm cho bộ mặt của xã ngoại thành này đổi thay nhanh chóng. Cũng từ đó đặt ra cho Hoàng Đồng một bài toán khó, làm thế nào để chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi các dự án, hướng đi nào cho những gia đình thuần nông không còn đất sản xuất?Dự án liên doanh quốc tế Lạng Sơn sau khi hoàn thành sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phươngCánh đồng thôn Đồng Én trước kia vốn là bờ xôi ruộng mật của xã Hoàng Đồng, nơi đây người dân canh tác đến 3 vụ/năm, nhưng khi dự án liên doanh quốc tế đầu tư, trên 20 mẫu ruộng bị thu hồi, khoảng 30 hộ dân không còn đất sản xuất. Cầm một cục tiền đền bù trong tay, mừng thì mừng thật, nhưng ai cũng lo, “miệng ăn, núi lở”, nếu không...
LSO-Trong những năm gần đây, Hoàng Đồng trở thành một trong những điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư vào thành phố Lạng Sơn. Những dự án liên doanh quốc tế, những khu đô thị mới đã và đang được khởi công xây dựng làm cho bộ mặt của xã ngoại thành này đổi thay nhanh chóng. Cũng từ đó đặt ra cho Hoàng Đồng một bài toán khó, làm thế nào để chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi các dự án, hướng đi nào cho những gia đình thuần nông không còn đất sản xuất?
|
Dự án liên doanh quốc tế Lạng Sơn sau khi hoàn thành sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương |
Cánh đồng thôn Đồng Én trước kia vốn là bờ xôi ruộng mật của xã Hoàng Đồng, nơi đây người dân canh tác đến 3 vụ/năm, nhưng khi dự án liên doanh quốc tế đầu tư, trên 20 mẫu ruộng bị thu hồi, khoảng 30 hộ dân không còn đất sản xuất. Cầm một cục tiền đền bù trong tay, mừng thì mừng thật, nhưng ai cũng lo, “miệng ăn, núi lở”, nếu không ổn định sản xuất thì bao nhiều tiền cũng hết. Ông Phan Văn Phình đưa mắt về những toà nhà cao tầng đang xây, trầm ngâm: Không còn ruộng, đời sống sinh hoạt, sản xuất trong thôn cũng có nhiều xáo trộn, ai cũng bươn trải tìm việc để làm, nhưng chủ yếu là đi làm thuê như làm thợ hồ và một số công việc thời vụ khác, ít người có được công việc ổn định và cũng chẳng ai dám mạo hiểm đầu tư tiền để kinh doanh hay sản xuất, bởi lẽ nếu không thành, họ sẽ mất tất cả. Riêng bản thân ông Phình may mắn hơn, được tuyển vào làm bảo vệ cho dự án liên doanh, thu nhập cũng ổn định hơn nhiều. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn xã Hoàng Đồng có khá nhiều dự án đã, đang và sẽ khởi công như dự án liên doanh quốc tế; khu đô thị Nam Hoàng Đồng I; Bệnh viện đa khoa tỉnh; Bệnh viên y học cổ truyền; khu du lịch sinh thái hồ Nà Tâm… Cho đến thời điểm này đã có gần 200ha đất nông lâm nghiệp bị thu hồi để phục vụ cho các dự án và có khoảng trên 500 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Chính vì thế, đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp cho các lao động không còn đất sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đảng bộ và chính quyền xã tập trung chỉ đạo. Ông Lưu Đình Thảo, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong vòng 2 năm trở lại đây Hoàng Đồng đã phối hợp với các ngành, trung tâm dạy nghề mở trên 40 lớp đào tạo nghề ngắn hạn như chăn nuôi, trồng nấm, sửa xe máy, may… cho trên 2.000 lao động tại địa phương. Con số trên là rất đáng khích lệ, nhưng về hiệu quả thì ông Thảo thẳng thắn: Đánh giá lại chúng tôi tự nhận thấy hiệu quả là chưa cao, rất ít người sau khi đào tạo tìm được việc làm ổn định, do trên địa bàn không có nhiều cơ sở sản xuất; việc sau đào tạo tự mở cơ sở sản xuất, sửa chữa thì lại càng hiếm bởi rất ít người mạnh dạn đầu tư. Chính vì thế, sau những lớp đào tạo nghề đó, người dân lại hầu hết đi tìm cho mình những công việc thời vụ theo kiểu ai thuê gì làm nấy, hoặc một số chuyển đổi sang dịch vụ, nói là dịch vụ, nhưng thực chất cũng rất nhỏ lẻ, có khi chỉ là bán dăm bao thuốc lá, vài cốc trà đá, hiệu quả kinh tế không cao và cũng không bền vững.
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và phân tích thấu đáo nguyên nhân của những yếu kém đó. Đảng uỷ xã đã ra nghị quyết chuyên đề về đào tạo và chuyển đổi việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là những người dân bị thu hồi đất, gắn với tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Theo đó hướng đào tạo sẽ chuyển dần sang các lớp đào tạo nghề trung và dài hạn. Trong đó một mặt, cấp uỷ, chính quyền xã có định hướng cho người dân về việc chọn nghề để học, mặt khác đẩy mạnh thu hút đầu tư, phối hợp với các doanh nghiệp, tạo việc làm cho các lao động sau đào tạo. Với những cam kết của các doanh nghiệp đang đầu tư vào địa bàn như dự án liên doanh quốc tế và khu đô thị mới Nam Hoàng Đồng I, thì sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động tại địa phương, riêng số này đã giải quyết được cho xấp xỉ 70% lao động dôi dư. Ở một góc nhìn tích cực, đô thị hoá sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng điều cần vẫn là sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo và định hướng của cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Thành phố Lạng Sơn đã và đang có những bước chuyển mình nhanh chóng và câu chuyện đào tạo, chuyển đổi nghề cho nông dân bị thu hồi đất sẽ luôn là vấn đề thời sự cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()