Chuyển đổi cơ cấu giống ngô: Mạnh mẽ, hiệu quả
LSO- So với các loại cây trồng khác, chuyển đổi cơ cấu giống ngô diễn ra mạnh mẽ và rõ nét hơn cả. Hiện 99% diện tích ngô toàn tỉnh đều sử dụng giống ngô lai mới, trong khi diện tích lúa mới đạt trên 40%. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng ngô, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.
Người dân huyện Chi Lăng thu hoạch, phơi ngô
CHÚ TRỌNG TẬP HUẤN, XÂY DỰNG MÔ HÌNH
Từ năm 2000 trở về trước, phần lớn người dân sử dụng giống ngô cũ, bắp nhỏ, hạt không đều, năng suất thấp, sức đề kháng kém. Trước thực tế trên, để nâng cao năng suất, chất lượng ngô, các cấp, ngành đã tăng cường tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu giống, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ năm 2011 đến nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức được trên 4.900 lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo đầu bờ với gần 187.000 lượt người tham dự, cấp phát trên 30.500 bộ tài liệu.
Cùng với tuyên truyền, tập huấn, để thay đổi tập quán canh tác từ lâu đời của bà con, với phương châm “trăm nghe không bằng một thấy”, các ban, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố luôn quan tâm xây dựng các mô hình trình diễn để bà con trực tiếp thực hành. Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: hằng năm, một số công ty giống cây trồng có uy tín trong nước đã liên hệ với sở để triển khai mô hình trồng ngô giống mới có năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, các đơn vị như: Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Hội Làm vườn; các ban, ngành chức năng của các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp với các công ty đưa giống ngô lai mới vào sản xuất. Từ năm 2005 đến nay, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức được gần 20 mô hình trình diễn giống ngô lai mới cho năng suất, chất lượng cao.
Tham gia mô hình, bà con được hướng dẫn từ khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng đến bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại. Kết thúc mỗi mô hình, ban tổ chức đều mở hội nghị đầu bờ, mời lãnh đạo, các ban, ngành chức năng, bà con nông dân các xã lân cận đến tham quan, học tập.
Người dân huyện Chi Lăng thăm vườn ngô
NGƯỜI DÂN TÍCH CỰC HƯỞNG ỨNG
Do làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng mô hình nên việc đưa giống ngô lai mới vào sản xuất đã được bà con tích cực hưởng ứng. Đến năm 2010, trên 80% diện tích ngô đã được bà con sử dụng là những giống ngô lai mới. Đến nay, theo thống kê của ngành chức năng, 99% diện tích ngô của toàn tỉnh người dân hoàn toàn sử dụng giống mới như: NK66, NK67, B9698, CP888, NK4300, PC888, B9698, NK6326, CP333, CP999… Đây là những giống ngô có sức đề kháng cao, bắp to, hạt đều, chất lượng tốt.
Ông Vy Văn Tái, thôn Bản Pịt, xã Đông Quan, huyện Lộc Bình cho biết: gần 10 năm nay, toàn bộ diện tích ngô của gia đình đều sử dụng giống mới. Ngô sinh trưởng, phát triển tốt, năm nào cũng được mùa.
Nhờ giống tốt, có khả năng chịu hạn nên bà con nông dân đã chủ động chuyển đổi trồng ngô vào những chân ruộng cạn, bấp bênh. Đồng thời, tận dụng cả đất đồi để trồng ngô. Diện tích ngô đã tăng từ trên 15.000 ha năm 2005 đến nay lên trên 22.000 ha. Năng suất ngô bình quân đã tăng từ 40 tạ/ha năm 2005 đến nay lên 49 tạ/ha. Ngoài phục vụ chăn nuôi, phần lớn được bà con bán ra thị trường, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2014 xuống còn 14,9%, giảm 3,1% so với năm 2013…
Bài, ảnh: ĐỨC ANH
Ý kiến ()