Chuyển dịch sản xuất nông nghiệp từ các mô hình làm ăn hiệu quả
Mô hình trồng cà chua bi ở xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Chuyển đổi ngành nghề, đào tạo việc làm cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định là vấn đề trăn trở, là bài toán khó của các cấp chính quyền nhiều địa phương. Gần đây, tại không ít thôn, ấp, xã thuần nông đã xuất hiện ngày càng nhiều cách làm sáng tạo, mô hình làm ăn mang lại hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống và quá trình phát triển.Từ đội xe đến cây cà chua bi Chúng tôi về xã Quang Châu, huyện Việt Yên (Bắc Giang) nằm trong vùng đồng chiêm trũng, thuần nông, tiếp giáp bờ bắc sông Cầu. Vùng đất này đến năm 2005 có tổng diện tích đất nông nghiệp là 540 ha, canh tác hai vụ lúa, một vụ màu mỗi năm. Mức sống của người dân vào loại trung bình, có ít hộ khá giả. Năm 2006, do yêu cầu xây dựng khu công nghiệp Quang Châu, xã thu hồi 220 ha đất sản xuất, nói cách khác, tính trung bình bốn trong mười người dân nơi đây không...
Mô hình trồng cà chua bi ở xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang). |
Từ đội xe đến cây cà chua bi
Chúng tôi về xã Quang Châu, huyện Việt Yên (Bắc Giang) nằm trong vùng đồng chiêm trũng, thuần nông, tiếp giáp bờ bắc sông Cầu. Vùng đất này đến năm 2005 có tổng diện tích đất nông nghiệp là 540 ha, canh tác hai vụ lúa, một vụ màu mỗi năm. Mức sống của người dân vào loại trung bình, có ít hộ khá giả. Năm 2006, do yêu cầu xây dựng khu công nghiệp Quang Châu, xã thu hồi 220 ha đất sản xuất, nói cách khác, tính trung bình bốn trong mười người dân nơi đây không có công ăn việc làm. Điều đó kéo theo hàng loạt hệ lụy như hộ gia đình giảm thu nhập, đời sống bấp bênh, phát sinh các loại tệ nạn xã hội… Bí thư Đảng ủy xã Quang Châu Nguyễn Khắc Khoa nhớ lại: Thời gian bị thu hồi đất sản xuất bà con chưa biết làm gì để sống. Lo lắng, nhiều hộ còn phản đối chủ trương lấy đất làm khu công nghiệp khiến công tác đền bù, giải tỏa kéo dài hơn dự kiến. Đảng ủy xã họp bàn, tổ chức nhiều đoàn công tác vừa vận động bà con yên tâm giao đất vừa đi tìm hiểu học tập mô hình chuyển đổi sản xuất ở các địa phương khác.
Vì thế, Đảng bộ, chính quyền xã phải tìm hướng chuyển đổi sản xuất, lao động, việc làm, ổn định đời sống. Nhiều mô hình được đưa ra, và thôn Đồng Tiến được chọn phát triển mô hình đội xe ô-tô vận tải. Thuận lợi là thôn Đồng Tiến trước đó đã có một số hộ làm nghề này, nên khi lãnh đạo xã phát động chủ trương, bà con hưởng ứng ngay. Bí thư Chi bộ thôn Đồng Tiến Nguyễn Văn Đại cho biết, thôn có 310 hộ, hơn 70 ha đất nông nghiệp, sau thu hồi 43 ha đất. Khi thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất sang đội xe ô-tô vận tải nhẹ, xã đã phối hợp trường đào tạo nghề lái xe cho thanh niên. Từ chỗ có vài chiếc xe, đến nay thôn có hơn 70 xe ô-tô, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 200 người và hàng trăm lao động thời vụ khác. Đến nay, khoảng 600 lao động trong độ tuổi của thôn cơ bản không có người thất nghiệp. Như vậy, từ chỗ chỉ trông vào cây lúa, người dân ở đây đã có thu nhập đa dạng, thường xuyên và cao gấp nhiều lần trồng lúa. Khi đời sống bà con ổn định, tư tưởng thoải mái, bà con luôn ủng hộ chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương, tích cực đóng góp công sức, vật chất xây dựng nông thôn mới (NTM).
Về thăm xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang là một trong 11 xã điểm xây dựng NTM của cả nước, chúng tôi thấy nhiều điều mới lạ. Từ cách chỉ đạo sát sao, hiệu quả, huy động nguồn lực đầu tư kịp thời, nhiều cán bộ, nông dân xã Tân Thịnh đã đi “tiên phong” trong việc chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa đơn thuần sang trồng hoa màu xuất khẩu.
Chủ nhiệm HTX Tân Thịnh Đặng Đình Thìn là một trong những hộ đầu tiên làm quen và tổ chức trồng cây cà chua bi xuất khẩu trên đất trồng lúa. Khoảng cuối năm 2008, lãnh đạo xã giới thiệu mô hình đưa cây cà chua bi về xã. Lúc đó chưa ai biết cà chua bi là gì, huống hồ trồng thế nào, sản phẩm bán ra sao. Ông Thìn nghĩ, mình là đảng viên, không làm trước thì ai làm! Ông động viên gia đình và xắn tay cải tạo năm sào đất trồng lúa thành ruộng trồng cà chua. Ông nhớ lại, năm đầu, mô hình cà chua bi sau khi quyết toán mang về khoản lợi nhuận cao hơn trồng lúa gần ba lần, công sức bỏ ra lại không nhiều. Những kết quả đó tạo tiền đề, để hôm nay Tân Thịnh hình thành vùng sản xuất cà chua bi xuất khẩu tập trung với gần 20 mẫu. Với giá thị trường như hiện nay, mỗi sào Bắc Bộ cho thu gần 40 triệu đồng/vụ. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đặng Quang Tạo cho biết: Hiệu ứng của việc chuyển đổi sản xuất, cây trồng đã góp phần đưa Tân Thịnh trở thành xã phát triển toàn diện và chắc chắn hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM vào cuối năm nay.
Thêm việc làm ở vùng khó khăn
Lên vùng đất huyện miền núi Sông Hinh phía tây nam tỉnh Phú Yên, chúng tôi có mặt ở xã Ea Ly được chọn xây dựng điểm NTM. Giáp ranh với hai tỉnh Đác Lắc và Gia Lai, gần đây xã Ea Ly đang có phong trào làm kinh tế trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều người ví Ea Ly là vùng đất hứa, bởi nơi đây có tới 12 dân tộc anh em đang chung sống, chủ yếu là các dân tộc di cư từ các tỉnh phía bắc vào lập nghiệp. Với quyết tâm vươn lên xóa đói, giảm nghèo, từng bước làm giàu, mười năm trở lại đây, người dân đã biến vùng đất đồi núi cỏ tranh thành những trang trại đem lại lợi nhuận cao. Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ly Bàn Nguyên Ngân cho biết, toàn xã có 2.747 ha đất nông nghiệp, trong đó có 826 ha đất trồng mía. Xã có hơn mười trang trại quy mô lớn, chủ yếu trồng cây công nghiệp cà-phê, cao-su, mía, sắn. Nhờ trồng mía, bà con làm ăn khấm khá, đời sống kinh tế đi vào ổn định, nhiều hộ mua xe ô-tô tải, xây nhà tầng kiên cố, mua xe ô-tô du lịch… Điển hình là hộ anh Nguyễn Ngọc Mỹ, 49 tuổi, ở thôn Tân Yên. Từ cuộc sống khó khăn ban đầu, vợ chồng chí thú làm ăn từ nuôi bò và trồng mía, đến nay anh Mỹ có được 25 ha đất làm trang trại mía, sản lượng thu hoạch mía năm 2011 đạt hơn 1.500 tấn. Với giá mía hiện nay 900 nghìn đồng/tấn tại ruộng, gia đình anh có tổng thu nhập từ cây mía hơn 1,3 tỷ đồng! Lãnh đạo xã Ea Ly, huyện Sông Hinh khẳng định: Phát triển trang trại đã thu hút lượng lao động đáng kể ở vùng nông thôn, miền núi có việc làm ổn định, nhất là các địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất nông nghiệp. Qua thống kê, tại tỉnh Phú Yên, mỗi năm các trang trại giải quyết việc làm cho khoảng 30 nghìn lao động.
Từ Thủ đô Hà Nội đi khoảng 60 km, chúng tôi về thăm xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) là địa phương sớm thực hiện xây dựng NTM. Thực hiện từ năm 2003, đến nay Tân Kỳ đã đạt 12/19 tiêu chí. Là xã thuần nông, tỷ trọng nông nghiệp chiếm hơn 40%, những năm qua, xã đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để phát triển kinh tế nông thôn, tạo bước chuyển đổi hơn 70 ha đất cấy lúa bấp bênh sang lập vườn, nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, xã triển khai quyết liệt việc quy hoạch các khu đồng tập trung, tiến tới hiện đại, khuyến khích nhân dân trồng các loại rau màu giá trị kinh tế cao; đưa các giống lúa lai, giống tiến bộ vào sản xuất; xây dựng vùng trồng rau an toàn. Được biết, ngoài sản xuất nông nghiệp, xã Tân Kỳ đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất, thu hút đội ngũ doanh nhân nhiệt huyết khôi phục và phát huy thế mạnh của các nghề truyền thống.
Hiện nay huyện đã tạo dựng và khôi phục các làng nghề truyền thống với các làng nghề, như chiếu cói Thanh Kỳ (Thanh An), làng nghề mây, tre đan An Nhân (thị trấn Tứ Kỳ); các làng nghề thêu ren Xuân Nẻo, Ô Mễ, Lạc Dục (xã Hưng Đạo), Nghi Khê (Tân Kỳ), Nhũ Tỉnh (Quang Khải), Đồng Bình (Dân Chủ)… tạo việc làm thường xuyên cho hơn bảy nghìn lao động.
Xây dựng mô hình hiệu quả
Từ nhiều năm qua, việc chuyển đổi ngành nghề, đào tạo việc làm, trong đó việc làm cho lao động nông thôn là vấn đề trăn trở nhất của các cấp chính quyền địa phương. Làm sao nâng cao thu nhập của người nông dân tại địa phương luôn là bài toán khó. Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy (Tiền Giang) khẳng định, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp là điều kiện, cơ hội để nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần tạo cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Thực hiện chuyển dịch lao động theo tiêu chí NTM, các xã được chọn phải giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống dưới 35%. Đây là công việc không đơn giản đối với nhiều xã thuần nông, khi địa phương chưa có những cơ sở sản xuất lớn đủ hấp dẫn thu hút nhiều lao động.
Nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp cũng cho rằng, làm tốt việc chuyển đổi ngành nghề, đào tạo việc làm cho lao động nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong kế hoạch xây dựng NTM, nhất là giúp người nông dân gắn bó hơn với nông thôn, “ly nông không ly hương”. Chung quanh vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang Trịnh Công Minh cho biết: Trong 10/145 xã được tỉnh chọn làm xã điểm tập trung đầu tư xây dựng NTM, đến thời điểm này vẫn chưa xuất hiện mô hình tiêu biểu nào để nhân rộng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Tiền Giang từ nay đến năm 2015, khoảng 90 nghìn lao động nông thôn và khoảng 6.500 lượt cán bộ, công chức cấp xã, được bồi dưỡng, đào tạo nghề, từng bước đáp ứng yêu cầu lao động và lãnh đạo, quản lý thời kỳ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Nhìn lại các mô hình sáng tạo và được người dân đồng tình, tích cực tham gia như đội xe vận tải và trồng cây lấy quả xuất khẩu ở Quang Châu và Tân Thịnh (Bắc Giang) và một số nơi khác, từ kinh nghiệm thực tế cho thấy, việc chuyển đổi từ phương pháp sản xuất cũ sang mô hình mới không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, khi mô hình hay, hiệu quả, mang lại thành công, việc nhân rộng lại không quá khó. Về vùng đất An Giang, nét mới gần đây ở vùng quê sông nước, khi Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức Nông dân Hà Lan Agriterra thí điểm triển khai mô hình du lịch sinh thái, kiểu “homestay” (khách tham quan và ở nhà dân). Phó trưởng Ban Kinh tế, Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thanh Tùng cho chúng tôi biết: Việc phát triển du lịch nông nghiệp, giúp người nông dân cùng kinh doanh du lịch là hướng đến mô hình phát triển nông thôn bền vững tại nhiều xã.
Bước đầu, cách kinh doanh du lịch nông nghiệp còn khá xa lạ với người nông dân. Anh Tôn Thất Đính, ở ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, vui vẻ chia sẻ: Mình và gia đình tham gia loại hình du lịch này có nhiều cái hay. Hay nhất là nhà nông vẫn gắn bó với nghề nông, lại có dịp quảng bá, giao lưu, học hỏi văn hóa, phong tục tập quán bè bạn gần xa, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Kinh doanh du lịch là cả nhà cùng làm, cả địa phương cùng hưởng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chính từ dự án du lịch nông nghiệp đã giúp nhiều ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh phát triển khởi sắc sau nhiều năm trầm lắng.
Rõ ràng, từ kinh nghiệm mô hình thành công bước đầu ở các vùng nông thôn: Bắc Giang, Hải Dương, An Giang… cho thấy, để nhân rộng các mô hình chuyển đổi sản xuất hiệu quả cần xây dựng mô hình mẫu thật tốt, vận dụng sáng tạo, phù hợp điều kiện của địa phương và xuất phát từ nhu cầu của chính người dân, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()