Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở miền núi Lào Cai
Tỉnh Lào Cai có diện tích đất tự nhiên hơn 600 nghìn ha, bao gồm nhiều tiểu vùng khí hậu, thích hợp cho phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; trong đó vùng cao Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai có thể phát triển các loại cây trồng ôn đới và nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp ở Lào Cai cũng gặp nhiều khó khăn do địa hình bị chia cắt mạnh, diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 12,5% so với diện tích tự nhiên, trình độ sản xuất và khả năng đầu tư cho sản xuất của nhân dân còn hạn chế do tỷ lệ đói nghèo ở khu vực nông thôn còn khá cao.Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu, tỉnh Lào Cai đã xây dựng chương trình và các đề án thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chủ động sản xuất và cung ứng giống tốt, tăng nhanh giá trị thu nhập trên một đơn vị...
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu, tỉnh Lào Cai đã xây dựng chương trình và các đề án thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chủ động sản xuất và cung ứng giống tốt, tăng nhanh giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác. Theo đó, tập trung khai thác triệt để tiềm năng về đất đai, khí hậu, nhu cầu của thị trường, thực hiện 'liên kết 4 nhà' để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp. Phát triển mạnh các loại cây trồng vật nuôi tạo ra vùng tập trung khối lượng nguyên liệu lớn, phát triển công nghiệp chế biến để tạo nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng mang thương hiệu Lào Cai, có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Những loại cây trồng, vật nuôi cần tập trung phát triển đó là: chè, thuốc lá, cao-su và rau sạch, hoa cao cấp mang đặc trưng vùng khí hậu ôn đới.
Về cây chè, hiện toàn tỉnh có hơn 4.000 ha chè, chủ yếu là chè đặc sản Tuyết San và chè giống mới chất lượng cao như Bát Tiên, Ô Long, Ngọc Thúy…, phân bổ ở các huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Bát Xát và thành phố Lào Cai. Hai công ty cổ phần chè Thanh Bình và Phong Hải và năm cơ sở khác bảo đảm chế biến và xuất khẩu sản phẩm chè sang thị trường các nước Trung Đông, với tổng sản lượng gần 10.000 tấn sản phẩm. Nhờ trồng giống mới chất lượng cao, đổi mới công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu đặc trưng… nên ngành sản xuất và chế biến chè Lào Cai đã đứng vững và phát triển, giúp người nông dân vùng cao có thu nhập ổn định và làm giàu.
Thuốc lá là loại cây trồng mới được đưa vào canh tác nhưng đã phát triển nhanh, do chất lượng cao và thị trường tiêu thụ lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh Lào Cai đề ra mục tiêu phát triển 2.000 ha cây thuốc lá vào năm 2011, đồng thời mở rộng diện tích, bảo đảm đủ lượng nguyên liệu để xây dựng nhà máy sơ chế thuốc lá tại địa phương, nhằm nâng cao giá trị kinh tế của loại cây này. Hiện toàn tỉnh đã có hơn 1.000 ha, chủ yếu là khai thác đất ruộng một vụ và đất đồi thấp ở hai huyện nghèo là Mường Khương và Si Ma Cai, giải quyết việc làm và tạo nguồn thu cho hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Lào Cai có lợi thế để phát triển mạnh cây cao-su, đã hợp tác với Tập đoàn Cao-su Việt Nam để tiến hành trồng, xây dựng nhà máy chế biến cao-su. Với quy mô trồng hơn 11.500 ha trong ba năm, từ 2011 – 2013, để có đủ vùng nguyên liệu xây dựng nhà máy chế biến cao-su. Hiện nay, tỉnh Lào Cai và Tập đoàn Cao-su Việt Nam đã thành lập Công ty cao-su cổ phần Lào Cai để thực hiện chương trình này. Việc tổ chức trồng và chế biến cao-su với quy mô lớn như vậy sẽ tạo ra được sự chuyển biến mạnh mẽ về sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông thôn, hình thành những cơ sở chế biến lớn, thu hút lao động và mang lại nhiều giá trị thu nhập, lợi nhuận cho nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Các loại cây ăn quả ôn đới cũng là thế mạnh của Lào Cai vì có lợi thế về khí hậu, đất đai ở vùng cao như Sa Pa, Bắc Hà Mường Khương. Ngành nông nghiệp đã khảo nghiệm thành công nhiều loại giống cây ăn quả có chất lượng, có giá trị kinh tế cao, thích nghi với đất dốc, như lê Tai Nung (Đài Loan), đào chín sớm và nho Pháp. Hiện ở Sa Pa và Bắc Hà, nông dân đã trồng đại trà và cho sản phẩm ra thị trường, đạt giá trị cao gấp 4 – 5 lần giống cũ. Trong 5 năm tới, sẽ phát triển thêm khoảng 1.000 ha cây ăn quả ở vùng cao có chất lượng tốt, chín sớm, có khả năng cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài và khoảng 2.000 – 2.500 ha cây ăn quả ở vùng thấp, chủ yếu là các cây chuối, dứa để bán cho thị trường của Trung Quốc.
Rau an toàn và hoa cao cấp là loại cây trồng đang đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện đang có hàng chục Công ty của Đài Loan (Trung Quốc) và doanh nghiệp trong nước đầu tư trồng các loại rau, quả trái vụ và hoa cao cấp như hoa ly, hoa hồng, phong lan… tại Sa Pa. Tỉnh Lào Cai đã tạo cơ chế, chính sách cho thuê đất ruộng của nông dân, chuyển đổi đất dự án trồng rừng kém hiệu quả sang trồng rau, hoa cao cấp để thu hút đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp. Riêng ở Sa Pa hiện có gần 400 ha rau chất lượng cao, trong đó 80% cho xuất khẩu, còn lại cung cấp cho các siêu thị trong nước.
Bên cạnh đó, Lào Cai tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc ở địa bàn vùng cao. Tiếp tục cải tạo tập quán chăn nuôi lạc hậu ở vùng cao; cải tạo chất lượng đàn gia súc để có sản phẩm hàng hóa tốt như đàn trâu, bò. Khôi phục đàn ngựa để phát triển sản phẩm hàng hóa (vì thịt ngựa dễ bán và đàn ngựa ít bị dịch bệnh và chết rét). Phát triển mạnh các mô hình sản xuất gia súc, gia cầm công nghiệp và bán công nghiệp như mô hình nuôi gà lạnh, mô hình sản xuất lợn thịt công nghiệp. Tiến hành khảo sát và mở rộng sản xuất cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) ở vùng cao. Đẩy mạnh việc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, tăng cường công tác kiểm dịch và tổ chức lại mô hình cơ sở giết mổ để bảo vệ và phát triển đàn gia súc, gia cầm hàng hóa.
Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp ở Lào Cai còn nhiều khó khăn, cần quan tâm khắc phục như chưa có những vùng sản xuất hàng hóa lớn tập trung, công nghiệp chế biến chưa phát triển, chưa có hàng hóa có thương hiệu mạnh, chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao trên thị trường; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mối quan hệ sản xuất trong sản xuất nông nghiệp chuyển biến chậm, hiệu quả sử dụng đất đai, sức lao động còn hạn chế nên đời sống của nông dân vùng cao còn nhiều khó khăn.
Mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp Lào Cai trong giai đoạn 2010-2015 là bảo đảm an ninh lương thực ở 98 xã thuộc diện khó khăn. Phát triển mạnh các loại cây trồng vật nuôi, tạo ra vùng tập trung khối lượng nguyên liệu lớn, phát triển công nghiệp chế biến để tạo nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác, để đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Để đạt được mục tiêu trên, cần tập trung thực hiện hai giải pháp quan trọng. Một là, chuyển đổi mạnh cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang sản xuất các ngành nghề khác, thông qua các chương trình phát triển hàng hóa cây trồng, vật nuôi gắn với việc xây dựng các cơ sở chế biến sẽ tạo ra rất nhiều công việc để giúp cho nông dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang các lĩnh vực khác. Thí dụ như, thực hiện chương trình phát triển cây cao-su sẽ có khoảng gần 10 nghìn nông dân chuyển thành công nhân làm trong các công ty cao-su hoặc sẽ có rất nhiều thanh niên ở nông thôn được đào tạo để vào làm ở nhà máy chế biến cao-su. Mặt khác, khuyến khích mạnh hơn việc phát triển các ngành, nghề truyền thống hoặc nghề mới như làm du lịch cộng đồng…, để dần từng bước chuyển một phần số lao động nông nghiệp truyền thống sang làm các ngành nghề khác, hoặc thu nhập của các hộ gia đình nông dân từ các ngành nghề khác chiếm hơn 55% thu nhập của gia đình, đáp ứng về chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp. Hình thành các vùng sản xuất lớn gắn với cơ sở chế biến hoặc mở rộng các ngành nghề khác trong nông thôn cũng là cơ hội để cho người lao động được đào tạo nghề, tham gia các hoạt động sản xuất các ngành nghề này. Thứ hai là, đẩy mạnh xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp với các chương trình sản xuất hàng hóa cây trồng, vật nuôi, phát triển các ngành nghề nông thôn theo các chương trình của tỉnh sẽ tạo ra nhu cầu hợp tác của người nông dân, hợp tác giữa nông dân với các doanh nghiệp, từ đó các hình thức hợp tác sản xuất được phát triển. Phát triển mô hình các hợp tác xã để chế biến tiêu thụ các loại sản phẩm hàng hóa như rau, hoa, gạo, thủy sản, dược liệu… Mặt khác, phát triển nhiều loại ngành nghề cũng tạo ra các hình thức hợp tác sản xuất trong nông thôn như rèn, đúc, thêu, may thổ cẩm, chạm khắc, sản xuất vật liệu xây dựng… Cần có chính sách khuyến khích, nâng đỡ để phát triển các hình thức liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm của nông dân ở nông thôn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()