tle=”Chuyện dạy và học trên dãy Hoàng Liên Sơn”> * Vẫn còn những lớp học ghép ở Trường PTDT bán trú Tà Xi Láng. Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ vùng Tây Bắc Tổ quốc, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) là vùng núi cao cheo leo, heo hút. Tuy nhiên, những khó khăn về kinh tế – xã hội của một trong những huyện nghèo nhất cả nước không thể xóa đi những dấu ấn trong nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học với những cách làm sáng tạo của thầy và trò cùng nhân dân miền sơn cước này.
Mưa. Những trận mưa xuân rả rích, kéo dài nhiều ngày khiến cả vùng đồi núi như lặng yên. Thầy giáo Đinh Công Hoàn, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tà Xi Láng vừa giữ chặt tay lái, cài số một, vừa nhắc chúng tôi ngồi sau “cân chỉnh thế ngồi” để vượt qua những ổ trâu, ổ gà cùng những khúc cua gấp tay áo trên con đường lổng chổng đá trơn trượt và tầm nhìn bị che khuất từ Suối Giàng lên Tà Xi Láng. Đi bên này ngọn núi, cách khoảng hai, ba cây số, bóng dáng Trường PTDTBT Tà Xi Láng ở bản Xá Nhù lúc ẩn, lúc hiện trong mây mù đặc quánh. Theo như các thầy giáo, cô giáo trong trường thì cứ khoảng chớm đông cho đến cuối mùa xuân, gặp hôm tiết trời trong xanh khu vực trường cũng chỉ có nắng được vài tiếng giữa trưa do núi bao bọc chung quanh.
Cũng vì muôn vàn khó khăn mà câu chuyện về giáo dục của người Mông ở Tà Xi Láng được thầy giáo Nguyễn Hữu Hòa, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tà Xi Láng mở đầu bằng những nỗi buồn khó phai mờ. Ấy là cách đây ít năm, một số thầy giáo, cô giáo bị hạ ngạch, bậc lương vì lớp không có học sinh đi học, không hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Nói như vậy để thấy rằng, câu chuyện học tập trên núi cao của các thôn, bản người Mông không dễ dàng gì. Cả xã Tà Xi Láng đến nay chưa có điện, chủ yếu sử dụng điện tự chế, kéo máy mô-tơ nhỏ. Vì vậy, cứ đến mùa khô, suối cạn, điện yếu, bóng đèn leo lét hoặc phập phù lúc có lúc không, các thầy giáo, cô giáo phải soạn giáo án bằng đèn dầu mà có khi hết dầu chưa kịp mua thì chỉ còn cách đốt lửa. Trong khắc nghiệt của thời tiết, nhiều học sinh chân trần, áo quần phong phanh, giữa cái đói của mùa giáp hạt, vượt giá rét tới trường. Vì vậy, nếu các thầy giáo, cô giáo chỉ một chút sao nhãng là các em đi học kiểu “giã gạo” buổi đi, buổi nghỉ dẫn tới bỏ học.
Rời Tà Xi Láng, thầy giáo Bùi Thanh Tùng, cán bộ Phòng GD và ĐT Trạm Tấu cùng chúng tôi đến điểm bản Kháo Chu của Trường PTDTBT Bản Công. Dù không cách trung tâm huyện tới gần 60 km như Tà Xi Láng nhưng Kháo Chu cùng các thôn, bản của xã Bản Công cũng thuộc địa bàn “heo hút cồn mây”. Đường đến trường của học sinh cũng mất “vài con dao quăng” mà người không quen leo dốc núi cũng đi mất cả ngày đường. Theo thầy Hiệu trưởng Trần Văn Cường, 100% số học sinh ở xã Bản Công là người dân tộc Mông, đời sống kinh tế, nhu cầu học tập, trình độ nhận thức còn rất khó khăn. Học sinh tiểu học có thể bế em, THCS là nhân lực chính chăn trâu, cắt cỏ, cho nên việc đến trường đứt bữa xảy ra thường xuyên.
Nhưng thật mừng, đến nay ở Trạm Tấu, tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học đã giảm đáng kể. Ngay ở Tà Xi Láng và xã Bản Công vào thời điểm của “tháng ăn chơi”, Tết của người Mông nhưng các lớp học khá đông đủ, sĩ số lớp luôn đạt 90% đến 95%… Tôi băn khoăn khi nhắc đến Trạm Tấu là nhắc đến một trong những huyện vùng cao nghèo nhất cả nước, dân tộc Mông chiếm 77,5% sống rải rác trên khắp các ngọn núi có độ cao trung bình khoảng 800 m so mặt nước biển thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn 69,6%… thì bằng cách nào, những đôi chân nhỏ của những học trò người Mông, người Thái vốn quen con đường lên nương rẫy, vào rừng bẫy con thú hơn là đường đi học, nay lại ngày ngày vượt dốc núi đến trường đều đặn? Để hôm nay, giữa sân Trường PTDTBT Tà Xi Láng, những cặp mắt hồn nhiên, ngây thơ của những học sinh các bản vùng cao đang thắp lên những hy vọng con chữ nảy lộc đâm chồi.
Vẫn còn rụt rè khi tiếp xúc với người lạ nhưng Sồng Thị Ma, học sinh lớp 5 của Trường PTDTBT Tà Xi Láng cũng kịp tâm sự về chuyện học của em. Là chị cả, Ma còn một em học lớp 4 và một học lớp 2. Nhà cách trường khá xa nhưng ba chị em đều đến trường đầy đủ. “Từ nhà gần sáo (sáu) giờ đi thì hơn bạy (bảy) giờ lên đến nơi. Ợ (ở) trường được ăn cơm với cá, có hôm cạ (cả) thịt nứa (nữa)”- Câu trả lời còn ngọng nghịu tiếng Việt của Ma khi được hỏi về hành trình tới trường, khiến chúng tôi chợt nhận ra nhiều điều về giáo dục nơi đây. Khi mấu chốt của việc bỏ học được giải quyết, khi “cái bụng” của người Mông đã tỏ thì việc học trên những đỉnh núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn này đã được quan tâm, chăm sóc tốt hơn. Theo như thầy Nguyễn Hữu Hòa: Cũng may, giữa lúc khó khăn thì Tà Xi Láng cũng như nhiều xã, thị trấn khác của huyện Trạm Tấu được sự quan tâm kịp thời của các cấp, các ngành. Nhất là việc chuyển đổi các trường tiểu học và THCS thành mô hình trường PTDTBT theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDTBT. Theo quy định, học sinh bán trú, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được ở trong khu bán trú của nhà trường; đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá chín tháng/năm học/học sinh. Toàn bộ học sinh thuộc diện bán trú đều được các trường tổ chức nấu ăn tại trường, chăm sóc chu đáo. Vì vậy, đường đến với con chữ của các em đã bớt gian nan, vất vả bội phần. Đến nay, trong số 12 xã, thị trấn, huyện Trạm Tấu đã chuyển đổi được mười trường PTDTBT tiểu học và THCS.
Không chỉ dừng lại ở các giải pháp đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động học sinh đến trường đơn thuần, theo “bật mí” của cán bộ Phòng GD và ĐT Bùi Thanh Tùng thì Trạm Tấu còn có cách làm “không giống ai”. Những năm học trước, khi mô hình trường PTDTBT chưa hình thành, kỳ giáp hạt, học sinh thiếu đói, bỏ học khá nhiều. Vậy là các ban, ngành của huyện cùng Hội Khuyến học tuyên truyền, vận động lãnh đạo các xã, thôn đến ngày thu hoạch mỗi gia đình ủng hộ từ ba đến năm kg thóc để kỳ giáp hạt lấy gạo cho các cháu ăn. Thời gian đầu, người dân chưa hiểu khuyến học là gì, sao lại vận động quyên góp thóc, cho nên cán bộ Hội Khuyến học thường là gắn với bí thư chi bộ, trưởng các thôn, bản. Dần dần, cán bộ cơ sở và người dân cũng hiểu ra. Từ những đợt vận động nhỏ lẻ, “phát sinh” khi thiếu đói đã trở thành phong trào xây dựng Kho thóc khuyến học nhân rộng ra toàn huyện có quy chế sử dụng hợp lý để khen thưởng, giúp đỡ học sinh khó khăn khi đi học. Vì vậy, số học sinh đi học chuyên cần tăng lên rõ rệt. Trước đây, cứ đầu năm học, lúc mới mùa thu hoạch xong, học sinh đến trường chuyên cần đạt từ 90% đến 95% nhưng mùa giáp hạt, nhất là tháng 3 thì việc chuyên cần của học sinh chỉ còn 60% đến 70%. Tuy nhiên, đến nay, học sinh đi học đều hơn với tỷ lệ chuyên cần đều đạt hơn 90%. Từ đầu năm học 2012-2013 đến nay, cán bộ và người dân Trạm Tấu đã ủng hộ xây dựng Kho thóc khuyến học được hơn 43 tấn thóc và hơn 68 triệu đồng, nhận thức của người dân vùng cao về việc học đã có sự thay đổi rõ rệt.
Nhiều hộ gia đình ở Trạm Tấu trước đây nói đến chuyện đi học như là “việc của thầy giáo, cô giáo” thì nay đã thay đổi suy nghĩ. Vừa xoay vần chiếc chảo kho cá, anh Sùng Sà Dia, ở bản Xá Nhù được cử ra nấu cơm cho học sinh bán trú vừa trò chuyện về việc nuôi con đi học. Anh Dia khoe: “Nhà có bốn cháu, ngoài một đứa đi lấy chồng rồi, ba đứa còn lại đều cho đi học hết. Có một đứa đang đi học hệ phổ thông dân tộc nội trú ở Hà Nội, chỗ Đại học Lâm nghiệp cơ, xa lắm”.
“Thế một năm làm được bao nhiêu bao thóc, có phải bán thóc nuôi các cháu đi học không” – tôi hỏi tiếp.
“Ô, một năm làm nương rẫy được 20 bao, khoảng hơn một tấn. Có tiền thì không bán đâu, không có thì phải bán thóc thôi, nhưng cũng phải để đủ ăn đã chứ, lại còn ủng hộ khuyến học được một phần ba bao nữa đấy”.
Những hộ gia đình như anh Sùng Sà Dia ở Trạm Tấu giờ không còn là hiếm. Điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Sừa, ở thôn Lừu một, xã Hát Lừu, có ba con đều thi đỗ vào các trường đại học. Dòng họ Thào ở thôn Tà Tầu, xã Pá Hu có 100% số cháu trong độ tuổi đến trường đều đi học; đến nay có 17 cháu học xong chuyên nghiệp, đang công tác tại các cơ quan nhà nước; bảy cháu đang học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học. Còn ở thôn Kháo Chu, xã Bản Công, theo anh Thàng A Của, an ninh thôn, đến nay đã có hai người học đại học công tác ở huyện, còn trung cấp thì nhiều lắm, có cả chục người…
Tất cả đang cho thấy những giải pháp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài ở huyện nghèo Trạm Tấu đang từng bước chuyển mình tích cực.
– Toàn huyện Trạm Tấu có 13 trường mầm non thuộc 12 xã, thị trấn. Trong đó có chín xã, thị trấn đã hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi.
– Có 15 trường tiểu học và THCS gồm ba trường tiểu học, hai trường THCS và mười trường PTDTBT (cả tiểu học và THCS). Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt từ 96,4% đến 98,9%, tùy theo độ tuổi.
– Trạm Tấu có năm trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học năm 2002 và THCS năm 2007.
Ý kiến ()