Chuyện của Ðại úy Công an thế hệ 8x
Đại úy Nguyễn Công Hà (người thứ hai từ phải sang) cùng các đại biểu tại Đại hội thi đua Vì an ninh Tổ quốc. Trong ngần ấy năm công tác ở một địa bàn phức tạp, là phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), Đại úy Nguyễn Công Hà luôn cố gắng hết mình vì công việc. Những thành quả gặt hái được, với đồng chí, đó là những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho tương lai lâu dài. Còn hiện tại, với sức trẻ, đồng chí xác định phải phấn đấu và cống hiến hết mình vì nhân dân phục vụ. Bài học gần dân và giữ lửa yêu nghềĐại úy Nguyễn Công Hà, sinh năm 1980, hiện là Phó Trưởng Công an phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Sinh ra và lớn lên trên vùng quê ngoại ô Đà Nẵng ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, từ bé, Hà đã sớm vun đắp ước mơ trở thành một cảnh sát, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho người thân trong gia đình và xóm, làng. Năm 2000, Hà tốt nghiệp Trường Trung học...
Đại úy Nguyễn Công Hà (người thứ hai từ phải sang) cùng các đại biểu tại Đại hội thi đua Vì an ninh Tổ quốc. |
Bài học gần dân và giữ lửa yêu nghề
Đại úy Nguyễn Công Hà, sinh năm 1980, hiện là Phó Trưởng Công an phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Sinh ra và lớn lên trên vùng quê ngoại ô Đà Nẵng ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, từ bé, Hà đã sớm vun đắp ước mơ trở thành một cảnh sát, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho người thân trong gia đình và xóm, làng. Năm 2000, Hà tốt nghiệp Trường Trung học Cảnh sát nhân dân, về nhận công tác tại Công an phường Hòa Minh với nhiệm vụ được giao là cảnh sát khu vực. Những ngày đầu mới về địa bàn này, Hà đã gặp không ít khó khăn, vì đây là địa bàn rộng, đông dân cư và đây cũng là địa bàn phức tạp nhất của quận Liên Chiểu và cả TP Đà Nẵng. Đến nay, khi đã nắm giữ một vị trí trọng trách tại Công an phường Hòa Minh, anh vẫn thầm cảm ơn những ngày đầu về đây công tác. Đại úy Hà tâm sự:
– Hồi đó, khi về nhận nhiệm vụ tại phường, lúc đầu tôi bối rối và cái gì cũng mới. Đây lại là địa bàn có bến xe, dân cư nhiều thành phần. Nhưng đúng là trăm nghe không bằng một thấy, khi đã vào cuộc và tiếp cận địa bàn bằng cách lắng nghe, tôi đã tự rút ra cho bản thân nhiều bài học quý. Giờ nhớ lại, vẫn cảm ơn những ngày làm cảnh sát khu vực.
– Nếu bây giờ được chọn lựa lại một lần nữa về công việc, anh có chọn nghề cảnh sát? Tôi hỏi anh.
– Dù khó khăn mấy tôi cũng cứ chọn nghề này. Khi còn tuổi trẻ, nếu đã chọn lựa nghề nghiệp đúng hướng, chúng ta nên chăm chút cho nghề và không quản ngại gian khó. Tuổi trẻ phải được tôi rèn trong khó khăn, có gian khó mới có ngày thành công.
Câu trả lời khẳng khái của Hà làm tôi tin, dù ở cương vị nào, anh vẫn giữ được phẩm chất của một người Chiến sĩ công an nhân dân, vì nhân dân phục vụ.
Từ một cảnh sát khu vực, rồi cảnh sát trực ban hình sự và bây giờ là Phó Trưởng Công an phường, chỉ điểm qua bảng thành tích “đặc biệt” của Hà, cũng đủ nhìn nhận những nỗ lực không ngừng của anh trong hơn 12 năm: Đại úy Hà vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba (2011); Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba (2006); Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhì (2010); Bộ Công an tặng hai Bằng khen về thành tích Học tập Sáu điều Bác Hồ dạy đối với Công an nhân dân (2003 – 2008); 12 năm liền là Chiến sĩ tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở; Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân. Năm 2005, được tham dự Hội nghị điển hình tiên tiến năm năm phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” Công an TP Đà Nẵng, là một trong ba đại biểu Thanh niên Công an TP Đà Nẵng tham dự Hội nghị tiên tiến toàn lực lượng Công an nhân dân Học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy; được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng danh hiệu Thanh niên tiên tiến toàn quốc; là một trong 20 đại biểu của Bộ Công an tham dự Đại hội tài năng trẻ toàn quốc tại Hà Nội; Ban Tuyên giáo T.Ư tuyên dương tại giao lưu gặp mặt các gương điển hình trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” khu vực miền trung, Tây Nguyên; tặng giải thưởng “Gương mặt trẻ Công an Đà Nẵng xuất sắc tiêu biểu năm 2011″… Nhưng với anh, phần thưởng cao quý nhất mà anh nhận được cho đến bây giờ là niềm tin người dân khu vực đã dành trọn cho anh, giúp anh vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Tôi hỏi anh, kỷ niệm nhớ nhất trong 12 năm qua là gì? Anh không đắn đo khi kể về những lần cùng anh em đồng đội truy bắt các đối tượng truy nã đặc biệt. Đó là những ngày làm việc hết mình, quên thời gian, quên gia đình. Biết cách quản lý tốt địa bàn và đối tượng, thường xuyên thăm hỏi, động viên, tìm cách tiếp cận với đối tượng để giáo dục, cảm hóa. Cái khó nhất của một cảnh sát khu vực là phải hiểu rõ khu vực mình làm việc có những điểm nào nóng và “nóng khác thường”. Cũng từ tính cẩn trọng và nhiệt tâm với công việc, mà anh không ngừng nỗ lực để làm tốt nhất nhiệm vụ được giao. Anh đã trực tiếp tham gia bắt 18 đối tượng truy nã, vận động hai đối tượng bị truy nã ra đầu thú. Bây giờ trên địa bàn phường, hầu như người dân ở tổ dân phố nào cũng biết anh, vì “tôi có thói quen làm tới đâu cũng tìm cách làm quen, trao đổi, tìm hiểu thông tin, mạnh dạn cho người dân số điện thoại di động để qua đó, họ gọi trao đổi, cấp báo tình hình khi cần thiết. Chính vì thế mà trong công việc, tôi đã cắm được một số nguồn tin tin cậy từ người dân”, Đại úy Hà khẳng định.
… Cưới được vợ nhờ làm cảnh sát khu vực
Bây giờ thì Đại úy Hà đã có một tổ ấm với vợ hiền và hai cô con gái xinh ngoan học giỏi. Cô con gái lớn học lớp 5, cô con gái nhỏ học lớp 3. Chị Hồ Thị Minh Lập, vợ Đại úy Hà kể rằng, cái duyên trăm năm của vợ chồng anh chị là “nhờ anh Hà làm cảnh sát khu vực, gặp em rồi tụi em yêu nhau bao giờ không rõ”. Cái mối duyên đó, là năm 2002, khi Hà còn là cảnh sát khu vực của phường, trong một lần đi kiểm tra tạm trú, tạm vắng đã phát hiện Minh Lập chưa đăng ký tạm trú tạm vắng mà lại ở cùng nhà với một bạn gái đang làm công nhân ở Đà Nẵng. Lần đó, sau khi kiểm tra thủ tục giấy tờ, Hà đã mời Lập về Công an phường “lập biên bản” xử phạt. “Đúng là hồi đó mới vào nghề, làm gì cũng hăng hái và nguyên tắc”. Sau lần ấy, cô giáo viên nhạc tương lai đã quyết định rời xa giấc mơ đứng lớp, ổn định cuộc sống mới với vô vàn khó khăn trên đất Đà Nẵng. “Hồi đó lương anh Hà được 420 nghìn đồng/tháng. Mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông chờ vào chừng đó. Vợ chồng em thuê trọ, rồi mở một quán cà-phê cóc để bán. Sau giờ làm việc, anh Hà về cùng vợ chạy bàn bán cà-phê. Nhưng chính những lúc vất vả như vậy mà giờ hạnh phúc gia đình em lại trọn vẹn”, chị Lập nhớ lại. Năm 2007, chị Lập xin được vào làm công nhân nhà máy nhựa, những tưởng cuộc sống vợ chồng đỡ vất vả hơn, nhưng rồi thời gian làm việc tăng ca liên tục, hai đứa con nhỏ gửi nhà trẻ không ai đón đưa, chồng bận làm việc cả ngày, Lập lại phải nghỉ việc giữa chừng. Đến năm 2010, trong một lần lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng về thăm đơn vị, khi được hỏi về những khó khăn, Hà chỉ có một băn khoăn là giờ vợ thất nghiệp, bởi vậy chỉ mong sao kiếm được một việc làm ổn định. Hiện tại, chị Lập đang làm cấp dưỡng, chăm lo từng bữa cơm hằng ngày cho anh em trong đơn vị Hà. Anh nói, từ ngày vợ có việc làm, nhà có nhiều tiếng cười hơn, anh cũng được sẻ chia trọn vẹn trong công việc và cuộc sống.
Đối với một cán bộ trẻ thế hệ 8X như Đại úy Nguyễn Công Hà, được làm việc và cống hiến cho sự nghiệp là một hạnh phúc. Anh tâm niệm rằng, học ở Bác Hồ thì mình không thể học bằng lời nói, mà phải thể hiện bằng việc làm cụ thể. Đối với chiến sĩ Công an nhân dân, đó là sự tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân, mang lại bình yên cho cuộc sống. Đó là bài học cao quý nhất mà anh học được từ Bác Hồ để không ngừng phấn đấu, trưởng thành.
Theo Nhandan
Ý kiến ()