Chuyến công du bận rộn
Ngày 9-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du 3 nước châu Âu, gồm Anh, Litva và Phần Lan. Chuyến đi nằm trong nỗ lực củng cố một liên minh quốc tế chống lại Nga, mặt khác cũng là để vực dậy tinh thần của các đồng minh trong khối liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu sau nhiều biến cố liên tiếp gần đây.
Trọng tâm chính trong chuyến công du 5 ngày của Tổng thống Joe Biden là tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thường niên diễn ra trong hai ngày 11 và 12-7 tại thủ đô Vilnius của Litva. Tuy nhiên, điểm dừng chân đầu tiên của ông Joe Biden là nước Anh, với mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia. Trước chuyến thăm, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuyên bố, Anh là “đồng minh mạnh nhất của chúng tôi, theo nhiều cách, ở nhiều cấp độ”, rằng cả người Mỹ và người Anh đều mong chờ chuyến đi này.
Tổng thổng Mỹ Joe Biden có chuyến thăm kéo dài 5 ngày tới châu Âu từ ngày 9 đến 13-7. Nguồn: AP |
Bất chấp người đứng đầu mỗi chính phủ thuộc đảng phái nào, quan hệ đồng minh thân thiết đặc biệt Mỹ-Anh chưa khi nào bị gián đoạn. Tổng thống Joe Biden đã có chuyến thăm đột xuất tới Bắc Ireland vào đầu năm nay nhân kỷ niệm 25 năm Ngày ký kết Thỏa thuận Thứ sáu tốt lành do Mỹ làm trung gian. Vừa tháng trước, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng có chuyến thăm Mỹ, với kết quả là hai bên đưa ra Tuyên bố Đại Tây Dương, cam kết hợp tác sâu rộng hơn để giải quyết những thách thức kinh tế cấp bách trong nhiều lĩnh vực, cũng như tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng.
Chuyến thăm lần này, ngoài thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thảo luận từ trước đó thì một trọng tâm nghị sự giữa hai bên dự kiến không nằm ngoài cuộc chiến ở Ukraine, viện trợ vũ khí cho Kiev, cũng như các biện pháp trừng phạt tiếp theo đối với Moscow, trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, các cuộc phản công của Kiev diễn ra khá chậm chạp và không mấy thành công. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt khốc liệt của Mỹ và phương Tây tỏ ra không hiệu quả trong việc làm sụp đổ nền kinh tế Nga. Bởi vậy cũng có dư luận cho rằng, Washington và London đang bắt tay nhau trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ thất bại của Ukraine, rằng Washington và London vẫn chưa quên được thời kỳ huy hoàng hậu Chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi Mỹ và Anh “cùng nhau thống trị thế giới”.
Chặng dừng chân tiếp theo của ông Joe Biden là Litva để tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO. Giới phân tích nhận định, đây là dịp để Washington vực dậy tinh thần của các nước đồng minh trong khối NATO. Vụ binh biến bất thành ở Nga hai tuần trước và việc Belarus cho phép thủ lĩnh Prigozhin của công ty quân sự tư nhân Wagner lập doanh trại tại đây lập tức trở thành nỗi khiếp đảm với một số thành viên NATO, nhất là các quốc gia láng giềng với Belarus. Chưa hết, một báo cáo năm 2023 của cơ quan phản gián Estonia nhận định, các quốc gia Baltic (gồm Litva, Latvia và Estonia) là phần dễ bị tổn thương nhất của NATO, là tâm điểm gây áp lực quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột Nga-NATO. Nếu muốn, Nga có thể áp đảo 3 quốc gia Baltic chỉ trong 60 giờ.
Vì lẽ đó, với vai trò là người đứng đầu NATO, Mỹ sẽ phải thúc đẩy chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh lần này tập trung nhấn mạnh sự cấp bách trong việc củng cố sườn phía Đông của liên minh và thúc giục các nước tăng chi tiêu quốc phòng. Mặc dù chi tiêu quốc phòng trong toàn khối tăng 2,2% trong giai đoạn 2021-2022, song chỉ có 7 trong số 30 quốc gia thành viên của NATO vào năm 2022 đạt được mục tiêu 2% GDP, gồm Mỹ, Estonia, Hy Lạp, Latvia, Litva, Ba Lan và Anh. Một kết quả đáng thất vọng so với mục tiêu đề ra.
Điểm đến cuối cùng trong chuyến công du châu Âu của Tổng thống Joe Biden là Phần Lan. Tại đây, ông Joe Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Bắc Âu (gồm Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan) để thảo luận hợp tác về các vấn đề an ninh, môi trường và công nghệ. Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng với Phần Lan, khi quốc gia Bắc Âu này chính thức gia nhập NATO, từ bỏ vị thế trung lập duy trì trong nhiều thập kỷ. Với ý nghĩa đó, chuyến công du Phần Lan còn là cơ hội để nêu bật một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của Tổng thống Joe Biden khi đương nhiệm: Mở rộng NATO ngay trước mũi “gấu Nga”.
Tuy nhiên, sự hiện diện của Phần Lan tại NATO cũng là lời nhắc nhở, rằng Washington vẫn còn những phần việc dang dở chưa thể thực hiện, rằng NATO được mở rộng nhưng thiếu đi sự đoàn kết nội khối. Ấy là bởi việc kết nạp Thụy Điển-một quốc gia đồng minh thân thiết với Mỹ-tiếp tục lâm vào bế tắc, khi những nỗ lực của Stockholm cũng như sự vận động tích cực của cả Mỹ và nhiều thành viên NATO trong suốt thời gian qua vẫn chưa làm hài lòng hai thành viên “cứng đầu” là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Trước bài toán nan giải, Tổng thống Joe Biden từng hé mở ý định Washington có thể nối lại thỏa thuận bán máy bay chiến đấu F-16 cùng các thiết bị nâng cấp cho Ankara, ngầm hiểu như một quân bài mặc cả để Thổ Nhĩ Kỳ gật đầu chấp thuận Thụy Điển. Song thực tế không đơn giản, khi mà ý định đó đã vấp ngay phải sự phản đối quyết liệt của các nhà lập pháp Mỹ.
Chưa rõ liệu với chuyến công du lần này, Tổng thống Joe Biden có thể giải quyết các vấn đề tồn đọng của NATO, cũng như củng cố ảnh hưởng của Washington đối với các quốc gia đồng minh và lấy lại vị thế dẫn đầu của Mỹ trong các vấn đề quốc tế hay không, khi mà chính nội bộ nước Mỹ đang còn nhiều chia rẽ cũng như nhiều vấn đề cần tập trung xử lý.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/chuyen-cong-du-ban-ron-733845
Ý kiến ()