Chuyến công cán khó khăn
Chuyến thăm Mỹ ba ngày của Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H.Ca-dai thu hút sự quan tâm của dư luận hai nước và quốc tế. Hai bên tìm cách thúc đẩy quan hệ đồng minh song phương lên bước phát triển mới, trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang thực hiện kế hoạch rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan vào năm 2014.Hành lý mà Tổng thống Ca-dai mang tới Oa-sinh-tơn không quá nặng, nhưng chất chứa trong nó bao sự bộn bề: Tình hình an ninh của Áp-ga-ni-xtan vẫn bất ổn, phức tạp và khó lường; cuộc đàm phán giữa Chính phủ với các nhóm vũ trang và cực đoan, trong đó có Ta-li-ban, chìa khóa để mở cánh cửa hòa bình cho đất nước, vẫn chưa được khai thông trong khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2014 cận kề; công cuộc xây dựng đất nước chồng chất khó khăn, nền kinh tế tăng trưởng chậm. Thêm vào đó, quan hệ đồng minh giữa hai nước lâu nay bị "sứt mẻ" nghiêm trọng, chủ yếu do sự nghi kỵ lẫn nhau sau hàng loạt vụ "tiến công nội bộ"... Chừng đó thôi...
Hành lý mà Tổng thống Ca-dai mang tới Oa-sinh-tơn không quá nặng, nhưng chất chứa trong nó bao sự bộn bề: Tình hình an ninh của Áp-ga-ni-xtan vẫn bất ổn, phức tạp và khó lường; cuộc đàm phán giữa Chính phủ với các nhóm vũ trang và cực đoan, trong đó có Ta-li-ban, chìa khóa để mở cánh cửa hòa bình cho đất nước, vẫn chưa được khai thông trong khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2014 cận kề; công cuộc xây dựng đất nước chồng chất khó khăn, nền kinh tế tăng trưởng chậm. Thêm vào đó, quan hệ đồng minh giữa hai nước lâu nay bị “sứt mẻ” nghiêm trọng, chủ yếu do sự nghi kỵ lẫn nhau sau hàng loạt vụ “tiến công nội bộ”… Chừng đó thôi cũng đủ để đặt lên bàn đàm phán giữa Tổng thống Ca-dai với Tổng thống nước chủ nhà B.Ô-ba-ma một “bài toán” hóc búa. Báo chí Mỹ bình luận, đây là một trong những chuyến thăm quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo nước ngoài tới Mỹ, đồng thời cho rằng, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Ô-ba-ma và Tổng thống Ca-dai có ý nghĩa quan trọng nhất trong quan hệ hai nước kể từ năm 2001 đến nay. Hai bên thảo luận về Hiệp định An ninh song phương (BSA) giữa Mỹ và Áp-ga-ni-xtan, cơ sở để tăng cường mối quan hệ đồng minh giữa hai nước sau năm 2014, trong đó có vấn đề quân đội Mỹ sẽ lưu lại Áp-ga-ni-xtan sau thời điểm trên dưới hình thức và quy mô thế nào; vấn đề đàm phán hòa bình với Ta-li-ban; cơ chế hỗ trợ tài chính của Mỹ cho Áp-ga-ni-xtan trong giai đoạn chuyển giao 2014-2024…
Trở lại nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai, một trong những ưu tiên của Tổng thống Ô-ba-ma là thực hiện đúng kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Áp-ga-ni-xtan, điều ông đã cam kết với cử tri Mỹ trong suốt một năm tranh cử. Người Mỹ đã quá mệt mỏi vì cuộc chiến “hao người tốn của” tại Áp-ga-ni-xtan. Theo đó, kể từ năm 2011 đến nay, đã có hơn 2.150 binh sĩ Mỹ chết và 18.110 binh sĩ bị thương; ngốn hết “núi tiền” lên đến hơn 590 tỷ USD. Giới quân sự đang tiếp tục tranh cãi về việc có nên lưu lại quân số tại Áp-ga-ni-xtan hay không? Phe ủng hộ nói rằng, Oa-sinh-tơn cần có mặt tại Áp-ga-ni-xtan nhằm bảo đảm thành quả đã thu được trong 11 năm qua. Phe phản đối phân tích, một đội quân hùng hậu hiện nay (khoảng 67 nghìn binh sĩ Mỹ và 37 nghìn binh sĩ thuộc Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO chỉ huy đang đồn trú tại Áp-ga-ni-xtan) cũng chưa triệt tiêu được Ta-li-ban, huống hồ một lực lượng mỏng (dự kiến khoảng từ 3.000 đến 9.000 quân) thì liệu có làm nên chuyện? Phe này nhắc lại “bài học I-rắc” vẫn còn nóng hổi cho nên tốt nhất chuyện của người Áp-ga-ni-xtan để người Áp-ga-ni-xtan tự lo liệu. Nhiều người Mỹ cho rằng, cuộc chiến này sẽ không thể đem lại một “thắng lợi trọn vẹn” cho cả Mỹ lẫn Áp-ga-ni-xtan và mong muốn Tổng thống Ô-ba-ma cho rút quân về nước càng sớm càng tốt. Đối với Tổng thống Ô-ba-ma, việc rút quân vừa “thuận” để Chính phủ của ông tập trung phục hồi kinh tế trong nước, vừa có lợi cho Oa-sinh-tơn triển khai trọng tâm chiến lược ở khu vực khác, trong đó có châu Á – Thái Bình Dương.
Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ca-dai, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L.Pa-nét-ta cho biết, hai bên đã đi đến “chương cuối” của cuộc chiến kéo dài 11 năm qua nhằm thiết lập một nhà nước Áp-ga-ni-xtan có chủ quyền và có thể tự bảo vệ an ninh quốc gia. Năm nay đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi lực lượng Áp-ga-ni-xtan bắt đầu tự bảo đảm an ninh trên toàn quốc khi ISAF không trực tiếp tham chiến nữa, mà chỉ hỗ trợ và huấn luyện cho 337 nghìn binh sĩ và nhân viên an ninh nước sở tại. Về phần mình, Tổng thống Ca-dai tin tưởng, sau chuyến thăm này, Mỹ và Áp-ga-ni-xtan sẽ sớm đạt được một thỏa thuận an ninh song phương nhằm bảo đảm lợi ích riêng của mỗi nước.
Thực tế cho thấy, câu chuyện rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan “nói dễ, làm khó”. Mong mỏi an ninh được bảo đảm và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc của người dân Áp-ga-ni-xtan vẫn xa vời khi mà Ta-li-ban vẫn hoành hành mạnh, còn lực lượng nước sở tại thì lại yếu kém về nhiều mặt. Nhiều lo ngại Áp-ga-ni-xtan có thể rơi vào tình trạng “khoảng trống an ninh” sau năm 2014. Mặc dù vậy, theo các nhà quan sát, Mỹ và Áp-ga-ni-xtan đã phải “đánh đổi rất nhiều” để có được mối quan hệ đồng minh chiến lược như hiện nay cho nên hai bên sẽ gạt những bất đồng và tìm cách thúc đẩy quan hệ song phương phục vụ lợi ích chiến lược của mỗi nước, phù hợp hoàn cảnh thích ứng của cả hai nước trong những giai đoạn khác nhau. Đó chính là thành công nổi bật trong chuyến công cán khó khăn của Tổng thống Ca-dai tới Mỹ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()