Chuyện bữa cơm của học sinh vùng khó khăn
LSO-Trong những năm qua, việc cải thiện bữa ăn cho học sinh các trường dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn luôn là bài toán khó với một huyện còn nhiều khó khăn như Bình Gia. Bước vào năm học mới 2013 – 2014, bữa cơm học sinh ở nơi đây đã đầy đặn hơn vì mỗi tháng, mỗi em học sinh đã được hỗ trợ thêm 15 kg gạo.
Bữa ăn của các em học sinh Trường PTDTBT-THCS Thiện Hòa (Bình Gia) |
Năm học mới ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Trung học cơ sở (PTDTBT-THCS) Thiện Hòa đã diễn ra hơn 1 tháng và niềm vui luôn đong đầy trong mỗi em học sinh nơi đây. Những đứa trẻ vừa tan lớp hí hửng ngồi vào bàn ăn. Phòng ăn với những chiếc bàn ghế inox dường như sáng hơn mọi ngày bởi nó đang được tiếp thêm luồng sinh khí mới. Những bát cơm đã đầy hơn, thức ăn cũng ngon và nhiều hơn những năm trước.
Em Ngô Thị Phương, học sinh lớp 9B, tâm sự: “năm nay là năm học cuối cấp, các môn phải học nhiều nên rất vất vả, nhưng em vẫn rất vui vì được nghe các thầy cô thông báo rằng năm nay chúng em mỗi tháng được hỗ trợ 15 kg gạo. Vậy là từ bây giờ chúng em không còn phải mang gạo từ nhà đi nữa…”. Em Bàn Hữu Quang, học lớp 8B tâm sự: “Từ đầu năm học đến nay, bữa nào em cũng được ăn no. Không những vậy, thức ăn được đổi món thường xuyên. Ăn uống đầy đủ nên chỉ mới có hơn 1 tháng nhưng em thấy sức khỏe mình tốt hẳn lên. Em tin chắc sức học năm nay của em cũng sẽ tốt hơn…”. Cùng ngồi ăn, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui và niềm tin từ các em học sinh ở xã khó khăn Thiện Hòa. Có thêm gạo mới đã giúp các em yên tâm hơn trong học tập, giờ đây bố mẹ, các em không còn phải lo gạo, thức ăn từng tuần cho các em nữa.
Thầy La Văn Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những năm trước, khi thực hiện mô hình phổ thông bán trú thì khó khăn của các em khi về đây là cơ sở vật chất, nhà nghỉ của các em còn thiếu, mỗi gian nhà có vài mét vuông nhưng có từ 3 đến 4 em cùng ở, bếp ăn thì chật chội và vẫn là nhà tạm. Về bữa ăn, nhà trường và tổ nội trú phải tính theo học kỳ, ví dụ từ tháng 9 đến tháng 12 có bao nhiêu ngày thực học thì phải tính tiền từng bữa để đảm bảo thức ăn cho các em. Nếu nói các em được ăn uống đầy đủ thì rất khó, nhưng chúng tôi cố gắng để đảm bảo sức khỏe cho các em học tập”.
Theo Quyết định số 85/200/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDTBT, mỗi em học sinh học bán trú tại trường sẽ được hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Trước kia, theo mức lương tối thiểu thì các em ở Thiện Hòa được hưởng khoảng 420 nghìn đồng/tháng. Ví dụ như năm học 2012 – 2013, Trường PTDTBT-THCS Thiện Hòa có hơn 150 học sinh được hỗ trợ học bán trú. Các thầy, cô của trường phải tính toán, chắt chiu mà cũng chưa thể lo đủ được bữa ăn cho các em. Để đảm bảo dinh dưỡng cho các em, nhà trường đã họp bàn và thống nhất với phụ huynh học sinh xây dựng chương trình “xã hội hóa bữa ăn” cho các em bằng cách góp gạo.
Việc xã hội hóa này thực chất chỉ giúp các em no hơn, chứ chất lượng bữa ăn vẫn rất khó nâng lên. Theo lời của thầy Lý Văn Đông, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Thiện Hòa, bát cơm của các em mấy năm trước có đủ màu vì mỗi nhà góp một loại gạo. Đang ở tuổi ăn tuổi lớn, bọn trẻ chẳng cần phân biệt, các em cứ ăn, miễn no là được. Nhưng giờ đã khác, theo Quyết định 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng chính phủ, bắt đầu từ 1/9/2013, với số gạo được hỗ trợ, cộng với số tiền Nhà nước hỗ trợ theo Quyết định 85, bữa cơm của các em đã đủ đầy hơn.
Niềm vui đầu năm học mới không chỉ có ở Trường PTDTBT-THCS Thiện Hòa, 32 trường dân tộc bán trú (18 trường tiểu học bán trú và 14 trường PTDTBT-THCS) trên địa bàn huyện Bình Gia đều có niềm vui chung như vậy. Tuy mỗi trường thay đổi thức ăn từng bữa có khác nhau, nhưng khẩu phần cơm thì đều giống nhau là “học sinh ăn không cần tính suất, ăn no thì thôi”. Chúng tôi đi thực tế từ Thiện Hòa, Thiện Thuật, Thiện Long đến Hòa Bình, Hoa Thám, Hồng Thái và tiếp tục là Yên Lỗ, Tân Hòa, Qúy Hòa…, cảm nhận chung của chúng tôi là học sinh tại những xã khó khăn này đều đã được quan tâm hơn từ chính sách mới. Nếu để so sánh thì chưa thấm gì so với học trò vùng 1, vùng 2 nhưng ở đây với các em như một giấc mơ. Chúng tôi tin từ những hỗ trợ này sẽ làm thay đổi cuộc sống của học trò nơi đây, giúp các em bước tiếp trên con đường học tập.
Ý kiến ()