Chuyện bóng đá: Cái bụng có no, cái giò mới khỏe
Cái bụng có no, cái giò mới khỏe
Năm ngoái, tạp chí Four Four Two(4-4-2) đã làm một chuyên đề tổng kết rất thú vị xung quanh câu hỏi: “Sau 130 năm, kể từ khi vật chất gắn bó với bóng đá chuyên nghiệp (năm 1879) thì đồng tiền đóng vai trò gì so với sân cỏ. FourFourTwo đã đưa ra những so sánh về sự thay đổi trong giai đoạn… 50 năm để đi đến kết luận: Trong 50 năm ấy, giá một căn nhà tăng 100 lần, từ 2.500 bảng lên 224.000 bảng, giá một cái bánh mì tăng 20 lần, giá một cốc beer tăng 28 lần, giá một chiếc xe của hãng Ford tăng 30 lần nhưng hãy xem lương tuần một cầu thủ tăng lên bao nhiêu lần? Con số rất đáng kinh ngạc: 1.300 lần! Lấy ví dụ Johnny Haynes – một cầu thủ nổi tiếng bậc nhất những năm 60 trong màu áo Fulham hưởng lương 100 bảng/ tuần thì năm 2009, Terry của Chelsea nhận lương…130.000 bảng/tuần.
Các cầu thủ XMCT Thanh Hóa yêu cầu CLB chi tiền. |
Bây giờ, cũng thử nhìn vào lăng kính ấy, nhưng chỉ khoảng thời gian 10 năm ở V.League cũng cho thấy mức độ chóng mặt chẳng kém. Mức lương cơ bản theo quy định của nhà nước năm 2000 là 180.000 đồng/ tháng, năm 2010 là 650.000 đồng/ tháng, tăng khoảng 5 lần, giá một lượng vàng tăng khoảng 6 lần, từ 5 triệu/lượng lên gần 30 triệu/lượng. Nhưng bóng đá thì thế nào? Tổng mức đầu tư cho một CLB tăng 8 lần, từ 5 tỷ lên gần 40 tỷ/mùa nhưng quỹ lương thì tăng khoảng 8 – 12 lần.
Ở thời điểm 2000, những cầu thủ hàng đầu chỉ nhận lương 6 triệu/tháng nhưng hiện nay, những cầu thủ giá cao sẽ không ra sân nếu lương của họ thấp hơn 40 triệu/tháng. Đặc biệt là chuyển nhượng, nếu lấy vụ tranh chấp của Minh Phương từ CSG đến ĐT.LA năm 2001 với giá 400 triệu thì số tiền chuyển nhượng của Công Vinh năm 2008 là 7 tỷ, tăng 15 lần. Năm 2009, Việt Thắng có giá chuyển nhượng 8 tỷ, gấp 20 lần cái giá ĐT.LA có Minh Phương.
Trong suốt 10 năm, chỉ có một thứ không tăng, thậm chí giảm đi. Đó là phần thưởng cho đội đoạt chức vô địch V.League. Năm 2000-2001 là 1 tỷ, năm 2009 là 750 triệu đồng.
Nhìn vào mặt bằng và mức sống của xã hội, có thể nói cầu thủ bóng đá giờ đây sống khá khỏe, thậm chí được coi là những người giàu có. Năm 2007, trung vệ Huy Hoàng mua chiếc Honda CRV trị giá hơn 60.000 USD khiến giới cầu thủ lác mắt nhưng giờ đây chuyện xe hơi với cầu thủ là chuyện nhỏ, với mức lương và các khoản chuyển nhượng khổng lồ, nhiều cầu thủ đã có thể mua siêu xe – những chiếc xe mà hàng đại gia mới mong.
Tất nhiên, không phải ai cũng sống trong nhung lụa. Tháng 5/2005, trên tấm biển thông báo của CLB XMCT Thanh Hóa, đã có các cầu thủ viết lên dòng chữ “Kính đề nghị trả lương tháng 4, 5, tiền giày, tiền ăn sáng”. Đúng là “cái bụng có no, thì cái giò mới khỏe” và chuyện Thanh Hóa xuống hạng như là một phần tất yếu.
Bong bóng xà phòng
Năm 2009, bản danh dách VNR500 bao gồm 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam được công bố, trong đó Tổng công ty bưu chính viễn thông quân đội lọt vào Top 10. Thực tế, tổng doanh thu của Viettel ước tính 60.000 tỷ đồng trong năm 2009 được cho là nằm trong dự đoán, bất chấp khủng hoảng của kinh tế thế giới.
Bóng đá và tiền có mối quan hệ mật thiết với nhau. |
Thế nhưng năm 2009 lại là năm buồn của đội bóng Thể Công mà Viettel là nhà tài trợ nhiều năm liền. Nếu mức đầu tư lên tới 77 tỷ của Thể Công mùa 2009 là chuẩn xác thì con số ấy cũng chỉ bằng 1/1.000 tổng doanh thu của Viettel. Nhưng tại sao Thể Công phải chấp nhận bị xóa xổ khỏi V.League? Vấn đề ở đây không phải là tiền mà còn là sự tồn tại hay không tồn tại của một đội bóng mà vai trò của nó chỉ là tiêu tiền mà tác dụng chính trị cũng như góp phần quảng bá thương hiệu một doanh nghiệp đã rất thành đạt.
Bài học của Thể Công khiến nhiều người giật mình, sự tăng trưởng quá nóng ở V.League có thể dẫn đến sự thiếu bền vững trong phát triển. Lấy HN.ACB là một ví dụ. Bầu Kiên của HN.ACB cũng nằm trong Top những người giàu nhất Việt Nam và cho đến bây giờ có khẳng định đội bóng HN.ACB chẳng có vai trò gì trong việc quảng bá thương hiệu ngân hàng ACB vốn rất vững mạnh và đi đầu trong nhiều lĩnh vực. Đơn giản nó là một cuộc chơi của bầu Kiên cũng như những ông bầu khác ở V.League. Khi đã chơi thì có thể thích hoặc không thích, có thể giải tán đội bóng mà không cần bất kỳ lý do gì.
Ai dám bảo, số phận những đội bóng ở V.League, hạng Nhất, dù dưới tay một ông chủ giàu sẽ luôn ổn định, luôn tồn tại?
Và một câu chuyện buồn khác, là Thể Công bị xóa tên, những CĐV nhiệt tình của họ bỗng nhiên… bơ vơ. CĐV không hề có bất kỳ một tiếng nói nào, dù là yếu ớt cho tồn tại của CLB.
Cũng đơn giản thôi, số tiền họ bỏ ra để mua vé vào sân có nuôi được đội bóng đâu. Nói như cựu GĐKT Rainer Wilfeld: “Bóng đá chuyên nghiệp phải là khi sự tồn tại của đội bóng, sự tồn tại của những cầu thủ chơi trên sân phải phụ thuộc vào khe cửa bán vé ở sân vận động”.
Ý kiến ()