Chuyển biến từ nhận thức đến hành động
Các bệnh nhân tại Khoa Thận nhân tạo Trung tâm y tế Bắc Sơn |
NÂNG CAO NHẬN THỨC TRONG TOÀN NGÀNH
Trước hết, ngành xác định Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị không phải là cuộc vận động, mà là một nội dung, yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, mỗi chuyên đề của từng năm được ngành gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị, chức trách nhiệm vụ của từng cá nhân. Một trong những vấn đề mà ngành y tế ưu tiên chỉ đạo thực hiện trong những năm qua là nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, tăng cường trang bị kỹ thuật, dịch vụ y tế, từng bước đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Bác sĩ Lăng Văn Định, Giám đốc Trung tâm Y tế Hữu Lũng cho biết: Đối với Trung tâm, không chỉ là quán triệt đến từng cán bộ nhân viên, mà đơn vị còn chỉ ra những công việc cần làm trước mắt để tạo sự chuyển biến ngay. Trong việc làm, giám đốc, các phó giám đốc, trưởng khoa, trưởng các bộ phận phải nêu gương, nói đi đôi với làm để cấp dưới noi theo. Theo cách đó, nhận thức của đội ngũ cán bộ nhân viên sâu hơn, bước chuyển mạnh hơn, có “sức bền” và sự lan tỏa. Bác sĩ Phan Thanh Huy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) nói rằng, bước chuyển trong nhận thức phải đồng bộ mới tạo nên chuyển biến đồng bộ. Vì vậy, từ Đảng ủy đến ban giám đốc, từ công đoàn đến đoàn thanh niên, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân đều phải có chương trình hành động của mình, của đơn vị mình. Có chương trình, kế hoạch thời gian thực hiện chương trình, có sự giám sát lẫn nhau, vì vậy đã tạo ra bước chuyển nhanh trong hành động.
CHUYỂN BIẾN TRONG “LÀM THEO”
“Lương y phải như từ mẫu”, lời dạy của Bác luôn được mỗi cán bộ thày thuốc, nhân viên ghi nhớ và trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc Lạng Sơn trong việc thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của ngành. Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 03, tình hình đạo đức, ý thức chuyên môn, tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế đã có chuyển biến rõ. Điều dễ nhận thấy là các bệnh viện đã cải tiến quy trình khám chữa bệnh, đầu tư trang thiết bị, áp dụng kỹ thuật mới, hiện đại vào các lĩnh vực, góp phần giải quyết tình trạng quá tải. Tại BVĐK, nếu thời gian khám bình quân cho 1 bệnh nhân năm 2012 là trên 50 phút, năm 2013 là 46 phút, thì năm 2014, giảm xuống còn 39 phút. Từ năm 2011-2014, Trung tâm Y tế Hữu Lũng đã có 4 sáng kiến, làm lợi cho cơ quan hàng trăm triệu đồng và tạo sự thuận tiện cho người dân. Khắc phục khó khăn, Trung tâm Y tế Lộc Bình đẩy mạnh xây dựng bệnh viện thân thiện, xanh, sạch, đẹp và nâng cao chất lượng phục vụ. Trung tâm Y tế Tràng Định tăng cường cán bộ cho các phòng khám đa khoa khu vực như Áng Mò, Bình Độ, giảm bớt sự đi lại của người dân…
Cứ mỗi lần nhìn thấy các bệnh nhân suy thận tại khu vực Bắc Sơn, Bình Gia phải ở trọ tại khu vực Thái Nguyên, thành phố Lạng Sơn để chờ được chạy thận nhân tạo, lãnh đạo Trung tâm Y tế Bắc Sơn luôn trăn trở, làm sao để có máy chạy thận tại huyện để người dân đỡ phải “ăn nhờ ở đậu” chờ được chạy thận. Trăn trở đã khơi nguồn cho sự sáng tạo. Từ tháng 8/2013, với 4 máy tự mua và 2 máy liên kết, Trung tâm đã thực hiện chạy thận cho 40 bệnh nhân. Bác sĩ Đỗ Mạnh Dũng, Giám đốc Trung tâm cho biết: đây là bước đột phá trong việc đưa dịch vụ y tế kỹ thuật cao đến gần dân và là việc làm cụ thể của việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Theo thống kê của ngành y tế, năm 2014, cấp xã đã thực hiện bình quân 300 dịch vụ kỹ thuật, cấp huyện thực hiện bình quân 2.000 dịch vụ và BVĐK đã thực hiện tới 6.000 dịch vụ kỹ thuật, trong đó có nhiều dịch vụ kỹ thuật vượt tuyến, tăng trên 40% so với năm 2013.
Giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn “tăng tốc” về dịch vụ kỹ thuật y tế, cũng là giai đoạn toàn ngành đẩy mạnh thực hiện quy tắc ứng xử, đổi mới lề lối làm việc, nhằm đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Những kết quả đã đạt được cho thấy, ngành y tế đã “nói đi đôi với làm”, từ nhận thức đã thành thực tiễn làm theo ở rất nhiều nội dung mà điều dễ nhận thấy là chất lượng khám chữa bệnh đã tốt hơn, sự phàn nàn đã ít đi, thay vào đó là những lời khen ngợi của người dân.
Ý kiến ()