Chuyển biến từ người dạy đến chương trình học
Giờ học về an toàn giao thông tại Trường Tiểu học xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng |
Kiện toàn giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất
Qua rà soát, năm 2013, toàn ngành GD&ĐT có 476 giáo viên môn Giáo dục công dân (GDCD) và 20 giáo viên môn Chính trị và pháp luật tại các trường chuyên nghiệp; trong đó có 237 giáo viên cấp học phổ thông không đúng chuyên ngành. Trước thực trạng đó, ngành đã chỉ đạo Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này để đạt chuẩn. Sau 3 năm thực hiện đào tạo và bồi dưỡng, đến cuối năm 2016, tất cả 237 người đã đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giảng dạy.
Hằng năm, ngành phối hợp với các cơ quan như: tư pháp, công an, y tế… mở các lớp tập huấn cho giáo viên môn GDCD và giáo viên dạy chính trị, pháp luật của các trường chuyên nghiệp được cập nhật những văn bản pháp luật và cách thức tuyên truyền, giảng dạy pháp luật. Trong 3 năm qua, toàn ngành đã tập huấn cho 1.240 lượt giáo viên về Luật Giao thông đường bộ; trên 1.200 giáo viên về giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên; 150 giáo viên về đảm bảo an ninh trật tự trong nhà trường; trên 360 lượt giáo viên được tập huấn về Luật hôn nhân và gia đình… Ngoài ra, ngành còn phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội như: đoàn thanh niên, hội phụ nữ tập huấn về phòng chống ma túy trường học, phòng chống buôn bán người và các văn bản pháp luật khác.
Công tác xây dựng tủ sách pháp luật được quan tâm. Đến nay toàn ngành đã có 738 tủ sách pháp luật, tủ sách này luôn được bổ sung đầu sách giáo khoa môn GDCD dùng cho giáo viên và học sinh cũng như đồ dùng trực quan, tài liệu tập huấn và tài liệu tham khảo. Trong 3 năm qua đã bổ sung được 2.469 sách hỏi – đáp pháp luật, 4.886 đề cương tuyên truyền, 4.087 báo, tạp chí tuyên truyền về pháp luật, gần 6.300 tờ rơi, 3.820 băng đĩa.
Bằng các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, trình độ đội ngũ đã được nâng lên; vai trò của môn đạo đức và GDCD ngày càng được coi trọng. Trong các đợt hội thi giáo viên giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, nhiều giáo viên môn GDCD đã trở thành giáo viên giỏi, được tuyên dương khen thưởng.
Dạy pháp luật phù hợp với đối tượng
Ông Hoàng Minh Hùng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Cháu tôi mới 4 tuổi mà đã có ý thức “tuân thủ” luật khi tham gia giao thông. Mỗi khi đưa đón cháu đi học bằng xe máy, cháu thường nhắc tôi phải đội mũ bảo hiểm, đi đường phải đi bên phải, qua ngã tư phải nhìn tín hiệu “đèn đỏ dừng lại, đèn xanh đi thôi”… Cô giáo Hà Yến Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non 8/3 cho biết: Các cháu từ 3 tuổi trở lên đã có những nhận thức luật đơn giản, bước đầu về giao thông, gia đình, môi trường, vệ sinh nơi công cộng… Đó là hiệu quả của việc tích hợp những quy định của luật pháp vào những trò chơi, nhằm hình thành tâm lý ban đầu mang tính luật, chuẩn bị tốt tâm thế cho các cháu khi bước vào phổ thông.
Trong cấp học phổ thông, ngành chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy học môn đạo đức, GDCD theo hướng cung cấp cho học sinh các kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân; quyền và nghĩa vụ trong các lĩnh vực pháp luật gắn với cuộc sống và học tập của học sinh. Đặc biệt chú trọng giáo dục nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, hình thành thói quen xử sự theo pháp luật cho học sinh. Đối với giáo dục thường xuyên, các trường chuyên nghiệp, ngành chỉ đạo các cơ sở giáo dục lựa chọn những nội dung cơ bản, cần thiết, phù hợp. Nâng cao chất lượng đào tạo học sinh, sinh viên chuyên ngành pháp luật trên cơ sở gắn lý luận với thực tiễn. Bà Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: GDPL là một hoạt động giáo dục cụ thể, bao gồm giáo dục trong và ngoài nhà trường, giáo dục chính khóa và ngoại khóa, trong đó chính khóa là “phần cứng”. Có được những kiến thức cơ bản về pháp luật trong giáo dục chính khóa, học sinh sẽ tiếp thu pháp luật như một hoạt động tự thân từ thấp đến cao để hình thành phẩm chất của một công dân hiểu và tuân thủ pháp luật.
Tuy nhiên, giữa học với hành vẫn còn khoảng cách, do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Điều này đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn xã hội lên án những hành động trái đạo đức, trái pháp luật; khen ngợi, biểu dương những gương tốt, những việc làm tử tế. Đó là một kênh quan trọng trong giáo dục ý thức sống và hành động theo Hiến pháp và pháp luật cho những công dân trẻ.
Ý kiến ()