Chuyển biến từ các hợp tác xã nông nghiệp
(LSO) – Những năm gần đây, các hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến cả về số lượng lẫn hiệu quả hoạt động.
Tăng lượng
Nếu như năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 8 HTX nông nghiệp thành lập mới, năm 2016 có 16 HTX nông nghiệp được thành lập mới thì năm 2018, số HTX nông nghiệp được thành lập mới là 55 HTX. Qua đó nâng tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 138 HTX.
Để có được kết quả đó, các cấp, ngành đã cùng vào cuộc để tuyên truyền, hỗ trợ, vận động phát triển mới các HTX. Ông Hà Thành Trung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Năm 2018, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động sáng lập viên tại cơ sở. Cụ thể trong năm, đã phối hợp tuyên truyền cho 2.300 lượt người ở các huyện, thành phố với các nội dung liên quan đến Luật HTX. Thông qua tuyên truyền, vận động, nhiều sáng lập viên hiểu mục đích, vai trò, ý nghĩa của mô hình HTX kiểu mới nên mạnh dạn thành lập HTX tại cơ sở.
Mô hình trồng lúa Nhật của HTX Trấn Ninh, huyện Văn Quan
Chị Nông Thị Hiệu, Giám đốc HTX Hữu Hiệu, xã Chí Minh, huyện Tràng Định cho biết: Được tuyên truyền, hướng dẫn và qua tìm hiểu thực tế, tháng 1/2018, HTX Hữu Hiệu được thành lập với 7 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung cây trồng chính là mía. Mới hoạt động được 1 năm song đến nay, diện tích mía của HTX được hơn 5 ha và bắt đầu thu hoạch. Vào HTX, các hộ thành viên sản xuất tập trung hơn, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhà máy chế biến ở Cao Bằng nên bà con yên tâm phát triển sản xuất.
Nâng chất
Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp cũng được nâng lên rõ rệt. Có được kết quả đó, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước thì yếu tố quan trọng nhất chính là sự phát huy nội lực, sự nhạy bén trong sản xuất kinh doanh của các HTX. Trường hợp HTX Cường Thịnh, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn là một ví dụ.
Ông Bế Văn Kiểu, Giám đốc HTX cho biết: Được thành lập từ năm 2011, HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt cá trên hồ Phai Thuống. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế đem lại khá thấp. Nguyên nhân là do việc thả cá trên hồ rộng nên đánh bắt khó, cá phát triển không đồng đều, thu hoạch theo kiểu lúc được lúc không. Trước thực tế đó, HTX đi tìm hiểu thực tế mô hình nuôi trồng thủy sản ở các nơi khác. Năm 2018, HTX chính thức bắt tay vào phát triển mô hình nuôi cá lồng. Cũng sử dụng mặt nước hồ nhưng việc nuôi, chăm sóc và thu hoạch dễ dàng hơn rất nhiều. Hiện HTX có 11 lồng cá, năng suất khoảng 1 tấn cá/lồng, trừ chi phí mỗi lồng lãi 20 – 30 triệu đồng.
Tương tự như HTX Cường Thịnh, với sự chủ động, nhạy bén, HTX Trấn Ninh, huyện Văn Quan cũng tìm được hướng phát triển. Ông Hoàng Lê Hoan, Giám đóc HTX cho biết: Sau khi tìm hiểu kỹ các mô hình ở cả trong và ngoài tỉnh, năm 2017, HTX quyết định lựa chọn mô hình trồng lúa Nhật. Hợp đất đai, khí hậu nên cây lúa phát triển rất tốt. Không những vậy, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, HTX đã chủ động liên kết với doanh nghiệp bao tiêu. Hiện nay, diện tích lúa tăng từ 7,8 ha năm 2017 lên 27 ha năm 2018, thu nhập bình quân cao gấp 2,5 lần so với lúa thường.
Cùng với 2 HTX kể trên, nhiều HTX nông nghiệp khác cũng đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên. Hết năm 2018, số HTX nông nghiệp hoạt động khá, tốt (không tính các HTX mới thành lập trong năm) chiếm trên 40%, tăng 10% so với năm 2016. Một số HTX vươn lên trở thành những HTX hàng đầu của tỉnh như: HTX Hợp Thịnh, huyện Cao Lộc; HTX Phượng Hoàng, huyện Chi Lăng; HTX thủy sản Lê Hồng Phong, huyện Bắc Sơn; HTX Thủy Bình, huyện Lộc Bình…Doanh thu bình quân của HTX được 900 triệu đồng/năm, tăng 55 triệu đồng so với năm 2016. Thu nhập bình quân thành viên và người lao động trong HTX đạt từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng (năm 2016 là 2,7 triệu đồng/người/tháng).
TÂN AN
Ý kiến ()