Chuyển biến trong phát triển các khu công nghiệp ở Ninh Bình
Năm 2004, khu công nghiệp (KCN) Khánh Phú có diện tích 35 ha ra đời, "mở màn" cho công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Ninh Bình. Ðến nay, tỉnh có năm KCN được thành lập và đi vào hoạt động, gồm: Khánh Phú, Gián Khẩu, Tam Ðiệp, Phúc Sơn, Khánh Cư với tổng diện tích theo quy hoạch gần 900 ha. Hằng năm, các doanh nghiệp (DN) trong KCN tạo ra giá trị sản xuất từ 10 nghìn đến 12 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước từ 600 đến 800 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho hơn 20 nghìn lao động nông thôn.
Năm 2004, khu công nghiệp (KCN) Khánh Phú có diện tích 35 ha ra đời, “mở màn” cho công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Ninh Bình. Ðến nay, tỉnh có năm KCN được thành lập và đi vào hoạt động, gồm: Khánh Phú, Gián Khẩu, Tam Ðiệp, Phúc Sơn, Khánh Cư với tổng diện tích theo quy hoạch gần 900 ha. Hằng năm, các doanh nghiệp (DN) trong KCN tạo ra giá trị sản xuất từ 10 nghìn đến 12 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước từ 600 đến 800 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho hơn 20 nghìn lao động nông thôn.
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Tuy được thành lập khá muộn so với cả nước, trong điều kiện xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước, song các KCN của tỉnh Ninh Bình được phát triển khá nhanh trong chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động.
Một trong những khó khăn trong phát triển các KCN ở Ninh Bình là việc quy hoạch và giải phóng mặt bằng, do nhiều diện tích đất nông nghiệp bị san lấp, diện tích đất canh tác có xu hướng giảm rõ rệt. Ðiển hình là xã Khánh Phú (huyện Yên Khánh) có tới 90% diện tích đất canh tác bị chuyển đổi sang đất sản xuất công nghiệp. Cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh Ninh Bình vận động nhân dân học nghề, hỗ trợ kinh phí, tổ chức dạy nghề, chuyển lao động sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Bí thư Ðảng ủy xã Khánh Phú Nguyễn Ngọc Nhãn cho biết: Xã khuyến khích những lao động có trình độ THPT ở lứa tuổi từ 20 đến gần 30 tham gia học tại các trường đào tạo nghề ở tỉnh hoặc các trường cao đẳng, trung cấp nghề theo hệ thống đào tạo do Bộ Giáo dục và Ðào tạo quản lý. Ðối với lao động ở tuổi hơn 30 thì khuyến khích tham gia các lớp dạy nghề như may mặc, mây tre đan, trồng nấm rơm… do DN địa phương mở. Chính vì thế, việc hình thành các KCN ở Ninh Bình không tạo ra những áp lực về việc làm khiến người lao động thất nghiệp.
Không chỉ riêng Khánh Phú, một số xã ở các huyện Gia Viễn, Nho Quan, Yên Khánh, Yên Mô, thị xã Tam Ðiệp… người dân cũng đồng thuận với chủ trương của địa phương tổ chức bàn giao mặt bằng, tham gia các lớp đào tạo nghề. Nhiều cơ sở sản xuất chăm lo việc làm, bảo đảm thu nhập bình quân khoảng ba triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, tỉnh Ninh Bình chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các KCN, tạo điều kiện cho DN có mặt bằng sạch để triển khai dự án. Theo Ðề án điều chỉnh quy hoạch tổng thể các KCN tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 mà UBND tỉnh đã trình Chính phủ thì các KCN tỉnh Ninh Bình sẽ bao gồm các KCN hiện tại đã xây dựng là Khánh Phú, Gián Khẩu, Tam Ðiệp giai đoạn I (76 ha), Phúc Sơn, Khánh Cư (điều chỉnh giảm diện tích còn 52,11 ha) và hai KCN quy hoạch mới tại vùng ven biển Kim Sơn và thị xã Tam Ðiệp (giai đoạn II) với quy mô mỗi khu khoảng 300 đến 500 ha.
Tất cả các KCN của Ninh Bình đều được đầu tư bằng vốn ngân sách địa phương. Ðây cũng là điểm đặc thù trong xây dựng, phát triển các KCN của tỉnh. Ðến nay, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng ba KCN (Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Ðiệp) theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh là hơn 1.767 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước đầu tư hơn 1.006 tỷ đồng, bao gồm 70 tỷ đồng vốn của T.Ư. Ðây là nỗ lực của Ðảng bộ và chính quyền các cấp ở tỉnh vì Ninh Bình trước đó chưa phải là vùng đất phát triển công nghiệp với nhiều nguồn thu. Ðiểm nổi bật trong phát triển hạ tầng KCN ở Ninh Bình là phân kỳ, chọn hạng mục đầu tư thi công, vừa xây dựng vừa kêu gọi, tiếp nhận các dự án đầu tư. Với số vốn từ ngân sách cấp hằng năm, Ban Quản lý các KCN tỉnh kêu gọi, động viên nhà thầu tập trung thi công các hạng mục chính như san lấp mặt bằng, giao thông, hệ thống thu gom, xử lý nước thải… đáp ứng yêu cầu sử dụng hạ tầng của các dự án đầu tư vào KCN. Ngoài ra, Ban Quản lý còn vận dụng kinh nghiệm của một số tỉnh lân cận để thu hút đầu tư. Các nguồn lực của một số DN như: Công ty Ðiện lực Ninh Bình, Công ty Nước sạch Ninh Bình, Viễn thông Ninh Bình, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Ninh Bình… tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật về cấp nước, cấp điện, ngân hàng, viễn thông phục vụ trong KCN.
Khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thiện cũng là lúc tỉnh Ninh Bình tiến hành nhiều cuộc xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá các KCN với chính sách ưu đãi hợp lý, phù hợp chủ trương của Chính phủ. Ðến nay, KCN Gián Khẩu, Khánh Phú được lấp đầy; KCN Tam Ðiệp 76 ha (giai đoạn I) đã lấp đầy; KCN Phúc Sơn đã giao 12,55 ha trong tổng số 19 ha đất cho các dự án triển khai xây dựng; KCN Khánh Cư 52 ha, hiện đang xây dựng cơ sở hạ tầng. Ðầu tư vào KCN tỉnh Ninh Bình chủ yếu là các dự án có quy mô lớn với tổng mức đầu tư bình quân khoảng 595 tỷ đồng/dự án. Dự án quy mô lớn nhất là Nhà máy Ðạm Ninh Bình của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, sử dụng 53,1ha đất, số vốn đăng ký đầu tư 10.673 tỷ đồng. Ngoài ra, năm dự án có vốn đầu tư hơn ba nghìn tỷ đồng, chín dự án vốn đầu tư 500 tỷ đồng đến gần ba nghìn tỷ đồng.
Sau 10 năm, các KCN trong tỉnh Ninh Bình đạt doanh thu hơn 12 nghìn tỷ đồng/năm, năm 2013, nộp ngân sách gần 800 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 236 triệu USD, góp phần đẩy tỷ trọng công nghiệp lên hơn 46%, thương mại, du lịch, dịch vụ gần 43%, nông nghiệp chỉ còn hơn 13%.
Còn nhiều hạn chế
Tuy nhiên, quá trình đầu tư phát triển các KCN ở Ninh Bình còn bộc lộ những hạn chế, đó là hiệu lực, hiệu quả thu hút đầu tư giảm sút, môi trường đầu tư của tỉnh chưa thật hấp dẫn DN, dẫn đến không có nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, dự án đầu tư quy mô lớn ít dần, thậm chí không còn đủ điều kiện để kêu gọi đầu tư. Mặt khác, nguồn nhân lực tại địa phương phục vụ công nghiệp còn thiếu, nhất là nhân lực có trình độ tay nghề cao, khiến DN nhiều lúc “kiếm không ra”. Các KCN được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách, trong điều kiện nguồn vốn có hạn, phải phân kỳ giải ngân qua nhiều năm, vừa xây dựng vừa thu hút đầu tư cho nên không tránh khỏi sự bất cập trong quản lý cũng như hoạt động của các dự án như đường, điện, xử lý nước thải, quản lý môi trường trong KCN còn thiếu đồng bộ, chưa hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư. Cải cách hành chính tuy các cấp, các ngành đã nỗ lực, song vẫn còn hạn chế, nhà đầu tư còn phàn nàn về lề lối làm việc, quy trình xét duyệt dự án, thời gian thẩm định một hồ sơ dự thầu…
Phát triển các KCN ở Ninh Bình là một chủ trương lớn của Ðảng bộ và chính quyền các cấp, mở ra triển vọng mới cho nền kinh tế địa phương. Trong đó, thành công nhất là hàng chục nghìn lao động nông nghiệp có việc làm ổn định tại các KCN. Vì thế, tỉnh Ninh Bình cần sớm hoàn chỉnh hạ tầng các KCN đã xây dựng, đặc biệt là KCN Khánh Phú. Ðồng thời, điều chỉnh chính sách ưu đãi DN nhằm thu hút đầu tư vào các KCN. Mặt khác, tích cực kêu gọi, xúc tiến đầu tư, hướng trọng tâm kêu gọi tới các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng hai KCN Kim Sơn và Tam Ðiệp. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các KCN về mọi mặt, tạo môi trường đầu tư hiệu quả, an toàn, thuận lợi cho các nhà đầu tư. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư, tập trung vào một số yếu tố lợi thế của tỉnh, như đơn giá đất, dịch vụ, lực lượng lao động, cải cách hành chính để tạo ra sự đột phá mới trong chính sách khuyến khích thu hút đầu tư. Cần chú trọng ưu tiên bố trí vốn kế hoạch đầu tư hằng năm cho hoàn chỉnh hạ tầng và đầu tư trang thiết bị cho công tác quản lý nhà nước đối với các KCN.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng khẳng định: Ðối với những dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tỉnh sẽ có chính sách ưu đãi để nhà đầu tư sớm triển khai dự án, nhất là dự án sử dụng nhiều lao động như may mặc, chế biến nông sản thực phẩm, giày da… được khuyến khích thực hiện.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()