LSO-Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được các cấp, các ngành quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một trong những đề án trọng điểm đang được tỉnh triển khai thực hiện là đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 2 năm thực hiện đề án, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có những bước chuyển biến tích cực. LĐNT xã Mai Pha học nghề nấu ănTheo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có gần 425.100 người trong độ tuổi lao động. Trong số đó, lao động ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 83%. Số lao động qua đào tạo chiếm tỉ lệ rất thấp so với thực tế. Được biết, những năm trước, các lớp đào tạo nghề cho LĐNT không được mở trên cơ sở nhu cầu của người lao động mà chủ yếu dựa trên kế hoạch mà các cơ sở đào tạo nghề đặt ra từ trước. Chính điều này đã khiến...
LSO-Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được các cấp, các ngành quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Một trong những đề án trọng điểm đang được tỉnh triển khai thực hiện là đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 2 năm thực hiện đề án, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có những bước chuyển biến tích cực.
LĐNT xã Mai Pha học nghề nấu ăn
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có gần 425.100 người trong độ tuổi lao động. Trong số đó, lao động ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 83%. Số lao động qua đào tạo chiếm tỉ lệ rất thấp so với thực tế. Được biết, những năm trước, các lớp đào tạo nghề cho LĐNT không được mở trên cơ sở nhu cầu của người lao động mà chủ yếu dựa trên kế hoạch mà các cơ sở đào tạo nghề đặt ra từ trước. Chính điều này đã khiến không ít LĐNT học xong nghề nhưng không tìm được việc làm hoặc phải tự tạo việc làm cho mình. Từ khi thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT với các lớp đào tạo nghề ngay tại thôn, bản dựa trên nhu cầu của người LĐNT đã mở ra cho Lạng Sơn hướng đi mới, hiệu quả hơn trong công tác đào tạo nghề, giúp nhiều LĐNT được học nghề, tạo việc làm và có nguồn thu nhập ổn định.
Sau 2 năm thực hiện đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lạng Sơn đã mở được gần 90 lớp dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, đào tạo được trên 10.240 người với các ngành nghề chính như: trồng trọt, chăn nuôi, thú y, sửa chữa máy nông nghiệp, điện dân dụng, trồng nấm…. những đối tượng được dạy nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động. Ngoài ra, những lớp đào tạo nghề ngắn hạn còn được mở tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường nghề trên địa bàn tỉnh thu hút nhiều học viên tham gia như thiết kế thời trang, điện tử, điện dân dụng, điện công nghiệp… Có thể nói, số LĐNT tham gia học nghề đã được trang bị những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề, góp phần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, phát huy khả năng học tập và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo tiền đề cho sản xuất tập trung theo qui mô hàng hóa. Hiện nay, có khoảng 80% học viên sau khoá học làm việc đúng nghề, 70% học nghề phi nông nghiệp kiếm được việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập. Nhiều nghề đào tạo đã được phát huy như: nghề sửa chữa máy cày, sửa chữa máy nông nghiệp, nghề chăn nuôi gà thả vườn bước đầu có hiệu quả. Chị Lưu Thị Kem, thôn Pàn Pẻn 2, xã Minh Khai, Bình Gia cho biết: Tôi muốn tham gia học lớp chăn nuôi vì từ xưa đến nay thì vẫn chăn nuôi theo kiểu truyền thống. Năng suất chất lượng rất thấp, chủ yếu là tự cung tự cấp. Tôi muốn theo học lớp chăn nuôi này để nâng cao KHKT, áp dụng vào để nuôi lợn cho năng suất, chất lượng cao và có thể sản xuất thành hàng hóa. Một trong những yếu tố quan trọng giúp Lạng Sơn triển khai tốt Đề án 1956 là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị theo đúng lộ trình và phù hợp với từng giai đoạn. Đặc biệt là việc mở các lớp tập huấn kiến thức cho cán bộ xã nằm trong đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt tháng 1/2012 đóng vai trò quan trọng, nhất là đối với tỉnh miền núi với phần đông đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế và trình độ dân trí còn hạn chế, lại sinh sống ở nông thôn như tỉnh Lạng Sơn. Đây sẽ là lực lượng chủ chốt tại các địa phương để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, từ đó giúp chính quyền từ huyện đến xã chủ động xây dựng đề án đào tạo nghề theo đúng định hướng, thiết thực và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, việc huy động đội ngũ cán bộ khoa học, thợ có tay nghề cao tham gia công tác đào tạo nghề, quan tâm đến giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xã hội hóa đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Ông Bạch Ngọc Tĩnh, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Bình Gia cho biết: Từ năm 2011, trung tâm dạy nghề bắt đầu đi vào hoạt động và kết quả của năm 2011 thì đã có 198 học viên đã được đào tạo các nghề sửa chữa xe máy, máy nông nghiệp và chăn nuôi lợn và một lớp trồng trọt cây mỡ. Bước sang năm 2012 trung tâm cũng đã có kế hoạch triển khai là sẽ đào tạo 560 học viên. Nhìn chung bà con tham gia lớp học nghề rất nhiệt tình, được tiếp thu những kiến thức cơ bản để có kiến thức áp dụng vào trong sản xuất chăn nuôi.
Tuy nhiên, hiện nay Đề án vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ông Lê Quang Hồng, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH nhận định: Hiện nay, chúng tôi thiếu đội ngũ giáo viên dạy nghề cho các Trung tâm do chưa được giao biên chế; kinh phí của Trung ương cấp còn hạn chế chưa đáp ứng đủ nhu cầu học nghề của LĐNT. Một vấn đề nữa là cán bộ làm công tác dạy nghề ở các Phòng LĐTB&XH hiện nay chưa có, gây khó khăn cho công tác triển khai thực hiện. Để thời gian tới thực hiện đề án hiệu quả hơn nữa, chúng tôi kiến nghị Sở Nội vụ sớm giao chỉ tiêu biên chế giáo viên dạy nghề cho các trung tâm dạy nghề theo Thông tư hướng dẫn của Liên bộ Lao động và Nội vụ (mỗi trung tâm cần 5-7 giáo viên). Đặc biệt, UBND tỉnh, huyện cần bố trí một nguồn kinh phí để triển khai đề án khi Trung ương chưa kịp cấp kinh phí.
Thái Dương
Ý kiến ()